Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tập đoàn lớn cắt giảm ai đầu tiên trong một đợt sa thải?

Quá trình cắt giảm nhân sự của các tập đoàn lớn có thể kéo dài hàng tuần. Thâm niên, hiệu suất, kỹ năng làm việc của nhân viên và một số yếu tố khác sẽ được tính đến.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, làn sóng sa thải đang "càn quét'' trên toàn thế giới. Ảnh: Shutterstock.

Ngay sau khi một công ty quyết định cắt giảm nhân sự, một cuộc tranh luận sẽ bắt đầu: Ai nên ra đi?

Có thể mất đến vài tuần để đi đến quyết định cuối cùng, các giám đốc điều hành và cố vấn doanh nghiệp nói với Wall Street Journal.

Trong bối cảnh nguồn cung nhân lực khan hiếm, các quyết định sa thải nhân viên luôn mang theo nhiều rủi ro.

“Chẳng có phương thức sa thải nào là trọn vẹn cả”, ông Gregory DeLapp, giám đốc nhân sự tại công ty Carpenter Technology, người từng có trải nghiệm sa thải nhân viên cho biết. “Sau cùng, sẽ luôn có ai đó bị đối xử bất công".

Làn sóng sa thải đã và đang "càn quét" trên toàn thế giới từ cuối năm 2022 đến nay.

Alphabet - công ty mẹ của Google mới đây thông báo sẽ sa thải 12.000 nhân viên, tương đương 6% lực lượng lao động trên toàn cầu. 11.000 nhân viên của Meta - công ty mẹ của Facebook cũng bị sa thải. Microsoft, Amazon, Boeing và nhiều "ông lớn'' khác cũng dự kiến sa thải hàng chục nghìn nhân viên.

Những tiêu chí sa thải nhân viên

Trước đây, thâm niên là yếu tố quan trọng nhất chi phối quyết định sa thải của doanh nghiệp Mỹ. Các công ty thường sa thải nhân viên cấp dưới trước tiên.

Tuy nhiên, ngày nay các công ty có xu hướng coi trọng kỹ năng của nhân viên hơn là thâm niên. Đặc biệt, hiệu suất gần đây của một nhân viên có thể ảnh hưởng lớn tới việc người này phải ra đi hay được ở lại.

Những nhân viên có mức lương cao cũng có thể bị đặt vào "tầm ngắm" nhiều hơn, cho dù họ nằm trong số những người có thành tích tốt nhất của công ty.

Bên cạnh đó, nhiều công ty còn cân nhắc tiềm năng của người lao động xem họ có thể thích nghi và đảm nhận nhiệm vụ mới trong tương lai hay không.

sa thai nhan vien anh 1

Ngày nay các công ty có xu hướng coi trọng kỹ năng của nhân viên hơn là thâm niên. Ảnh: Shutterstock.

Tại nhiều công ty, các lãnh đạo cấp cao thường đặt ra những tiêu chí khắt khe cho việc sa thải, bắt buộc công ty phải cắt giảm một tỷ lệ nhân viên nhất định hoặc đạt được mức tiết kiệm chi phí cụ thể.

Các công ty cũng có thể sa thải nhân viên ở một số bộ phận cụ thể. Chẳng hạn, tập đoàn Boeing mới đây cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 2.000 nhân sự chủ yếu ở bộ phận tài chính và nhân sự, trong khi tăng cường tuyển dụng kỹ sư.

Amazon cho biết những đợt cắt giảm của họ chủ yếu sẽ tập trung vào nhân sự mảng kinh doanh điện toán đám mây và quảng cáo.

Ai là người ra quyết định?

Bà Kathy Zwickert, cựu giám đốc nhân sự tại công ty NetSuite, cho biết nhiều người nghĩ rằng nhân viên nhân sự là người quyết định "ai đi ai ở". Tuy nhiên trên thực tế, trưởng bộ phận mới là người đề xuất danh sách nhân viên để chấm dứt hợp đồng.

“Nhân viên nhân sự không thể quyết định ai đi và ở", Zwickert nói.

Zwickert cho biết cô đã chứng kiến việc các lãnh đạo bộ phận được yêu cầu đưa ra danh sách đề xuất nhân viên bị sa thải dựa trên một tiêu chí đã định. Danh sách có thể bao gồm bất kỳ ai bị xếp hạng thấp trong lần đánh giá hiệu suất gần đây, hoặc những người mới gia nhập công ty trong vòng 6 tháng.

“Các trưởng bộ phận sẽ lập một danh sách nhân viên cần sa thải, thường đặt tên tài liệu là 'Dự án Falcon' chẳng hạn. Vì vậy, nếu một nhân viên khác vô tình nhìn thấy tài liệu, nội dung bên trong cũng không bị nghi ngờ", cô nói.

Sau khi nhận được danh sách đề xuất từ lãnh đạo, các nhân viên nhân sự tiến hành sàng lọc danh sách. Họ cần đảm bảo rằng công ty không "nhắm" vào nhóm người yếu thế, thiểu số hay các cựu chiến binh, Zwickert cho biết.

Bất kỳ sự phân biệt đối xử nào cũng có thể khiến công ty bị kiện. Các công ty đôi khi còn thuê luật sư xem xét danh sách sa thải để xác định trước dấu hiệu phân biệt đối xử có thể xảy ra.

Chẳng hạn, nếu công ty sa thải một nhân viên mà trước đó đã khiếu nại người quản lý, đây có thể bị coi là hành động trả đũa và công ty có thể bị kiện.

sa thai nhan vien anh 2

Alphabet - công ty mẹ của Google dự kiến sa thải 12.000 nhân viên, tương đương 6% lực lượng lao động trên toàn cầu. Ảnh: Google.

Tranh luận nội bộ

Ông George Penn, phó giám đốc nhân sự của công ty Gartner cho biết một số công ty chỉ mất một tuần để soạn thảo danh sách sa thải, trong khi đó nhiều công ty phải mất một tháng đến 8 tuần để xây dựng kế hoạch toàn diện.

Tranh cãi thường xuyên diễn ra. Một số nhà quản lý có thể ra sức thuyết phục để giữ nhân viên yêu thích của mình ở lại. Mâu thuẫn cũng có thể xoay quanh "triết lý" sa thải, như việc nên cắt giảm nhân viên ở tầng quản lý cấp trung hay cấp cao hơn, ông Penn cho biết.

Anna A. Tavis, cựu giám đốc nhân sự của công ty bảo hiểm American International, cho biết ngay cả khi công ty quyết định đóng cửa toàn bộ một đơn vị, các giám đốc điều hành vẫn có thể giữ lại một số nhân viên có thành tích cao và thuyên chuyển họ đi nơi khác.

“Bất chấp những nguyên tắc, quá trình cắt giảm nhân sự vẫn chịu tác động của các yếu tố chủ quan", cô nói.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Kinh tế quốc tế giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Những người hồi sinh nền kinh tế bằng giọng hát

Từ Beyoncé đến BTS, sức mạnh của các ngôi sao âm nhạc đang giúp hồi sinh những nền kinh tế.

Xu hướng săn lùng các khoản đầu tư không in dấu Trung Quốc

Các công ty quản lý đầu tư cho biết khách hàng của họ lo ngại về căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung và mức tăng trưởng dưới trung bình của nền kinh tế Trung Quốc.

Lê Ngọc

Bạn có thể quan tâm