Tiệc tất niên là để người dân nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng các mối quan hệ nhưng chúng đang bị biến tướng thành cuộc ép rượu. Ảnh minh họa: Steve Chao / Al Jazeera. |
8h15 có mặt tại công ty, bắt đầu công việc buổi sáng nhưng anh Lê Anh Quý (35 tuổi) nhân viên mảng quảng cáo tại Hà Nội, vẫn còn buồn nôn, đầu đau như búa bổ sau cuộc nhậu tối hôm trước.
Là người thường xuyên phải tiếp khách, gặp gỡ đối tác, những bữa tiệc nhậu dường như đã trở thành "nghi thức" không thể thiếu trong công việc của anh Quý. Tuy nhiên, những ngày cận Tết Nguyên Đán, anh càng phải đi liên hoan, sử dụng bia rượu nhiều, trung bình 2-3 lần/tuần.
Tiệc cuối năm liên tiếp
"Bình thường, tôi cũng là người khá thích các buổi giao lưu, ăn uống. Nhưng với tần suất dày đặc như hiện tại, cơ thể thật sự bị 'quá tải', đôi lúc cảm thấy kiệt sức. Nếu thẳng thừng từ chối, dễ khiến người mời phật ý, ảnh hưởng đến công việc sau này", anh Lê Anh Quý (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Mỗi buổi nhậu, anh Quý có thể uống tới 1 lít rượu, chưa kể "tăng 2" tại các quán karaoke, nơi bia tiếp tục được rót đầy ly. Lối ăn uống không kiểm soát khiến cân nặng của anh tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là vòng 2 ngày một lớn.
"Tôi lo lắng nhưng không biết cách nào để dừng lại, từ chối những cuộc gặp này thì không thể" anh nói.
Liên tiếp các buổi giao lưu, ăn uống cuối năm khiến anh Quý đôi lúc "quá tải". Ảnh: NVCC. |
Không riêng anh Quý, anh Hoàng Dũng (36 tuổi, Hà Nội), làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, cũng rơi vào cảnh tương tự. Những ngày cuối năm, anh nhận hàng chục lời mời từ bạn bè, đồng nghiệp và đối tác. Những buổi gặp gỡ nối tiếp nhau khiến anh phải tính toán kỹ lịch trình để không làm mất lòng bất kỳ ai.
"Có hôm tôi nhận lời hai cuộc gặp trong một buổi tối. Đến mỗi nơi, tôi cố gắng dành một tiếng, mời rượu một lượt rồi xin phép chạy sang chỗ khác", anh Dũng chia sẻ.
Dù tửu lượng tốt, anh Dũng thừa nhận bản thân nhiều lần mệt mỏi vì uống rượu quá đà. "Tôi biết uống nhiều không tốt cho sức khỏe, nhưng đôi khi vì ngại từ chối, tôi vẫn cố gắng uống để không làm mất lòng người khác," anh tâm sự.
Là trưởng nhóm truyền thông của một công ty về dược phẩm, những ngày cuối năm, Thúy Hằng (31 tuổi, Hà Nội) cũng thường xuyên phải tham gia các sự kiện và liên hoan.
Thúy Hằng cảm thấy mệt mỏi vì phải chạy deadline nhưng vẫn phải tham gia nhiều sự kiện cuối năm. Ảnh: Phương Anh. |
"Cận Tết, công việc vẫn bộn bề nhưng tôi vẫn phải dành thời gian để đi sự kiện, liên hoan. Đa số, những sự kiện này đều nằm ngoài giờ hành chính, vốn là thời gian tôi được nghỉ ngơi và chăm sóc con cái. Tôi thực sự cảm thấy stress và không có hứng thú với những cuộc liên hoan này", cô nói.
Sau mỗi lần phải uống rượu, Hằng cho hay cơ thể cô thường bị mẩn đỏ, nhức mỏi, đau đầu, mặt dễ nổi mụn. Thế nhưng, mỗi khi đối tác mời rượu, cô lại không dám từ chối.
"Có những ngày cả hai vợ chồng tôi cùng đều phải đi sự kiện, không có người đón con, công việc chồng chất phải giải quyết khiến tôi như phát điên. Nhưng vì sợ thất nghiệp, tôi lại tự động viên bản thân cố gắng", bà mẹ một con tâm sự.
