Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, hành vi tạt axít sẽ bị xử lý theo 2 tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người tùy theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Nên có tội danh riêng với hành vi gây án bằng axít
Thực tế, rất ít trường hợp những đối tượng gây án bằng axít bị truy tố tội Giết người. Chỉ khi nào đối tượng có hành vi dùng lượng axít lớn, nồng độ cao và tạt vào những vùng trọng yếu trên cơ thể như đầu, mặt; phạm tội quyết liệt, cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân thì mới có thể xử lý tội Giết người.
“Phần lớn các trường hợp tạt axít đều chỉ xử lý nghi can gây án hành vi Cố ý gây thương tích. Bởi lẽ, mục đích của những người sử dụng axít chỉ có mục đích hủy hoại nhan sắc, sức khỏe hay dằn mặt nạn nhân chứ không có ý giết người. Tuy nhiên, hành vi tàn ác này để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến cả cuộc đời của nạn nhân”, luật sư Chánh nêu ý kiến.
Vị luật sư cho biết, theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 mới ban hành (bắt đầu áp dụng từ 1/7/2016), tội Cố ý gây thương tích có đưa tình tiết: Dùng axit sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt tù từ 3 năm đến chung thân, tùy vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Luật sư Chánh nêu quan điểm, hiện nay các loại hóa chất nguy hiểm, trong đó có axít bày bán tràn lan trên thị trường và thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Khi một người có ý định gây án bằng hóa chất, sẽ rất dễ dàng mua được. Vì thế, các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh mặt hàng độc hại như ai được phép mua, bán hóa chất, axít.
Hiện trường vụ 2 nữ sinh bị tạt axít ngày 30/3. Ảnh: L.T |
Còn luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, người thực hiện hành vi tạt axít thường có mục đích gây thương tích suốt đời cho nạn nhân, do đó họ khó bị truy tố tội Giết người. Và thực tế rất ít nạn nhân tử vong do bị tạt axit.
Theo ông Thanh, với tính chất tàn bạo và hậu quả nặng nề mà hành vi tạt axít gây ra, cần phải có một mức xử phạt thật nặng, quyết liệt hơn. Nếu khó xử lý tội Giết người thì nên quy định một tội danh riêng với hành vi gây án bằng axít với chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Những vụ tạt axít đau lòng
Khoảng 10h30 ngày 30/3, Hoàng Tăng Thị Thu Hương (20 tuổi, quê Đắk Lắk) chạy xe máy chở bạn là Trần Nguyễn Ái Duyên (21 tuổi, ngụ Bình Thuận) trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), hướng về quận 12 (TP HCM).
Khi đến gần cầu Chợ Cầu (nối giữa quận Gò Vấp và quận 12), 2 thanh niên chạy xe máy bất ngờ áp sát tạt axít vào 2 nữ sinh rồi bỏ chạy. Theo chẩn đoán ban đầu, Hương bị bỏng độ 3 - 4, chiếm 75% khuôn mặt, bỏng giác mạc mắt trái dẫn đến bị mù.
Hiện Hương đã được cắt lọc vết thương. Tuy nhiên, theo bác sĩ điều trị thì với mức độ bỏng sâu và diện tích rộng như vậy, gương mặt nạn nhân gần như bị hủy hoại.
Trước đó, ngày 15/10/2015, sau khi tan học, Vũ Thị Hà và Nguyễn Thúy Vy (cùng 19 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng công thương TP HCM) về nhà trọ ở phường Long Trường (quận 9) bằng xe máy.
Nạn nhân Duyên bị hủy hoại gần hết khuôn mặt. Ảnh: Khánh Trung. |
Khi đến cầu Tăng Long (quận 9), 2 nữ sinh bị 2 thanh niên hắt axít vào người. Hai nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu, Hà bị bỏng giác mạc, vùng đầu, mặt, tay phải, tai trái… Còn Vy ngồi phía sau cũng bị bỏng giác mạc mắt và vài vùng trên cơ thể nhưng mức độ nhẹ hơn.
Qua truy xét, công an đã bắt giữ 2 nghi can gây ra sự việc là Lê Thanh Sang (19 tuổi, ngụ quận 9) và Phạm Hoàng Thanh (19 tuổi, ở quận 4). Sang khai nhận, từng yêu Hà khoảng vài tháng, nhưng do anh ta thường ghen tuông vô cớ nên cô gái chia tay. Sau nhiều lần níu kéo tình cảm nhưng Hà đều khước từ, Sang nảy sinh ý định tạt axit để hủy hoại nhan sắc cô gái.
Ngày 12/1, bà Nguyễn Thị Thu Hà (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đi xe máy trên đường Võ Văn Kiệt, đoạn qua phường Cầu Kho, quận 1 thì bất ngờ bị 2 thanh niên chạy cùng chiều hắt axit vào người. Bà Hà bị bỏng mắt, cổ và ngực.