Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Tập dùng thẻ tín dụng một cách thông minh

Không chỉ tiện lợi về mặt thanh toán, thẻ tín dụng đã và đang trở thành xu hướng với thế hệ Millennials nhờ những ưu đãi và tính năng hấp dẫn.

Không chỉ tiện lợi về mặt thanh toán, thẻ tín dụng đã và đang trở thành xu hướng với thế hệ Millennials nhờ những ưu đãi và tính năng hấp dẫn.

Ở thời đại số, hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng (credit card) không còn là khái niệm quá xa lạ. Trong khi một bộ phận xem thẻ tín dụng như "cái bẫy" đưa người dùng vào những khoản mua sắm lớn và nợ nần, thực tế, chiếc thẻ này lại khá hữu dụng trong việc quản lý tài chính cá nhân. Miễn là chúng được sử dụng có tính toán.

Dù bạn là người mới hay đã quen thuộc với credit card, sau đây là 6 điểm cần quan tâm để tối ưu hóa việc "quẹt thẻ" mà có thể bạn chưa biết.

_____


Không sử dụng tối đa hạn mức tín dụng

Nếu bạn chỉ vừa sở hữu chiếc thẻ tín dụng đầu tiên trong đời, hãy trải nghiệm nó cách cẩn trọng. Đừng sử dụng thẻ quá hạn mức được cấp, theo The Balance.

Lý do: Mục đích của thẻ tín dụng không phải để giúp bạn mua những thứ bản thân không đủ khả năng chi trả. Hãy xem thẻ tín dụng là phương tiện để xây dựng lịch sử tín dụng cho các khoản tiền lớn hơn trong tương lai như vay vốn kinh doanh.



Dựa trên các yếu tố như lịch sử thanh toán, khoản nợ tín dụng, thời gian mở tín dụng, khoản vay mới, các loại tín dụng đang sở hữu, những tổ chức tín dụng thường đánh giá người đi vay bằng chỉ số FICO (Fair Isaac Corporation – công ty đánh giá tín dụng cá nhân) với thang điểm 550 - 840.

Tại Việt Nam, người đạt chỉ số 680 - 750 được đánh giá đủ điều kiện vay với lãi suất thấp kèm ưu đãi, theo CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam).

Lời khuyên: Một cách làm quen với thẻ tín dụng là dùng thẻ thanh toán một hóa đơn định kỳ như điện, nước hoặc đăng ký phim trực tuyến. Chọn khoản phí nhỏ và thanh toán đầy đủ, đều đặn trong vòng 6 tháng sẽ tạo ảnh hưởng tích cực lên điểm tín dụng của bạn.

_____


Chuẩn bị cho những khoản chi lớn hơn

Khi đã quen với việc thanh toán bằng credit card, hãy bắt đầu dùng thẻ cho những giao dịch lớn hơn nhưng không quá 30% hạn mức tín dụng của mình.



Lý do: Sau một vài tháng sử dụng thẻ uy tín, nhà cung cấp có thể cho bạn tăng hạn mức thẻ tín dụng và được phép xài nhiều hơn.

Lời khuyên: Để được tăng hạn mức, bạn phải cho ngân hàng thấy thu nhập của mình đã cao hơn lúc đăng ký phát hành thẻ, hoặc có sở hữu thêm các tài sản có giá trị như sổ tiết kiệm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ,...

Dù đã chứng minh khả năng chi trả, sau khi được duyệt, bạn vẫn nên duy trì các khoản thanh toán trong 30% số tổng. Bởi chỉ cần bạn có dấu hiệu sử dụng thẻ thiếu trách nhiệm, nhà cung cấp hoàn toàn có thể giảm hạn mức ngay và điều này gây bất lợi cho điểm tín dụng.

_____


Thực hành kỷ luật bản thân

Người sử dụng thẻ tín dụng thông minh là người có tính tự giác cao và kỷ luật. Tùy vào khả năng chi trả thực tế, bạn cần học cách kiềm chế ham muốn trước những món đồ đắt tiền, không cần thiết.



Lý do: Như đã đề cập, bạn cần chứng minh mình là người dùng đáng tin cậy và có khả năng thanh toán các khoản nợ tín dụng hàng tháng.

Lời khuyên: Khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào bằng credit card, bạn nên dành riêng một khoản tiền tương ứng để sẵn sàng thanh toán tín dụng khi đến hạn. Sử dụng chỉ 1 thẻ trong giai đoạn làm quen sẽ giúp việc quản lý dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Credit Simple khuyên bạn nên xem credit card như debit card (thẻ ghi nợ). Nghĩa là nói với chính mình bạn chỉ có thể tiêu xài đúng với số tiền mình có, không hơn.

_____


Thường xuyên theo dõi lịch sử tín dụng

Cách tốt nhất để quản lý chi tiêu là theo dõi từng giao dịch của bạn và điều chỉnh đúng lúc.

Nếu cần thiết, bạn cũng có thể đăng ký nhận bảng sao kê qua email cá nhân.



Lý do: Việc nắm rõ số tiền đã sử dụng sẽ giúp bạn hạn chế vấn đề phóng tay, đi quá giới hạn.

Lời khuyên: Website CIC thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có lưu lại tất cả thông tin liên quan đến lịch sử tín dụng để người dùng trong nước tra cứu.

_____


Thông báo với ngân hàng ngay khi mất thẻ

Trong trường hợp mất thẻ tín dụng hoặc bạn nghĩ ai đó đã lấy được số thẻ của mình, hãy báo với bên cung cấp thẻ càng sớm càng tốt, không nên chần chừ.


Lý do: Ngân hàng sẽ khóa thẻ ngay để bạn tránh mất tiền oan uổng.

Lời khuyên: Để hạn chế rủi ro mất thẻ, Capital One gợi ý bạn:

  • Luôn giữ kín mã pin, chỉ nên cung cấp thông tin thẻ tín dụng cho những người bạn thật sự tin tưởng
  • Chỉ thanh toán thẻ trên những trang mua sắm online uy tín, tránh bị ăn cắp thông tin
  • Các vấn đề liên quan đến thẻ tín dụng nên giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, không qua trung gian

_____



Tạm ngưng sử dụng nếu không thể thanh toán

Nếu vì một lý do bất đắc dĩ mà bạn không thể thanh toán đủ tiền thẻ tín dụng tháng này, hãy đảm bảo tháng tiếp theo xài ít nhất có thể. Tốt nhất là cất tạm thẻ đi và chỉ lấy ra khi đã thanh toán xong các khoản nợ.


Lý do: Đây là cách để bạn không rơi vào tình trạng "nợ chồng nợ" và lo lắng nếu chẳng may mất khả năng chi trả.

Lời khuyên: Phần lớn ngân hàng tại Việt Nam đều có quy định khoảng thời gian miễn lãi suất, từ 45 đến 60 ngày. Khi thanh toán đủ dư nợ trong thời gian này, bạn sẽ không bị tính lãi. Trong trường hợp bạn thanh toán không đủ, phần nợ còn lại sẽ có lãi suất tối thiểu là 4% tùy ngân hàng.

Một lần nữa, nguyên tắc khi dùng thẻ tín dụng là xài dưới hạn mức, thanh toán đúng hạn và tích lũy điểm tín dụng. Do đó, thay vì vội vàng "quẹt thẻ" không kiểm soát, hãy là người tiêu dùng có trách nhiệm và hưởng lợi từ chiếc thẻ này về lâu dài.

Thiên Hân

Bạn có thể quan tâm