Tân Nhàn trò chuyện với Zing.vn nhân dịp có nhiều thứ mới. Cách đây không lâu, nữ ca sĩ lên chức Phó trưởng Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Giọng ca nổi tiếng dòng nhạc dân gian cũng vừa ra album mới.
Tân Nhàn là một trong những giọng ca nổi tiếng dòng nhạc dân gian. |
'Cát-xê đám cưới cao gấp 5-10 lần show bình thường'
- Nhìn bề nổi, nhiều người vẫn nghĩ album của các giọng ca dân gian khó tiêu thụ, không được chú ý. Từ trường hợp của mình, chị có chia sẻ gì?
- Nếu nhận định như vậy là không đúng đâu. Không chỉ riêng tôi mà album của các giọng ca dân gian khác tiêu thụ cũng rất khả quan. Như album Hai quê của tôi, ngay khi thực hiện xong đã được các đơn vị doanh nghiệp đặt mua 5.000 chiếc, tức là không còn chiếc nào để mà bày bán trên thị trường.
Sau đó, tôi quyết định sẽ in thêm để những khán giả yêu mến có thể tiếp cận được. Sau 5.000 chiếc đã bán hết, tôi dự định phát hành thêm 5.000 chiếc nữa. Như vậy, tôi nghĩ là số lượng không nhỏ đâu.
- Với mức tiêu thụ đĩa như vậy, vẻ như người hâm mộ dòng nhạc dân gian cũng không kém các ca sĩ hạng A nhạc pop như Mỹ Tâm, Sơn Tùng là bao?
- Tôi thấy đúng, không kém đâu vì nhạc dân gian có khán giả riêng và không hề ít. Nhạc dân gian có thể không bùng nên, gây bão như nhạc nhẹ, nhạc pop nhưng lại có sự êm đềm. Đó cũng là đặc trưng của dòng nhạc. Hết năm này, qua năm khác, nhạc dân gian vẫn tồn tại, không có cao trào nhưng sẽ không thoái trào.
Thế hệ này qua thế hệ khác vẫn nghe nhạc dân gian. Các ca sĩ nhạc dân gian cũng rất đắt show. Không nói thế hệ như chúng tôi mà ngay chính các em sinh viên đang học trong trường, chưa có giải thưởng gì mà tôi đã thấy các em cũng sống rất tốt nhờ nghề rồi.
Tân Nhàn cho biết nhạc dân gian có đối tượng khán giả riêng. Ảnh: Đình Hòa. |
- Nhiều ca sĩ nhạc đỏ, dân gian có thu nhập rất tốt. Chị thì sao?
- Tôi cũng như vậy. Ca sĩ dân gian có thu nhập tốt vì ngoài chương trình chính trị, phục vụ cơ quan, ban ngành, các công ty thì còn các đêm nhạc và cả đám cưới.
Cát-xê đám cưới thường cao hơn 5 lần, thậm chí 10 lần show bình thường. Nhưng tôi cũng hạn chế, chắt lọc vì công việc giảng dạy của tôi ở trường cũng rất bận rộn.
Nói chung là nhạc dân gian mang lại cuộc sống tốt, và tôi cảm thấy tự tin theo đuổi dòng nhạc này chứ không cần phải chuyển sang dòng nhạc đang "hot" trên thị trường để có nhiều show. Nhạc dân gian đã nuôi sống tôi rất tốt rồi.
- Không ít ca sĩ tuyên bố là không nhận các show đám cưới. Là một trong những ca sĩ nổi tiếng và có thương hiệu của nhạc dân gian, dù tiết chế nhưng tại sao chị vẫn nhận lời hát đám cưới?
- Tôi nghĩ đơn giản thế này, mình làm nghệ sĩ, sân khấu nào cũng là sân khấu và cũng có thể biểu diễn. Nhạc dân gian gắn bó mật thiết với người dân. Người dân chân chất mới chính là những người đã nuôi sống nghệ sĩ bao năm, vậy tại sao lại không hát đám cưới?
Chỉ có là bận rộn nên tôi phải từ chối bớt đi, còn quan niệm của tôi là đứng trên sân khấu nào cũng là biểu diễn, hát cho bà con nhân dân ở đám cưới, đó chính là một hình thức phục vụ.
