Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tập thể dục 2,5 giờ mỗi tuần giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19 nặng

Kết quả một nghiên cứu cho thấy các hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ diễn biến nặng cũng như tử vong khi mắc Covid-19.

Một nghiên cứu của Kaiser Permanente năm 2021 trên khoảng 49.000 người mắc Covid-19 cho thấy việc hoạt động thể chất thường xuyên có liên quan chặt chẽ đến khả năng giảm nguy cơ diễn biến nặng do bệnh lý này.

Mặt khác, một đánh giá được công bố mới đây trên Tạp chí Y học Thể thao Anh do một nhóm nhà nghiên cứu Tây Ban Nha thực hiện đã tìm các bằng chứng về ảnh hưởng của các thói quen liên quan thể chất với diễn biến bệnh Covid-19.

Đánh giá cũng được thực hiện với mục tiêu định lượng mức độ hoạt động của một người để giảm nguy cơ nhập viện khi mắc Covid-19.

Kết quả cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ diễn biến bệnh Covid-19 trầm trọng hơn, đồng thời hạn chế các triệu chứng nặng ở người bệnh, từ đó giảm nguy cơ phải nhập viện cũng như tử vong.

tap luyen phong benh covid-19 anh 1

Tập luyện thể dục thể thao có thể hạn chế nguy cơ diễn biến nặng do Covid-19. Ảnh minh họa: bruno_nascimento.

Cụ thể, những người thường xuyên hoạt động thể lực có nguy cơ xuất hiện triệu chứng khi mắc Covid-19 thấp hơn 11%. Nguy cơ diễn biến nặng của nhóm này cũng thấp hơn người ít vận động tới 44%.

Đáng chú ý, nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 của những người thường xuyên tập luyện thể lực cũng thấp hơn 43%.

Từ đây, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện 2,5 giờ tập thể dục ở cường độ trung bình hoặc 75 phút tập với cường độ cao sẽ mang lại hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

Hoạt động thể chất giúp tăng cường hệ miễn dịch

Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng những người thường xuyên dành thời gian cho hoạt động thể chất cũng giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nói chung.

Cụ thể, nghiên cứu được công bố năm 2021 cho thấy thói quen hoạt động thể chất ở cường độ từ trung bình đến cao có thể làm giảm 31% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, tỷ lệ tử vong ở nhóm này do các bệnh truyền nhiễm cũng thấp hơn 37%.

Tiến sĩ Yasmin Ezzatvar , bác sĩ vật lý trị liệu tại Đại học Valencia (Tây Ban Nha), nhận định: “Những lợi ích của tập luyện thể dục, thể thao vốn đã được công nhận từ trước. Tuy nhiên, thói quen tập luyện thường xuyên còn giúp cơ thể thích nghi về mặt sinh lý với các tác nhân gây bệnh, từ đó cải thiện sức khỏe cả gián tiếp và trực tiếp”.

Vị chuyên gia này thông tin đã có bằng chứng cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên sẽ góp phần vào phản ứng miễn dịch hiệu quả, cung cấp khả năng miễn dịch bảo vệ cơ thể trước các bệnh nhiễm trùng.

tap luyen phong benh covid-19 anh 2

2,5 giờ tập với cường độ trung bình hoặc 75 phút tập cường độ cao mang lại hiệu quả tốt nhất. Ảnh minh họa: anastase_maragos.

“Điều này giải thích cho hiệu quả của việc tập thể dục đối với bệnh Covid-19 cũng như SARS-CoV-2”, TS Ezzatvar nói.

Vị chuyên gia cũng cho hay tập thể dục thường xuyên làm giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì hay tăng huyết áp. Đây là những tác nhân chủ yếu gây ra diễn biến nặng ở bệnh nhân Covid-19.

Vẫn cần đánh giá thêm

Dù có kết quả khả quan, các nhà nghiên cứu vẫn chỉ ra một số hạn chế với nghiên cứu nói trên.

Đầu tiên, quá trình khảo sát và đánh giá chỉ liên quan đến các trường hợp mắc biến chủng Beta và Delta của SARS-CoV-2.

Thứ 2, mức độ hoạt động thể chất của các đối tượng tham gia nghiên cứu đa phần là đánh giá chủ quan thông qua bảng câu hỏi. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của nghiên cứu.

Trong báo cáo tổng kết, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận một số người đã không có thông tin đầy đủ về những đối tượng tham gia thử nghiệm.

Trên thực tế, các hoạt động thể chất có liên quan chặt chẽ tới những bệnh lý không lây nhiễm như tiểu đường, béo phì, ung thư…

Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động thể chất đối với diễn biến bệnh Covid-19 vẫn mang lại rất nhiều kỳ vọng.

TS Ezzatvar thông tin sẽ tiếp tục xem xét những người thường xuyên tập luyện thể dục thể thao có thể đáp ứng với Covid-19 như thế nào ở các biến chủng mới.

Đồng thời, các nhà khoa học cũng cần đánh giá thêm tác động của vaccine và những phương pháp điều trị trong quá trình người bệnh mắc Covid-19.

Vị chuyên gia này cùng các cộng sự tại Tây Ban Nha cũng đang thực hiện một nghiên cứu so sánh hiệu quả của 6 tuần tập luyện liên quan sức mạnh với việc theo dõi, điều trị thông thường ở những bệnh nhân Covid-19.

Nếu thành công, thử nghiệm này sẽ cung cấp bằng chứng về việc tập luyện thể dục có thể giúp người dân đối mặt với Covid-19 tốt hơn.

Hậu Covid-19 có thể gây thừa cân, cholesterol tăng cao

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Zurich, Thụy Sĩ, cho thấy hậu Covid-19 có thể gây rối loạn chuyển hóa, dẫn đến tăng cholesterol, thừa cân, gây biến chứng tim mạch.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm