Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TAND Tối cao đề xuất xét xử trực tuyến nhiều vụ án hình sự

Phòng xử án của phiên tòa trực tuyến chỉ gồm HĐXX, đại diện VKSND và cá nhân, tổ chức được chủ tọa cho phép tham dự. Còn bị cáo, đương sự, luật sư sẽ dự ở các điểm cầu.

TAND Tối cao đã ban hành dự thảo quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến, dự kiến áp dụng khi các địa phương tiếp tục giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19.

Dự thảo đề xuất xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự, bị cáo bị xét xử tội danh có hình phạt dưới mức đặc biệt nghiêm trọng (dưới 15 năm tù); các vụ án có chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam.

Ngoài ra, những vụ việc dân sự, hành chính có tình tiết đơn giản, đương sự có địa chỉ cư trú rõ ràng cũng có thể được xét xử trực tuyến.

Xet xu online anh 1

Quang cảnh một phiên tòa công khai. Ảnh: Hoàng Lam.

TAND Tối cao đề xuất không xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài; xử kín hoặc các vụ án hình sự liên quan nhóm xâm phạm an ninh quốc gia; các vụ án liên quan chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân đội; nhóm tội chống lại loài người.

Phiên tòa trực tuyến sử dụng thiết bị điện tử kết nối Internet, hoạt động qua phần mềm. Hình thức xét xử này không bắt buộc bị cáo, đương sự và người tham gia tố tụng khác phải có mặt tại một phòng xử. Họ vẫn được theo dõi, trình bày trong suốt diễn biến phiên tòa.

Theo dự thảo, điểm cầu trung tâm được tổ chức tại tòa án hoặc địa điểm khác, có sự tham gia của người tiến hành tố tụng như HĐXX, đại diện VKSND và thư ký tòa. Nếu phiên xử công khai thì chủ tọa cho phép cá nhân, cơ quan, tổ chức tham dự tại điểm cầu trung tâm.

Còn điểm cầu tham gia là nơi có mặt bị cáo, đương sự, bị hại, luật sư và có thể tổ chức tại cơ sở giam giữ. Nếu người bào chữa, bảo vệ quyền lợi không thể đến một trong các điểm cầu do tòa bố trí, họ có thể nộp văn bản đề nghị tòa cho phép tham gia phiên tòa tại điểm cầu mình tự bố trí.

Các vụ việc dân sự, vụ án hành chính không tổ chức quá 5 điểm cầu tham gia. Còn vụ án hình sự không tổ chức quá 3 điểm cầu tham gia. Tòa án phải thông báo cho bị cáo, bị hại, đương sự, cơ sở giam giữ trong thời hạn 3 ngày làm việc trước khi mở phiên xử trực tuyến.

Dự thảo cũng quy định phiên tòa trực tuyến trong thời gian có dịch Covid-19 phải bảo đảm phòng xử án bố trí tối đa không quá 10 người, khoảng cách giữa những người tham gia tối thiểu là 2 m. Ngoài ra, người dự tòa phải tuân thủ quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế.

TAND Tối cao cho rằng việc xét xử trực tuyến phù hợp với xu thế toàn cầu và cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án châu Á, ASEAN. Ngân hàng Thế giới cũng đưa tiêu chí tự động hóa tòa án gồm nộp đơn hành chính, tố tụng trực tuyến là một trong các chỉ số để tính điểm năng lực cạnh tranh quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của tòa án các cấp. Nhiều đương sự, bị cáo đang ở hoặc bị giam trong vùng có dịch. Một số vụ việc chưa thể đưa ra xét xử dù đến hạn, khiến quá trình tố tụng bị kéo dài. Do đó, phiên tòa, phiên họp trực tuyến sẽ giải quyết những tồn tại này.

Chủ tịch nước: Áp dụng xét xử trực tuyến với án dân sự, hành chính

Nhấn mạnh xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, Chủ tịch nước cho rằng có thể áp dụng với án hành chính, dân sự và một số án hình sự cần thiết.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm