'Tân Tây Du ký' bị chỉ trích thậm tệ nhưng vẫn hút khách
Nhiều nỗ lực để thay đổi nội dung và cách thể hiện nhưng Tân Tây Du ký vẫn nhận được không ít chỉ trích của những khán giả quá yêu mến phiên bản cũ.
>> 3 lý do nên xem 'Tây du ký 2011'
>> Những tạo hình 'khó đỡ' của sao Hoa ngữ
>> Những bộ phim 'Tân' bị chê tơi tả
Đầu năm 2011, Trung Quốc chính thức cho ra mắt bộ Tân Tây Du ký của đạo diễn, giám chế tên tuổi Trương Kỷ Trung. Thông tin về Tân Tây du ký khởi chiếu không phải là thông tin gây bất ngờ với nhiều khán giả vì ngay khi bộ phim được khởi quay, bộ phim đã được sự quan tâm chú ý của nhiều người trong giới điện ảnh và đông đảo khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ 7.
Với độ dài 66 tập, Tân Tây Du ký (Journey To The West), nguyên tác Ngô Thừa Ân, đạo diễn Trương Kỷ Trung được khởi chiếu năm 2011. Phim có sự tham gia của các diễn viên Ngô Việt (Vai Tôn Ngộ Không), Nhiếp Viễn (Vai Đường Tam Tạng), Tăng Kim Sinh (vai Trư Bát Giới), Từ Cẩm Giang (Vai Xa Tăng), Tiền Vị Thần (vai Bạch Long Mã)…
Bình mới rượu cũng mới!
Tây Du ký, từ tiểu thuyết đến phim ảnh có lẽ không còn xa lạ với nhiều thế hệ người Việt Nam. Khởi chiếu lần đầu ở Việt Nam từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, đến nay đã trải qua nhiều lần trình chiếu trên nhiều kênh truyền hình khác nhau, nhưng sức sống của bộ phim vẫn còn rất rõ nét.
Bộ phim mới thành công hay không, vượt hơn bức tường lớn Tây Du ký phiên bản cũ hay không, đến giờ sau hơn một năm trình chiếu vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Chỉ biết rằng, khi Tân Tây Du ký được trình chiếu, khán giả đã nhận thấy không ít điểm khác biệt giữa hai phiên bản. Nhiều tình tiết được thêm mới, nhiều tình tiết bị cắt bỏ, lại có không ít chi tiết phim khác thay đổi so với nguyên tác cũ.
Có thể điểm vài tình tiết như việc Tôn Ngộ Không tuyên chiến với Ngưu Ma Vương sau khi xưng danh Mỹ Hầu vương, Tôn Ngộ Không trở thành đôi bạn tri kỷ với Nhị Lang thần; Nhị lang thần giúp Tôn Ngộ Không thoát khỏi Lò luyện linh đan của Thái ất chân nhân... và nhiều, nhiều tình tiết khác không có trong phiên bản phim cũ mà chỉ xuất hiện trong nguyên tác văn học.
Tân Tây Du ký cũng không ngại ngần bỏ đi nhiều chi tiết khác mà trong nguyên tác Ngô Thừa Ân được miêu tả rất chi tiết, ví như xuất thân của Đường Tăng, quá trình Tôn Ngộ Không tìm thầy dạy võ khi mới được sinh ra từ tảng đá Hoa Quả Sơn, Tôn Ngộ Không giết chết Hỗn Thế ma vương vì bị Hỗn Thế ma vương chiếm lĩnh Hoa Quả Sơn, v.v…
Thậm chí nhiều chi tiết phim trên Tân Tây Du ký còn được xây dựng khác hẳn với những gì người xem quen thuộc trên Tây Du ký cũ. Có thể kể đến như chi tiết Đường Tăng trong phiên bản cũ luôn được miêu tả là một người có diện mạo đẹp như tranh vẽ, da trắng nõn nà, thơm phức, nhưng hình ảnh Đường Tăng trong phim lần này lại xuất hiện với làn da ngăm ngăm.
Chi tiết ba yêu quái thầy trò Đường Tăng gặp ở nước Xa Trì là Hổ lực đại sư, Dương lực đại sư và Lộc lực đại sư, phiên bản cũ, Tôn Ngộ Không đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của Phật tổ để giết chết những yêu quái này, nhưng phiên bản mới, tự tay Tôn Ngộ Không đã giết chết cả 3 yêu quái.