- Các ca sĩ hạng A của nhạc nhẹ có thể có cát-xê lên tới 100 triệu cho việc hát 3-4 trong một đêm nhạc thông thường. Ca sĩ hạng A nhạc dân gian như chị có được đến mức đó không?
- Không, ca sĩ dân gian thì không được đến mức đó. Hai dòng nhạc khác nhau nên cũng không so sánh như vậy được Nhưng như tôi đã nói, ca sĩ dân gian hay nhạc đỏ sẽ có đa dạng show, hát được nhiều sự kiện, do vậy thu nhập cũng sẽ không thấp.
'Chồng là hậu phương vững chắc, tôi đôi khi chỉ là bề nổi'
- Chị đang là nghiên cứu sinh, lại đảm nhận cương vị Phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Theo chị thì việc mất nhiều năm học hành như vậy có thực sự cần với một ca sĩ?
- Chắc chắn là cần, và tôi không phải suy nghĩ khi trả lời điều này. Thời buổi bây giờ thay đổi không ngừng, phát triển không ngừng, lúc nào tôi cũng nghĩ mình cần cập nhật. Với tư cách giảng viên, càng cần hoàn thiện kiến thức. Học cũng giúp tư duy logic trong mỗi người tốt hơn, và đương nhiên có học có hơn chứ.
Mỗi người có con đường nổi tiếng khác nhau. Không học cũng thành được ngôi sao nhưng phong độ, đẳng cấp lại là một câu chuyện khác. Một thần đồng, tham gia thi 3 bài trong game show có thể nổi tiếng ngay, tuy nhiên phong độ có kéo dài hay không lại là vấn đề khác.
Nếu có nền tảng thanh nhạc sẽ ngày càng chín hơn, chứ không chỉ nổi tiếng mấy năm rồi thoái trào, hát không ra tiếng nữa. Không học thanh nhạc thì giọng hát sẽ không được bền lâu, thanh đới không giữ được tốt, hát cũng sẽ khó hơn.
Tân Nhàn tiết lộ chồng chị kinh doanh bất động sản và là hậu phương vững chức cho chị. |
- Một Tân Nhàn trên sân khấu khác gì với một Tân Nhàn - Phó trưởng Khoa Thanh nhạc?
- Thực ra rất khác, khi đi học hoặc làm công tác quản lý, tôi rất giản dị, có người còn nhầm là học sinh.
Trong lớp nghiên cứu sinh, nhiều người cũng bảo không nhận ra Tân Nhàn vì trên sân khấu, tôi lộng lẫy hơn.
- Gần đây, trong một clip được đăng tải, cơ ngơi của chị cũng được tiết lộ. Cơ ngơi hoành tráng đó có được từ thu nhập của chị hay chồng?
- Cả hai vợ chồng. Chồng tôi không phải đại gia nhưng ngoài hát, anh ấy cũng có kinh doanh bất động sản, là hậu phương vững chắc, còn đôi khi tôi chỉ là bề nổi.
- Ở thời điểm hiện tại, khi đã có cuộc sống tốt, chị nghĩ gì về những năm tháng khó khăn trước đây?
- Tôi xuất thân nghèo khó, cuộc sống ở vùng núi thời xưa cũng khó khăn lắm, lại còn không có anh chị em nên có thời gian tôi bị trầm cảm. Nhưng sau chính nhờ âm nhạc đã giúp đỡ tôi có được như hôm nay.
Niềm đam mê đã giúp tôi trưởng thành, dù thế nào tôi vẫn cảm ơn những ngày tháng ấy. Vì xuất thân như thế nên khi nói chuyện với học trò, lúc nào tôi cũng hỏi quê quán ở đâu, nhà có mấy anh em.
Ai khó khăn, tôi đều giúp đỡ, áo dài không có thì cô giáo cho mượn. Tôi cũng luôn dặn học trò là không cần phải quà cáp cô giáo, thay vào đó hãy chuyên tâm học hỏi, đó chính là cách báo đáp tốt nhất.