Ngày 20/4, QQ có bài viết phân tích tình trạng phim hoạt hình Trung Quốc hiện tại. Khi Tây du ký: Tái thế yêu vương chuẩn bị ra mắt, nhà sản xuất hy vọng doanh thu khả quan, khán giả mong chờ bộ phim mới mẻ, hấp dẫn. Tuy nhiên, sau 18 ngày khởi chiếu, phim chỉ đạt 100 triệu NDT.
Sự thất bại của tác phẩm khiến các nhà sản xuất phải nhìn lại nhu cầu thị trường, mong muốn của khán giả và những vấn đề mà hoạt hình Trung Quốc đang mắc phải.
Hoạt hình Trung Quốc thu lợi khổng lồ
Theo Sina, hoạt hình Trung Quốc mới chỉ khởi sắc vài năm trở lại đây. Sự ra đời của Tây du ký: Đại Thánh trở về (2015) mở ra một thời kỳ mới, khi mà khán giả có thể xem những thước phim hoạt hình với sự chuyển động mượt mà, tạo hình đẹp, câu chuyện được đầu tư hơn.
Tây du ký: Đại Thánh trở về có doanh thu tốt là 955 triệu NDT, được đánh giá là tác phẩm làm sống lại hoạt hình Trung Quốc. |
Phim hoạt hình cũng đem lại những thành tích vượt trội, tác phẩm ra mắt nhận được sự mong chờ của khán giả. Trong khi trước đó, thể loại này rất ít phim đủ chất lượng để trình chiếu trên màn ảnh rộng.
Có thể kể đến những bộ phim nổi bật như Na Tra: Ma Đồng giáng thế ra mắt năm 2019 thu về 5 tỷ NDT, từng đứng thứ nhất lịch sử phòng vé Trung Quốc, hiện tại lùi xuống vị trí thứ ba trong top 10 phim ăn khách nhất theo thống kê của Maoyan.
Bạch Xà: Duyên khởi công chiếu năm 2019 thu về 469 triệu NDT. Khương Tử Nha ra mắt năm 2020 có doanh thu 1,6 tỷ NDT. Na Tra trùng sinh vừa chiếu dịp Tết Nguyên đán 2021 đạt 456 triệu NDT.
Na Tra: Ma đồng giáng thế được yêu thích khắp châu Á, có doanh thu khổng lồ. |
Có thể thấy, ngoại trừ Tây du ký: Tái thế yêu vương, các tác phẩm khác doanh thu rất khả quan. Không những vậy, những bộ phim này nhận được sự yêu thích của khán giả. Nhân vật Na Tra, Tam thái tử trong Ma đồng giáng thế xuất hiện nhiều trong các mặt của đời sống, trở thành niềm tự hào của người Trung Quốc.
Tân Hoa Xã ngợi ca Na Tra: Ma đồng giáng thế là "niềm tự hào của Trung Quốc". Giới bình luận phim nhận định "cú nổ" của Na Tra: Ma đồng giáng thế đánh dấu thời kỳ phục hưng của phim hoạt hình xứ tỷ dân.
Vậy vì sao Tây du ký: Tái thế yêu vương lại thất bại trong khi tác phẩm có tạo hình và kỹ xảo không thua gì những bộ phim đi trước. QQ chỉ ra rằng hoạt hình Trung Quốc đang rơi vào sự khủng hoảng và thiếu sáng tạo.
Điểm yếu của hoạt hình Trung Quốc
Theo QQ, nhìn vào những bộ phim hoạt hình được ra mắt, có thể thấy nội dung chủ yếu dựa vào hai tác phẩm Tây du ký và Phong Thần Bảng. Thực tế, không chỉ trong phim hoạt hình mà cả ở điện ảnh và truyền hình Trung Quốc cũng có nhiều sản phẩm cải biên, chuyển thể từ hai tiểu thuyết này.
QQ phân tích nguyên nhân khách quan là phim hoạt hình Trung Quốc chỉ mới phát triển nên nhà sản xuất lựa chọn nội dung an toàn, phổ biến với khán giả đại chúng để dễ thu hút người xem.
Tuy nhiên, cũng vì vậy mà những câu chuyện về các nhân vật như Tôn Ngộ Không, Na Tra, Khương Tử Nha, Bạch Xà Thanh Xà đều quá quen thuộc với khán giả, khó tìm được nội dung mới mẻ, sáng tạo khiến công chúng trầm trồ ngạc nhiên. Hiện tại, người xem vẫn chỉ khen ngợi kỹ xảo đẹp mắt là chủ yếu.
Tây du ký: Tái thế yêu vương thất bại do nhân vật Tôn Ngộ Không đã bị khai thác quá nhiều. |
Do đó, QQ đánh giá chung nội dung phim hoạt hình Trung Quốc hiện tại nghèo nàn, thiếu sự sáng tạo. Không thể tạo ra những cốt truyện, nhân vật mới đủ sức ảnh hưởng để trở thành thương hiệu phim nhiều phần.
"Không thể phủ nhận truyện thần thoại Trung Quốc có sức hấp dẫn với cả người lớn và trẻ nhỏ, Tây du ký tôi có thể xem lại hàng trăm lần không biết chán, nhưng vẫn mong chờ một nội dung mới mẻ hơn, những nhân vật chưa xuất hiện bao giờ như Hồ Ba trong Truy lùng quái yêu hay Đại ngư hải đường", "Tây du ký nuôi sống nửa giới giải trí", là đánh giá của khán giả trên QQ.
Bên cạnh đó, việc chạy theo doanh thu để các tác phẩm chớp lấy thời cơ, khi phim hoạt hình đang được khán giả yêu thích, khiến nội dung ngày càng trở nên thiếu chỉn chu, hấp dẫn.
Khương Tử Nha và Na Tra là nhân vật trong truyện Phong Thần Bảng. |
Ví dụ Khương Tử Nha bị đánh giá là câu chuyện kém sức hút, nhân vật dành nhiều thời gian để nói về đạo lý, triết lý nhân sinh vốn quá nhàm chán ở các tác phẩm khác.
Sina cũng đánh giá Na Tra trùng sinh kéo dài nội dung vốn chỉ cần gói gọn trong 20 phút thành gần 2 tiếng. Trong đó những cảnh kỹ xảo, chiến đấu đẹp mắt, song nội dung về sự thua cuộc của cha con Long Vương thiếu sức thuyết phục, diễn ra ngắn ngủi. Đó chính là việc không đầu tư vào nội dung mà chỉ chú trọng phần kỹ xảo.