Ngoài lỗi kỹ thuật của máy móc, sự chủ quan của người chấm cũng khiến nhiều thí sinh bị mất điểm oan.
ĐH Sư phạm TP.HCM là trường có số lượng bài thi thay đổi sau phúc khảo nhiều nhất trong kỳ tuyển sinh năm nay: 113 bài. Không chỉ các bài tự luận mà đối với các môn thi trắc nghiệm, điểm số cũng thay đổi rất nhiều sau phúc khảo.
Đa số bài thi có điểm phúc khảo tăng từ 0,25-1 điểm so với điểm công bố trước đây nhưng cũng có rất nhiều bài thi tăng từ 3-8,25 điểm.
Từ 0 thành 8,25
Cụ thể ở môn hóa khối A, trường công bố thí sinh Nguyễn Thành Nam có tổng điểm thi 10,5, trong đó điểm thi môn hóa 0 điểm.
Thí sinh này dự thi vào ngành công nghệ thông tin và không trúng tuyển. Tuy nhiên, khi phúc khảo, điểm thi thực tế môn hóa của thí sinh này là 8,25 và trúng tuyển vào ngành học mình đăng ký.
Một trường hợp khác cũng từ rớt thành đậu sau khi phúc khảo là Phạm Thị Huệ. Thí sinh này dự thi khối A1 vào ngành sư phạm tin học và điểm số do trường công bố là 9,75, trong đó môn tiếng Anh có điểm thi là 0.
Thí sinh này làm đơn phúc khảo và kết quả điểm thi thực tế môn tiếng Anh là 8,25. Cũng tại trường ĐH này, rất nhiều thí sinh tăng điểm sau phúc khảo, cả môn trắc nghiệm và tự luận.
Trong đó môn hóa có nhiều thí sinh tăng điểm như Trương Thị Phương Tâm điểm môn hóa tăng từ 3,75 lên 5 điểm, Vũ Thị Thanh điểm hóa từ 6,75 lên 7,5, Dương Hồ Kim Trinh có điểm môn hóa từ 4,5 lên 7,5 điểm...
Các môn tự luận như toán, ngữ văn, lịch sử điểm phúc khảo nhiều thí sinh cũng tăng từ 0,25-1 điểm. Nhiều thí sinh trúng tuyển sau khi phúc khảo.
Tương tự, tại ĐH Công nghiệp TP.HCM, ba thí sinh có điểm thi tăng đến 6 điểm sau khi phúc khảo. Tất cả bài thi tăng điểm đều thuộc môn toán. Trong đó, thí sinh Trần Thiên Kiều có điểm thi công bố là 0,25 nhưng khi phúc khảo, điểm thi thực tế là 6,25.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2014. |
Nguyễn Hoàng Lam có điểm phúc khảo tăng từ 0,75 lên 6,75 và Huỳnh Mỹ Tường từ 0,25 lên 6,25 điểm. Cả ba thí sinh này đều trúng tuyển sau khi phúc khảo.
Ngoài ra, kết quả phúc khảo còn có một thí sinh tăng 1 điểm, một số thí sinh tăng từ 0,25-0,5 điểm. Đáng chú ý là có khá nhiều thí sinh bị giảm điểm sau khi phúc khảo.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 12 thí sinh điểm thi thay đổi sau khi phúc khảo. Trong số này có 11 thí sinh trúng tuyển. Đáng chú ý trong số thí sinh tăng điểm có thí sinh Hoàng Thị Hiến có điểm thi môn văn do trường công bố trước đây là 0 điểm, nhưng kết quả phúc khảo điểm thi thực tế của thí sinh này là 6 điểm.
Ở các trường ĐH khác như Cần Thơ, Thái Nguyên, Giao thông vận tải Hà Nội, Thăng Long, Y dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Mở TP.HCM, Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội, Hoa Sen... đều có thí sinh tăng điểm sau khi phúc khảo, một số thí sinh đã từ rớt thành đậu.
Tuy nhiên, đa số bài thi có điểm tăng từ 0,25-0,5 điểm, một số bài thi có điểm tăng 1 điểm. Hầu hết các môn tăng điểm là môn tự luận, ở các trường này môn trắc nghiệm không có bài thi tăng điểm sau khi phúc khảo.
Lên điểm sai, chấm sót ý
Trong số các bài thi tăng điểm, hầu hết là do cán bộ chấm thi chấm sót ý hoặc quan điểm chấm có phần khác nhau.
Chẳng hạn, trong số 12 bài thi tăng điểm sau phúc khảo tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, theo lý do trường đưa ra, trường hợp bài thi môn văn phúc khảo 6 điểm nhưng điểm thi công bố trước đó 0 điểm là do cán bộ lên sai điểm.
Ngoài trường hợp bài thi bị lên điểm sai từ 6 thành 0 điểm, 11 bài thi còn lại của hai môn văn và toán, theo trường, là do chấm sót ý. Trong số 11 bài bị chấm sót ý có bảy bài cán bộ chấm thi chấm sót ý một câu, bốn bài thi bị chấm sót ý hai câu.
Tương tự, Trường ĐH Giao thông vận tải có tám bài thi môn toán tăng từ 0,25-0,75 điểm, tất cả đều do cán bộ chấm thi chấm sót ý trong bài làm của thí sinh.
Tương tự, lý giải về các trường hợp bài thi tăng điểm tại trường, ông Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết cả ba bài thi có điểm chênh lệch 6 điểm sau phúc khảo đều do cán bộ lên nhầm điểm.
“Đây là lỗi sai cơ học, khi xem lại bài thi của thí sinh là nhận ra ngay. Điểm tổng của bài thi là đúng nhưng khi cán bộ lên điểm vào phiếu số 4 lại ghi nhầm số 6 thành số 0. Số 6 và số 0 ghi khá giống nhau nên cán bộ lên điểm đã bị nhầm, dẫn đến kết quả sai lệch như vậy” - ông Minh nói thêm.
“Thí sinh làm bài thường không theo thứ tự, đang làm câu này thì bỏ làm sang câu khác và sau đó quay lại làm phần còn bỏ dở của trước đó ở một vị trí khác. Điều này rất dễ khiến cán bộ chấm thi chấm sót ý trong bài làm của thí sinh” - một cán bộ chấm thi ĐH môn toán tại ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết.
Trong khi đó, với các trường hợp tăng điểm môn trắc nghiệm, ThS Nguyễn Ngọc Trung - trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết hai bài thi trắc nghiệm có điểm phúc khảo từ 0 thành 8,25 là do thí sinh sử dụng bút chì cứng, tô mờ nên khi quét máy không nhận dạng được dẫn đến kết quả là 0 điểm.
Ngoài ra, một số bài trắc nghiệm khác có điểm thi tăng cũng là vì lý do này: thí sinh tô không đều, tô mờ nên máy quét không nhận dạng được, không chấm câu đó.