Theo thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh giá viện phí của liên Bộ Y tế - Tài chính, khung giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của 1.887 dịch vụ giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ tăng theo 2 lộ trình. Từ 1/3 mức giá dịch vụ y tế gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và từ 1/7 mức giá gồm cả tiền lương.
Từ 1/3, viện phí sẽ tăng bình quân khoảng 30%, đến 1/7 mức tăng sẽ là 50%. Ảnh: Việt Hùng. |
Như vậy, bắt đầu từ 1/3, tiền khám bệnh vẫn không thay đổi so với khung giá đang được các bệnh viện áp dụng. Cụ thể, tiền khám bệnh ở bệnh viện (BV) hạng 1 vẫn là 20.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 là 15.000 đồng, BV hạng 3 là 10.000 đồng, BV hạng 4 là 7.000 đồng. Từ 1/7, tiền khám sẽ tăng lên tương đương các hạng BV là 39.000 đồng; 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng.
Tuy nhiên, tiền giường bệnh có sự thay đổi mạnh mẽ. Tháng 3, tiền giường điều trị hồi sức tích cực ở BV hạng đặc biệt tăng từ 335.000 lên 354.000 đồng, còn tháng 7 tăng lên 677.000 đồng/người, BV hạng 1 là 354.000 và 632.000 đồng; hạng 2 là 350.000 và 568.000 đồng… Tiền giường bệnh nội khoa BV hạng 1 tăng từ 80.000 đồng lên 99.000 và 215.000 đồng…
Ngoài ra, nhiều dịch vụ thủ thuật, phẫu thuật khác đều tăng giá. Cụ thể, nội soi dịch vụ có sinh thiết, giá cũ 410.000 đồng, giá mới 525.000 đồng, tháng 7 là 621.000 đồng. Nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 684.000 đồng vào tháng 3, tháng 7 là 793.000 đồng...
Đợt điều chỉnh giá này, 9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ hoàn toàn về tài chính, là BV Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Răng Hàm mặt Rrung ương, Răng hàm mặt TP HCM, Nội tiết, Phụ sản Trung ương, Tai mũi họng Trương ương, Mắt Trung ương giá viện phí sẽ bao gồm cả lương bác sĩ.
Xem danh sách 1887 dịch vụ y tế tăng giá tại đây.
Chỉ áp dụng cho người tham gia bảo hiểm y tế
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, thông tư này trước mắt chỉ áp dụng cho nhóm người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và mức độ tác động đến các nhóm cũng có khác nhau.
Trong đó, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ bảo hiểm y tế không bị ảnh hưởng, bởi đây là nhóm được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, khi khám chữa bệnh được thanh toán 100%.
Theo VTV, ông Phạm Lương sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: "Đối với người đang phải cùng chi trẻ với bảo hiểm y tế, số tiền phải cùng chi trả cho mỗi lần khám chữa bệnh có thể tăng lên. Tuy nhiên cái chúng ta đang hướng tới và cái chúng ta quyết tâm thực hiện là chi phí tiền túi của người bệnh sẽ giảm thiểu, bởi khi đó toàn bộ cơ cấu chi phí y tế nằm trong giá dịch vụ y tế đã được tính đúng, tính đủ.
Giá cũ chưa đủ bù đắp chi phí y tế bỏ ra, chính vì thế một phần nào đó ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ y tế. Nếu chúng ta tính đúng tính đủ cơ cấu trực tiếp bao gồm thuốc, vật tư y tế, khấu hao vào trong giá dịch vụ y tế đó thì chất lượng chuyên môn của dịch vụ y tế chắc chắn sẽ tăng lên".
Từ nay đến tháng 7, khoảng 20 triệu người không có thẻ bảo hiểm y tế chưa bị ảnh hưởng bởi giá viện phí mới. Như vậy, họ còn 4 tháng để tham gia bảo hiểm y tế nếu không muốn chịu mức giá dịch vụ y tế tăng khoảng 50%.