Uống rượu thế nào để bớt say, tránh gây hại sức khỏe
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Trường Sơn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, nhận định tiệc tất niên vốn mang ý nghĩa nâng cao đời sống tinh thần, tri ân người lao động và gắn kết các mối quan hệ. Tuy nhiên, ông cho rằng ý nghĩa tốt đẹp này ngày càng bị lu mờ bởi những cuộc ép rượu tràn lan, khiến nhiều người phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe lẫn tinh thần.
Rượu bia sẽ được hấp thu trực tiếp 30% vào máu đi qua dạ dày, 80% di chuyển qua ruột non chỉ trong vòng 30-60 phút. Nếu dạ dày hoàn toàn trống, bia, rượu sẽ được hấp thu nhanh hơn nhiều so với khi dạ dày có thức ăn.
Sau khi được hấp thu, bia, rượu sẽ được chuyển hóa 90% tại gan, lượng ít còn lại (khoảng 5-10%) được thải ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Sau đó, rượu bia vào máu và di chuyển liên tục đến khắp các mô tế bào và các cơ quan khác trong cơ thể.
Bác sĩ Trường Sơn cho hay nếu uống quá nhiều bia rượu, gan sẽ không sản xuất đủ men NAD để chuyển hóa. Từ đó, bia rượu sẽ bị ứ đọng lại trong cơ thể, gây độc cho các cơ quan nội tạng, nặng nề nhất là gan. Bạn uống chưa say nhưng khi bia rượu vượt quá khả năng đào thải của gan cũng gây ảnh hưởng cho sức khỏe.
Sau khi được hấp thu, bia, rượu sẽ được chuyển hóa 90% tại gan, lượng ít còn lại (khoảng 5-10%) được thải ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho rằng việc uống rượu bia rất khó tránh vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, để giảm tác hại của chúng, người dân có thể áp dụng một số cách sau:
Ăn trước khi uống: Ăn no trước khi uống rượu bia giúp giảm tốc độ hấp thu cồn vào cơ thể. Những thực phẩm giàu chất béo, protein và tinh bột sẽ giúp cơ thể hấp thụ cồn chậm hơn, làm giảm cảm giác say. Ăn nhẹ trong lúc uống cũng giúp duy trì năng lượng và giảm tác động của cồn.
Uống nước liên tục: Uống nước lọc hoặc các loại nước không cồn giữa các ly rượu để giúp cơ thể duy trì sự cân bằng nước và làm giảm tác dụng của cồn.
Lựa chọn loại rượu bia phù hợp: Những loại bia có nồng độ cồn thấp hoặc rươụ vang nhẹ sẽ giúp bạn uống lâu hơn mà không say. Tránh các loại rượu mạnh như whisky, vodka nếu bạn không quen uống nhiều, vì chúng sẽ dễ khiến bạn say hơn.
Uống chậm và không uống quá nhanh: Cơ thể cần thời gian để xử lý cồn, vì vậy nếu bạn uống quá nhanh, cồn sẽ tích tụ trong cơ thể và dễ gây say. Uống từng ngụm nhỏ và không uống quá nhiều cùng một lúc.
Chọn đồ uống có ít đường: Đồ uống có nhiều đường như cocktail ngọt, có thể làm tăng tốc độ hấp thu cồn vào cơ thể. Thay vào đó, bạn nên chọn đồ uống có ít đường để hạn chế say.
Không trộn các loại đồ uống khác nhau: Trộn các loại rươụ khác nhau (như bia với rượu mạnh) có thể khiến bạn say nhanh hơn.
Hiểu đúng về bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer không chỉ gây nên chứng sa sút trí tuệ, mất trí nhớ. Khi bước vào giai đoạn nặng hơn, trong tâm trí của người bệnh sẽ xuất hiện ảo giác, gây nên chứng hoang tưởng. Những lời khuyên của tác giả - bác sĩ Lee Kang Joon trong cuốn sách Cẩm nang chăm sóc người bị đãng trí sẽ giúp bạn đọc chăm sóc người thân bị chứng đãng trí một cách hiệu quả hơn.