Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạo hình phản diện trong phim Hollywood gây nhàm chán

Trên màn ảnh, những gã phản diện mang khuôn mặt bị hủy hoại, giết người không gớm tay đã trở thành mô-típ kinh điển. Tuy nhiên, việc lạm dụng nó đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.

Trong No Time to Die, tác phẩm thứ 25 của thương thiệu James Bond, khán giả được giới thiệu với Safin (Rami Malek) - gã phản diện mang khuôn mặt sần sùi vì sẹo. Gã là cái tên tiếp theo gia nhập “câu lạc bộ” ác nhân mặt biến dạng xuất hiện trong nhiều phần phim 007. Trước Safin, có Blofeld (Christoph Waltz) từ Spectre (2015), Raoul Silva (Javier Bardem) của Skyfall (2012), Le Chiffre (Mads Mikkelsen) xuất hiện trong Cassino Royale (2006)...

Các ác nhân với khuôn mặt biến dạng tạo nên sự tương phản về mặt hình ảnh với ngôi sao của bộ phim (James Bond). Tuy nhiên, theo thời gian, hình ảnh ác nhân mặt sẹo đã bị lạm dụng, gây cảm giác nhàm chán, thậm chí bất bình cho các chuyên gia và khán giả.

Công thức phổ biến trên màn ảnh

Ác nhân mặt sẹo là mô-típ được sử dụng rộng rãi trên màn ảnh, phổ biến với nhiều thể loại từ hành động, giật gân, khoa học viễn tưởng tới kinh dị... Trong loạt phim viễn tưởng Star Wars, dưới giáp trụ của Darth Vader (David Prowse) là người đàn ông với nửa dưới khuôn mặt bị hủy hoại. Ben Solo/Kylo Ren (Adam Driver) chính tà bất phân, lãnh một vết sẹo dài ngang mặt. Một phần hộp sọ và xương hàm của tên phản diện Snoke (Andy Serkis) đã hoàn toàn bị phá hủy...

Trong thương hiệu phim chuyển thể ăn khách vừa tròn 20 năm tuổi Harry Potter, Chúa tể Voldemort (Ralph Fiennes) là một gã phù thủy với ngũ quan biến dạng. Trong loạt phim Lord of the RingsThe Hobbit có sự xuất hiện của binh đoàn tay sai Orc mang vẻ ngoài biến dạng bên cạnh Gollum (Andy Serkis) - kẻ bị cái ác tha hóa tới chỗ mất đi nhân tính, bộ dạng loài người.

Ở dòng phim siêu anh hùng, công thức ác nhân mang khuôn mặt bất thường được lặp lại trong nhiều tác phẩm. Hai trong số ba phim về Batman do Christopher Nolan đạo diễn có nhân vật phản diện mang khuôn mặt không lành lặn. Tên khủng bố Joker (Heath Ledger) trong The Dark Knight (2008) mang vết sẹo kéo dài hai bên mép trong khi Two-Face (Aaron Eckhart) bị bỏng nửa mặt. Phản diện Bane (Tom Hardy) từ The Dark Knight Rises (2012) đeo một chiếc mặt nạ cổ quái.

Trong Wonder Woman (2017), nữ khoa học điên Dr. Poison (Elena Anaya) phải mang mặt nạ để che giấu nửa khuôn mặt đã bị hủy hoại. Phản diện Red Skull (Hugo Weaving) xuất hiện trong MCU với khuôn mặt teo tóp, biến dạng thành hình sọ người với làn da màu đỏ rực. Dù không phải ác nhân, ranh giới giữa siêu anh hùng "đúng chuẩn" với Deadpool (Ryan Reynold) cũng được nhấn mạnh qua khuôn mặt chằng chịt sẹo của nhân vật.

Với thể loại kinh dị, khán giả đã bội thực những nhân vật ngũ quan biến dạng. Họ là nạn nhân bị quỷ ám, kẻ ăn thịt người hay tên sát nhân giấu mình sau mặt nạ… Chỉ trong 5 giây, có thể liệt kê hàng loạt nhân vật xây dựng theo công thức này như Freddy Krueger của loạt Nightmare on Elm Street, Jason Voorhees từ Friday the 13th, Leatherface trong The Texas Chainsaw Masacre

Disney cũng không chạy sau xu hướng. Trong Lion King, con sư tử ác mang vết sẹo trên mặt được đặt tên Scar (vết sẹo). Ở Peter Pan, gã thuyền trưởng tàu cướp biển gian ác sử dụng một chiếc móc câu thay chi giả. Tên của gã, cũng không quá khó đoán, là Captain Hook (thuyền trưởng móc).

Trong cuốn sách Narrative Prosthesis: Disability and the Dependencies of Discourse (Kể chuyện bằng chi giả: Khuyết tật và sự phụ thuộc của diễn ngôn), hai tác giả David T. Mitchell và Sharon Snyder chỉ ra trong văn học, điện ảnh, những khiếm khuyết trên cơ thể được sử dụng làm công cụ hỗ trợ xây dựng nhân vật hay thúc đẩy câu chuyện phát triển.

Theo hai chuyên gia, dấu hiệu khác thường trên khuôn mặt hay cơ thể được dùng như nét chấm phá, làm phong phú hình ảnh và câu chuyện của các nhân vật bất hảo không từ thủ đoạn ngáng chân siêu anh hùng. Nhưng theo thời gian, việc nhà làm phim lặp đi lặp lại công thức này đã khiến hình ảnh “ác nhân mặt sẹo” bị lạm dụng, trở thành ẩn dụ cho cái ác.

Lối mòn trong công thức ác nhân mang khuôn mặt biến dạng

Không ai bẩm sinh đã là ác nhân. Tuy nhiên, do hạn chế về thời lượng, rất khó để một bộ phim kể trọn vẹn hành trình sa ngã, biến chất của một nhân vật. Lúc này, những vết sẹo hay khuyết tật cơ thể dễ dàng giúp nhân vật bộc lộ quá khứ bất hảo. Đôi khi, chúng cũng là dấu vết của tai họa từ trên trời rơi xuống mà nhân vật phải chịu, khiến gã/ả quyết tâm tìm kiếm sự trả thù.

Khuôn mặt Raoul Silva bị hủy hoại vì tự sát bất thành, gã sống sót trong đau đớn thể xác và một tâm hồn đã chết. Vết sẹo hai bên miệng Joker là dấu vết của quá khứ bị bạo hành. Lớp da mặt Freddy Krueger bị tan chảy vì thiêu trong lửa. Sẹo của Thanos là dấu tích những trận chiến đẫm máu hắn từng dự phần… Tổn thương thể xác đã bóp méo tâm lý các ác nhân, thôi thúc chúng trả thù nhân loại.

Mô-típ phản diện mặt sẹo cũng được xây dựng theo quan điểm “tâm sinh tướng” - tính cách bộc lộ ra khuôn mặt. Ta sẽ không bao giờ thấy một bà tiên hiền từ mang khuôn mặt cau có, cái mũi khoằm khủng khiếp hay làn da màu xanh lá. Tương tự, yêu tinh, ác quỷ hay sát nhân khó có được nét hiền hậu, mạnh khỏe hồng hào. Từ đây, những bất thường trên khuôn mặt như khuyết tật, sẹo lớn hay ngũ quan biến dạng thường được đánh đồng với sự méo mó, dị hợm trong tâm hồn nhân vật.

Tác động tiêu cực tới xã hội

Sau nhiều thập kỷ, việc các nhà làm phim quá phụ thuộc vào công thức phản diện mặt sẹo đã khiến hình ảnh này trở nên nhàm chán. Các nhà hoạt động vì quyền lợi người khuyết tật đánh giá mô-típ này đã lỗi thời và gây nhiều hậu quả hơn là mang đến hiệu quả.

Nhãn tiền, mô-típ ác nhân mặt sẹo khiến những con người không may mang khuyết tật/dị tật trên khuôn mặt bị ảnh hưởng tiêu cực. Khán giả lớn lên cùng những bộ phim dùng bất thường trên cơ thể như dấu hiệu của tà ác sẽ khó lòng thông cảm với người khuyết tật xung quanh mình. Sự kinh sợ hay thù ghét là phản ứng có thể dự đoán được.

Tom Shakespears, học giả chuyên nghiên cứu về người khuyết tật, nói: “Việc sử dụng khuyết tật để đại diện cho tính cách con người, công cụ dẫn truyện hay tạo không khí phim là cách đi tắt lười nhác và lỗi thời. Lối mô tả không chỉ lệch lạc mà còn thiếu công bằng với người khuyết tật. Mô-típ này làm gia tăng thái độ tiêu cực nhắm vào người khuyết tật cũng như sự thiếu hiểu biết về bản chất của sự bất thường thể chất”.

Tổ chức từ thiện hỗ trợ những người tàn tật hoặc khuyết tật thể chất Changing Faces đã tiến hành chiến dịch “I am not your villain” (Tôi không phải phản diện) nhằm đấu tranh cho sự bình đẳng ngoại hình trên màn ảnh. Chiến dịch kêu gọi ngành công nghiệp điện ảnh ngưng sử dụng sẹo, sẹo bỏng và những bất thường khác trên khuôn mặt làm đặc điểm nhận dạng cho nhân vật phản diện.

Hội đồng Điện ảnh Anh (BFI) là tổ chức đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi. Họ cam kết dừng đầu tư tài chính cho các dự án phim sử dụng sẹo hay bất thường trên khuôn mặt để đại diện cho các giá trị tiêu cực.

Nghiên cứu của tổ chức Changing Faces cũng chỉ ra những người sở hữu bất thường trên khuôn mặt cảm thấy tự ti, mặc cảm với ngoại hình và đối mặt nhiều vấn đề tâm lý khi thấy hình ảnh mình bị bóp méo trong xã hội cũng như văn hóa đại chúng.

“Tôi nghĩ nếu các bộ phim xây dựng một nhân vật mang khuôn mặt dị thường nhưng sống tích cực, nó sẽ tác động tốt đến cuộc sống của chúng tôi”, một phụ nữ với khiếm khuyết trên khuôn mặt chia sẻ cùng Changing Faces.

‘Army of Thieves’ - câu chuyện hời hợt của những kẻ phá két

Phần tiền truyện bóng bẩy của loạt phim xác sống “Army of the Dead” kể về cuộc đời chuyên gia phá két người Đức trước khi lưu lạc đến Mỹ.

Angelina Jolie thận trọng khi sử dụng súng ở trường quay

Minh tinh "Eternals" chia sẻ nỗi buồn với gia đình Halyna Hutchins và Alec Baldwin, đồng thời đưa ra quan điểm về việc dùng súng trên phim trường.

‘Eternals’ bị cấm chiếu tại Qatar, Kuwait

Vì có sự xuất hiện của nhân vật đồng tính, bom tấn siêu anh hùng “Eternals” đã bị cấm chiếu tại một số quốc gia Tây Á và Tây Nam Á.

Anh Phan

Bạn có thể quan tâm