Đây là sự kiện để những người làm du lịch Thủ đô đưa ra những ý tưởng để phát triển du lịch Hà Nội tương xứng với tiềm năng và tầm vóc, nhất là trong bối cảnh, Sở Du lịch Hà Nội vừa chính thức đi vào hoạt động.
Tạo hình ảnh thân thiện với du khách quốc tế. |
Kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu
Lâu nay, Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà hiếm Thủ đô nào trên thế giới có được. Mặc dù là trung tâm phân phối khách du lịch của toàn miền Bắc, tuy nhiên, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, Hà Nội vẫn thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh, hấp dẫn và thiếu những khu, điểm du lịch tầm cỡ để tạo ấn tượng cho du khách quốc tế.
Vai trò của sản phẩm, dịch vụ du lịch là yếu tố quan trọng nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến. Sản phẩm tốt sẽ kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách du lịch khi đến với Hà Nội.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch đề cập “Sản phẩm du lịch đặc thù phải được phát triển dựa trên tính độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện cho tài nguyên du lịch. Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tuy nhiên mấu chốt đó là quyết tâm thực thi để xây dựng sản phẩm du lịch đủ hấp dẫn, thu hút du khách”.
Ông cho biết thêm, xây dựng sản phẩm du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được đưa vào “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030” từ năm 2012. Đề án này cũng đưa ra 7 gói sản phẩm du lịch Hà Nội có thể thực hiện trong tương lai gần. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể triển khai, hoặc triển khai một cách chậm chạp.
Có thể khai thác sản phẩm du lịch trên mặt nước ở hồ Tây để thu hút du khách. |
Còn thiếu thương hiệu du lịch lớn
Những bất cập trong môi trường du lịch như cách ứng xử của cộng đồng dân cư với du khách, vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cũng là một trong những điểm yếu được các nhà chuyên môn, đại diện những doanh nghiệp lữ hành chỉ ra.
Liên quan đến thái độ ứng xử đối với khách du lịch, ông Lưu Đức Kế, giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist khẳng định: “Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải ngăn chặn những hành vi tiêu cực như chặt chém, chèo kéo khách. Bởi đây là những hành vi ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh du lịch của Hà Nội. Tôi từng nhớ Hà Nội đã phát động chiến dịch “Người Hà Nội mời khách du lịch vào nhà”. Nếu tiếp tục thực hiện được điều này thì rất tốt”.
Theo ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, "Hà Nội thiếu những thương hiệu du lịch lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu có sức lan tỏa với du khách trong nước và quốc tế. Top 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu cả nước, Hà Nội chỉ có 1, 2 cái tên, con số khá khiêm tốn so với vị trí của Hà Nội hiện nay"
Ông cho biết thêm, các doanh nghiệp du lịch chưa thực sự năng động, hội nhập và hội đủ các điều kiện để hội nhập ASEAN, quốc tế. Nguyên nhân cơ bản là nhận thức về vai trò, nhiệm vụ phát triển du lịch của cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự đúng tầm. Bởi vậy, Hà Nội cần phải xây dựng một vài hãng lữ hành tốt để làm đầu tàu kéo du lịch Thủ đô phát triển không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà cả quốc tế.
Du khách nước ngoài thích thú với sinh hoạt Hà Nội. |
Kiến tạo "kiềng ba chân"
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều phương án nhằm tháo gỡ những khó khăn, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển du lịch Hà Nội.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề xuất một số giải pháp đáng chú ý liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch ở hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây. Trong đó, ngoài việc đầu tư nâng cấp những dịch vụ đã có, khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch mới như chuỗi cửa hàng cho khách du lịch. Các điểm này sẽ được chỉnh trang, khuyến khích kinh doanh sản phẩm mang tính truyền thống và phải được cấp biển hiệu đạt chuẩn.
Về phía khu vực hồ Tây sẽ được tạo nên một “không gian văn hóa du lịch”, trong đó tập trung khai thác các sản phẩm du lịch trên mặt hồ như thuyền buồm du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa… kết hợp tuyến du lịch tâm linh…
Ngoài 2 điểm trung tâm này, thành phố cũng sẽ đầu tư phát triển tuyến du lịch ven sông Hồng, quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì - Suối Hai trở thành khu du lịch quốc gia, khai thác phát triển quần thể “Không gian lễ hội Gióng”… Song song với điều này là tổ chức các sự kiện mang dấu ấn đậm nét của Thủ đô như Lễ hội áo dài, Liên hoan ẩm thực Hà Nội, Ngày hội Du lịch Hà Nội…
Để du lịch Thủ đô thực sự bứt phá, theo ông Đỗ Đình Hồng, cần phải tạo được “kiềng ba chân” về du lịch, thiếu đi một yếu tố nào cũng không thể được. Như vậy, ngoài cảnh đẹp độc đáo, điểm tham quan ấn tượng; cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh thì cần xây dựng được văn hóa ứng xử trong cộng đồng du lịch. Hà Nội đang nỗ lực hết mình để xây dựng được môi trường văn hóa thuận lợi trong đó công tác tuyên truyền vẫn được coi là trọng tâm.
Ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đề nghị Hà Nội nên sớm phát động một phong trào “văn minh giao tiếp”. Phong trào này được thực hiện đúng với văn hóa Hà Nội, triển khai rộng rãi với du khách tại mọi miền đất nước và quốc tế. Thiết nghĩ, đây chính là điều kiện quan trọng để bất kỳ du khách nào khi đến Hà Nội cũng đều vui vẻ, hài lòng, thỏa mãn.
Bà Anne Harrison (du khách Anh): Sẽ còn nhiều dịp quay lại
Ông Matthew Conduit (du khách Canada): Chưa gặp bất cứ phiền toái gì Phương Nhi (Ghi)
|