Cybercab là sản phẩm xe tự hành của Tesla, dự kiến bắt đầu sản xuất từ năm 2027 với giá 30.000 USD. Bản concept của mẫu xe gây chú ý khi loại bỏ vô lăng, chân phang và chân ga, sẽ sử dụng AI cùng hệ thống cảm biến để chở khách tự động.
Theo Carscoops, bản concept của Tesla Cybercab tình cờ trông giống hệt mẫu xe hybrid mà Volkswagen trình làng hồi năm 2013.
Mẫu xe được nhắc đến là Volkswagen XL1, trang bị động cơ hybrid với mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ 0,9 lít/100 km. Volkswagen chỉ sản xuất giới hạn 250 chiếc XL1 cùng giá bán tương đương 121.500 USD ở thời điểm hiện tại.
Hình dạng tổng thể là điểm giống nhau dễ nhận thấy giữa Tesla Cybercab và Volkswagen XL1. Theo Carscoops, khí động học là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự tương đồng này, bởi giọt nước là hình dạng tự nhiên sở hữu lực cản nhỏ nhất.
Mũi xe ngắn, đường nét mui xe hay hình dạng khoang cabin là những chi tiết giống nhau giữa 2 mẫu xe. Với Volkswagen XL1, yếu tố khí động học còn được chú trọng hơn thông qua đuôi xe mở rộng cùng nắp che bánh sau liền mạch với thân xe.
Thiết kế cửa đôi cùng kiểu mở cửa dạng cánh bướm cũng là điểm tương đồng giữa Tesla Cybercab và Volkswagen XL1. Theo Carscoops, thiết kế này giúp hành khách ra vào dễ dàng hơn, đặc biệt với các xe thể thao, xe gầm thấp.
Trên Volkswagen XL1, một phần mái xe còn được tích hợp vào cửa mở cánh bướm, chủ yếu do chiều cao hạn chế của xe, chỉ đạt 1.153 mm.
Tesla chưa công bố thông số chi tiết của Cybercab nhưng nhiều khả năng mẫu taxi tự hành sẽ cao hơn Volkswagen XL1.
Chuyên trang Carscoops nhận địnnh việc trang bị cửa mở cánh bướm cho Cybercab vì thế thiên nhiều về ngoại hình hơn là nhắm đến chức năng.
Vào năm 2013, việc loại bỏ kính hậu như trên Volkswagen XL1 không quá phổ biến, nhưng là yếu tố giúp tạo nên vẻ ngoài liền mạch cho mẫu xe siêu tiết kiệm nhiên liệu của hãng ôtô nước Đức.
Theo Carscoops, việc loại bỏ kính hậu trên Volkswagen XL1 nhắm đến tối ưu khối lượng và khí động học, còn Cybercab là mẫu xe tự hành hoàn toàn nên cửa kính phía sau là không cần thiết.
Một số dòng xe hiện đại như Avatr 12 và Polestar 4 cũng đã loại bỏ kính hậu, cho thấy xu hướng thiết kế bỏ qua gương chiếu hậu truyền thống trong cabin.
Cả Tesla Cybercab lẫn Volkswagen XL1 đều có dải đèn vắt ngang đầu xe. Trong đó, Cybercab dường như lấy cảm hứng từ bán tải điện Tesla Cybertruck với các đường nét góc cạnh.
Cả hai xe đều có chung khoang lái 2 chỗ ngồi. Khoang cabin của Cybercab gây chú ý khi không có vô lăng, chân phanh hay chân ga, còn Volkswagen XL1 được bố trí khoảng cách khá đáng kể giữa 2 ghế hàng trước.
Tesla Cybercab có lợi thế về không gian sử dụng bởi là một mẫu xe thuần điện. Với Volkswagen XL1, không gian sử dụng phải được chia sẻ với động cơ turbodiesel dung tích 0.8L ở phía đuôi xe.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.