Tuy nhiên, với những ấn tượng để lại ở Tân Tây Du ký, không thể không khẳng định những nỗ lực to lớn của cả đoàn làm phim trong bộ phim này. Trả lời phỏng vấn của phóng viên, đạo diễn Trương Kỷ Trung cho hay, bộ phim có tổng cộng 22.000 cảnh quay, hợp tác với 14 công ty sản xuất phim hoạt hình trong nước.
Đặc biệt ông còn mời đơn vị sản xuất phim X-men từ Hollywood để thực hiện các vấn đề xử lý hậu kỳ cho bộ phim. Phim có tổng cộng 66 tập, mỗi tập 45 phút thì có tới trên 300 cảnh quay phải dùng đến kỹ xảo và các đạo cụ đặc biệt như các cảnh quay xuất hiện các yêu quái như nhện tinh, sư tử chín đầu, khỉ sói sáu tai, v.v… hay đơn giản như vũ khí của các đồ đệ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng cũng được nhóm đạo cụ làm tỉ mỉ, cẩn thận hơn, sao cho người xem cảm nhận tự nhiên và giống thật nhất có thể.
Đoàn làm phim lần này còn áp dụng thêm một số hệ thống phần mềm hiện đại vào việc xử lý hiệu ứng hình ảnh như hệ thống Motion Control. Phần mềm máy tính đã hỗ trợ đoàn làm phim rất nhiều trong các cảnh quay đại chiến phức tạp giữa bốn thầy trò Đường Tăng và yêu quái….
Bị chỉ trích vẫn đắt khách
Nhiều nỗ lực để thay đổi nội dung và cách thể hiện nhưng Tân Tây Du ký vẫn nhận được không ít chỉ trích của những khán giả quá yêu mến phiên bản cũ.
Trong nhiều bài phát biểu trước công chúng, đạo diễn Trương Kỷ Trung đều nói tới phần kỹ xảo của Tân Tây Du Ký là phần ông tâm đắc và hài lòng nhất. Tuy nhiên đây cũng là phần bị khán giả và giới chuyên môn chê trách nhiều nhất. Nhiều ý kiến cho rằng cái được gọi là “kỹ thuật cao” trên thực tế chỉ là… đánh lừa thị giác.
Những cảnh thiên cung, thủy cung hoành tráng hoa lệ vẫn có nhiều bối cảnh tuềnh toàng lộ phông xanh chưa xóa trong giai đoạn hậu kỳ. Các cảnh Long vương biểu diễn thuật xuyên tường dưới đáy biển hay Tôn Ngộ Không học cân đẩu vân (bay lộn trên mây) đều không có sự chân thực như phiên bản cũ năm 1986 do tỉ lệ giữa núi non và con người hoàn toàn không tương xứng, động tác diễn viên khoa trương gây cảm giác giả. Ở cảnh Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn, những khán giả tinh mắt đã phát hiện ra toàn cảnh phía sau là giả.
Tất cả những chi tiết này khiến những cộng đồng mạng nổi giận, cùng nhau xem kỹ “vạch lá tìm sâu”, sưu tập các cảnh hớ hênh của Tân Tây Du ký. Có người châm biếm: “Đại đạo diễn Trương Kỷ Trung sao không làm phim hoạt hình cả thể, không thì bao nhiêu kỹ xảo bỏ phí thì tiếc quá”.
Tạo hình của các nhân vật trong phim cũng bị chê không tiếc lời “Thầy trò Đường Tăng việc gì phải bắt yêu tinh? Bản thân họ ai cũng giống như yêu tinh rồi”. Từ vẻ ngoài đáng sợ, động tác khoa trương của nhân vật Tôn Ngộ Không đến nước da ngăm đen, ánh mắt đa tình của nhân vật Đường Tăng đều bị đem ra phê phán.
Phần nhạc phim cũng khiến một số khán giả không hài lòng. Ngoài bài hát chủ đề vẫn giữ lại từ phiên bản cũ, các ca khúc mới của Tân Tây Du ký bị chê là lạm dụng âm nhạc hiện đại, làm mất đi tinh thần cổ điển của bộ phim. Phần nhạc minh họa nhiều khi không ăn nhập với nội dung phim, quá ầm ĩ, gây cảm giác khó chịu cho người xem. Ngoài ra, tiếng động hỗn độn giả tạo trong các cảnh đấu võ kéo dài cũng làm cho khán giả mỏi mệt, nhàm chán.
Dù bị chê trách nhiều nhưng khi trình chiếu trên bất cứ đài truyền hình nào, bộ phim cũng đạt lượng người xem đáng kể, là tác phẩm truyền hình thành công nhất của Trương Kỷ Trung về mặt doanh thu tính đến thời điểm này.
Theo Thế Giới Điện Ảnh