ĐH Văn Lang và ĐH Hoa Sen, TP.HCM, là hai trường có mức tăng học phí lớn. Năm nay, học phí nhiều ngành tăng đến 35% so với năm ngoái.
Cụ thể, với khóa nhập học 2019 của ĐH Văn Lang, học phí từ 966.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/tín chỉ. Năm nay, mức học phí cao nhất lên đến 4.480.000 đồng/tín chỉ (ngành Răng - Hàm - Mặt).
Tại ĐH Hoa Sen, học phí tăng từ khoảng 21 triệu đến 28,8 triệu đồng/kỳ năm ngoái lên gần 26 triệu đến 39 triệu đồng/kỳ năm nay.
Trước thông tin một số trường đại học ngoài công lập tăng học phí 35%, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), kỳ vọng mức thu tăng sẽ đi kèm chất lượng đào tạo.
ĐH Hoa Sen lý giải trường tăng học phí để đầu tư thêm vào cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy. Ảnh: ĐH Hoasen. |
Học phí tăng cao, đào tạo có khác?
Trao đổi với Zing ngày 10/9 về việc tăng học phí, ông Nguyễn Việt Thái - Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, ĐH Hoa Sen - cho rằng mức học phí của trường "không hề đắt đỏ". Người học được thụ hưởng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Học phí cũng được dùng đầu tư để tạo dựng môi trường mang tính quốc tế và đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt qua các đợt thực tập.
“Mức học phí không chỉ nhìn vào con số mà phải nhìn vào những giá trị mà nhà trường muốn đem lại cho sinh viên, một môi trường học tập năng động, chương trình đạt chuẩn kiểm định trong và ngoài nước”, ông Việt Thái nêu quan điểm.
Đại diện ĐH Hoa Sen cho biết năm nay, trường đầu tư thêm vào cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Với các chương trình đào tạo, ĐH Hoa Sen nói rằng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế và kết nối với doanh nghiệp trong ngành để chú trọng chất lượng, thực hành. Doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ đánh giá kỹ năng làm việc của các bạn trẻ, không mất thời gian đào tạo lại.
Tăng học phí 35%, trường tư thục phải nâng chất lượng đào tạo. Để tránh thắc mắc trong dư luận, trường nên làm tốt trách nhiệm giải trình, minh bạch, đảm bảo chất lượng đào tạo xứng đáng chi phí mà sinh viên bỏ ra.
TS Lê Viết Khuyến
Ông Thái khẳng định thiết kế đồ họa - ngành học có học phí cao nhất, tăng hơn 35,7% - cũng được đầu tư lớn. Trường trang bị phòng thiết bị thực hành đặc thù như phòng máy iMAC cấu hình mạnh, phòng video chuyên dụng, phòng studio nhiếp ảnh mới hiện đại, xưởng in 3D, các thiết bị kính thực tế ảo AR, bản vẽ điện tử…
Ngoài ra, theo đại diện ĐH Hoa Sen, trường có chính sách hỗ trợ tài chính như cấp học bổng khuyến học, vượt khó trong quá trình học để đảm bảo sinh viên có thể theo học, kể cả trong trường hợp điều kiện tài chính không tốt.
Trả lời câu hỏi về lộ trình tăng học phí có hợp lý, nhà trường khẳng định trường thông tin việc này đến thí sinh trước khi các em gửi hồ sơ tuyển sinh.
Trong khi đó, trước phản ánh về việc tăng học phí, ĐH Văn Lang đã gửi báo cáo lên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Trường cho biết với sinh viên khóa mới, sẽ có nhiều cải tiến trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và trải nghiệm thực tế, đồng thời bổ sung nội dung mới, trải nghiệm, dịch vụ tiện ích.
Tuy nhiên, trường này thừa nhận việc thông báo học phí vào cuối tháng 8, ở thời điểm đã hoàn thành nhiều đợt xét tuyển học bạ, thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển, gây khó khăn cho người học.
TS Lê Viết Khuyến kỳ vọng học phí tăng, chất lượng giáo dục đại học sẽ đi lên. Ảnh: Quang Đức. |
Nên minh bạch thông tin từ đầu
Liên quan việc tăng học phí trường đại học tư thục, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho biết các trường ngoài công lập tự quyết định học phí.
Thông thường, trường phải tính toán chi phí đào tạo một sinh viên. Việc này rất chi tiết, bao gồm cả cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình đào tạo, đội ngũ giảng viên.
Sau khi tính ra chi phí đơn vị, trường mới xác định học phí. Đặc biệt, khác với trường công lập, trường tư có nguồn thu chính từ học phí. Đại học tư thục không bị khống chế việc tăng học phí hay không và tăng bao nhiêu. Song trường phải giải trình được mức thu đó phù hợp chi phí đơn vị.
Tiếp đó, trường phải xem xét với học phí như vậy, người học có đủ khả năng tài chính để theo học không. Nếu mức thu quá cao, trường không tuyển sinh được.
“Lúc đó, trường sẽ điều chỉnh, giảm chi phí đơn vị để hạ học phí nhằm thu hút người học. Cuối cùng, học phí đi đến mức cân bằng”, ông Khuyến nói.
Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng vấn đề học phí đại học ngoài công lập "tương đối sòng phẳng". Nhưng để tránh thắc mắc trong dư luận, trường nên làm tốt trách nhiệm giải trình, minh bạch chất lượng đào tạo xứng đáng với chi phí sinh viên bỏ ra.
Theo ông Khuyến, học phí nên được công khai cùng đề án tuyển sinh để thí sinh xem xét, lựa chọn. Việc công bố học phí cho thấy nhiều trường chưa thực hiện được trách nhiệm giải trình.
Cụ thể hơn, trước khi nộp hồ sơ vào trường, thí sinh cần được biết học ở đây, với mức học phí như vậy, các em được hưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình giảng dạy như thế nào.
“Nhà trường không thể úp mở kiểu học ở trường tôi rất tốt, hiệu quả”, ông nói thêm.
Để tăng sự đầu tư cho giáo dục đại học, ông nhấn mạnh việc tăng học phí là cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp.