Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) đã phát đi cảnh báo về việc thu hồi quốc tế đối với táo và các sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn nhập khẩu từ Hoa Kỳ do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Đáng ngại là sản phẩm bị thu hồi này đã được xuất khẩu sang Việt Nam.
Mỹ thu hồi quốc tế đối với táo và các sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn nhập khẩu từ Hoa Kỳ do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes.
Ráo riết thu hồi
Thông tin này được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được hôm 19/1. Theo đó, ngày 6/01, Công ty Bidart Bros ở Bakerfield, Californis đã tự nguyện thu hồi sản phẩm táo Granny Smith và táo Gala do kết quả kiểm tra môi trường đã kết luận thiết bị đóng gói táo bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Các sản phẩm thu hồi là toàn bộ táo Granny Smith và táo Gala được chuyển từ cơ sở đóng gói ở Shafter, California trong năm 2014.
Liền sau đó 3 công ty đã tiến hành tự nguyện thu hồi sản phẩm táo caramel do có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) cho biết quá trình trình điều tra vẫn đang tiếp tục để tìm ra các công ty khác liên quan.
Đáng ngại là thông tin từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), sản phẩm bị thu hồi đã được xuất khẩu sang Việt Nam và một số quốc gia: Canada, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Inđônêsia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Trước tình hình này, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết đã tiến hành một loạt các biện pháp khẩn cấp như tiến hành rà soát các sản phẩm bị cảnh báo và thông báo với doanh nghiệp nhập khẩu để kịp thời thu hồi sản phẩm liên quan.
Cục ATTP cũng chủ động theo dõi các ca ngộ độc thực phẩm có triệu chứng liên quan đến nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes để kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý phù hợp.
Đồng thời gửi công văn khẩn tới Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị phối hợp trong xử lý và rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản, thông báo cho các bên liên quan để tiến hành thu hồi kịp thời.
Được biết, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục giữ liên hệ với INFOSAN để cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người tiêu dùng.
31 người nhiễm, 3 người tử vong
Báo cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (US CDC) cho hay tính tới ngày 9/1/2015, đã có 32 người bị nhiễm Listeria monocytogenes trong vụ này, được ghi nhận trên 11 bang.
Trong số những người bị nhiễm, có 31 ca phải nhập viện và ít nhất 3 người đã tử vong, 10 ca trong số đó đang mang thai và 1 ca bị sảy thai. 25/28 người mắc được phỏng vấn có ăn sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn.
Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Ánh - Bộ môn Ký sinh trùng - Học viện Quân y, vi khuẩn Listeria monocytogenes là vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm, chúng có thể phát triển trong những điều kiện nhiệt độ 4 độ C mà môt số vi khuẩn không phát triển được.
Đáng lưu ý là, tuy tỷ lệ mặc bệnh không cao (khoảng 0,7 ca/100.000 người) nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao, có thể tới 20-30%, đặc biệt ở phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người già và những người suy giảm miễn dịch. Hiện nay có nhiều trường hợp sảy thai ở Việt Nam nhưng do việc xác định nguyên nhân xảy thai chưa được chú ý nên thủ phạm Listeria monocytogenes bị bỏ qua.
Đây là bệnh truyền nhiễm lây theo đường ăn uống. Vi khuẩn này có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi nhất là những nơi đất ô nhiễm, rác thải, nước thải, thực phẩm nhiễm bẩn, sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa, thịt cá tươi sống và các sản phẩm của thịt cá, rau xanh…
“Vi khuẩn Listeria monocytogenes thường gây ra nhiễm trùng não và tủy sống dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh hoặc nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong. Phụ nữ có thai nhiễm bệnh có thể bị sảy thai hoặc thai chết lưu. Ngoài ra bệnh có thể truyền sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc cho con trong quá trình sinh nở”, BS Ánh nhấn mạnh.
Theo đó, các triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể là tiêu chảy, sốt, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, cứng cổ, đau lưng, ớn lạnh và nhạy cảm với ánh sáng, hoặc viêm họng với sốt và sưng hạch. Những triệu chứng này có thể bắt đầu 2-8 tuần sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm.
Để giảm thiểu bệnh gây ra bởi Listeria monocytogenes và các bệnh lây truyền qua thực phẩm khác, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần nấu kỹ thực phẩm sống có nguồn gốc từ động vật;
Rửa sạch rau sống kỹ trước khi ăn; để thịt tươi sống riêng biệt với rau và các thực phẩm ăn sẵn khác; rửa tay, dao và thớt sau khi chế biến thực phẩm tươi sống; không dùng sữa chưa thanh trùng hoặc các sản phẩm từ loại sữa này; rửa tay sạch trước và sau khi nấu nướng; thực phẩm ăn thừa cần được bảo quản tốt và ăn càng sớm càng tốt.