Trong vai người có ngân sách 100 triệu đồng, phóng viên (PV) Zing tìm đến gian hàng về golf tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM.
Yêu cầu PV đặt ra là muốn sở hữu trọn bộ dụng cụ, trang phục và phụ kiện chơi golf dành cho người mới bắt đầu. Câu trả lời nhận về là "không thể mua được" nếu chỉ có số tiền nêu trên.
"Trọn bộ bao gồm gậy, túi đựng gậy, giày, quần áo, nón, găng tay… ở bên mình có giá tối thiểu là 120-150 triệu đồng. Nếu muốn sản phẩm tiết kiệm hơn, bạn có thể tìm đến địa chỉ khác", nhân viên tại gian hàng nói.
Các sản phẩm về golf được bày bán tại gian hàng ở một trung tâm thương mại. |
Theo lời nhân viên này, tất cả sản phẩm tại gian hàng đều thuộc thương hiệu nổi tiếng, được nhập khẩu từ châu Âu nên có mức giá khá cao so với thị trường.
Cụ thể, một bộ gậy 12-14 cây có giá trên 100 triệu đồng; áo polo dao động 3-5 triệu đồng/chiếc; quần hoặc chân váy 4-6 triệu đồng/chiếc và giày chuyên dụng cho sân golf từ 6 triệu đến trên 10 triệu đồng/đôi.
Ngoài ra, chi phí cho túi đựng gậy là 9-10 triệu đồng/túi; nón 1-2 triệu đồng/chiếc và găng tay là khoảng vài trăm nghìn đồng/đôi.
"Sản phẩm bên mình tập trung vào chất lượng. Bạn muốn mẫu mã thời trang hơn thì có thể tìm thương hiệu khác", nhân viên gợi ý.
Đa dạng giá tiền
Tìm đến một cửa hàng khác bên ngoài trung tâm thương mại, PV được nhân viên bán hàng cho biết chỉ cần dưới 10 triệu đồng, khách hàng đã có thể bắt đầu chơi golf với một cây gậy loại dành cho người tập đánh cùng trang phục, giày và phụ kiện bình dân.
Nhưng cũng theo nhân viên này, để có thể theo đuổi golf lâu dài, đồng thời sở hữu những sản phẩm chất lượng tốt, khách hàng nên chọn bộ dụng cụ đắt tiền để không mất công thay mới khi "lên trình".
"Thông thường, khách hàng đến cửa hàng chúng tôi sẽ mua bộ gậy thuộc thương hiệu của Nhật Bản với giá hơn 100 triệu đồng. Họ không lo nặng vì ra sân có caddy (nhân viên phục vụ tại sân) xách giúp. Còn trang phục và giày thì tùy vào nhu cầu của mỗi người mà giá cả dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/bộ", cô tư vấn.
Tại cửa hàng này, một bộ gậy golf 12 cây rẻ nhất có giá hơn 21 triệu đồng, trong khi đó bộ cao cấp nhất đắt gấp 5-6 lần. Nếu mua gậy lẻ loại có sẵn, khách hàng có nhiều sự lựa chọn đa dạng với mức giá tối thiểu khoảng hơn một triệu đồng.
Ngoài ra, áo và quần/váy chơi golf dao động từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/chiếc; giày trung bình 4-8 triệu đồng/đôi. Các sản phẩm phụ kiện khác như nón, găng tay, áo lót dài tay chống nắng, túi... cũng được bày bán khá phong phú với mức giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Chưa có kinh nghiệm, khách hàng sẽ được nhân viên tư vấn để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất. |
"Người mới chơi không cần chi phí đến hàng trăm triệu đồng", đó cũng là quan điểm của Hoàng Quý Hiệp (28 tuổi), chủ chuỗi cửa hàng TeeOff Golf ở Hà Nội.
Anh cho rằng một người nhập môn chỉ cần bỏ ra tối thiểu 20-30 triệu đồng cho những vật dụng cần thiết khi lên sân. Con số này có thể tăng tùy theo nhu cầu cá nhân.
"Nếu để rèn luyện sức khỏe và thay đổi không khí, người chơi có thể bắt đầu với những sản phẩm ở mức giá trung bình. Còn nếu chơi lâu dài, hoặc theo con đường chuyên nghiệp, họ mới cần tham khảo các dòng sản phẩm cao cấp", anh chia sẻ.
Cụ thể, thay vì sở hữu luôn bộ gậy đầy đủ 13-14 chiếc, người mới chơi có thể chỉ cần 4 cây cơ bản để làm quen, có giá từ 5-7 triệu đồng tới 20-25 triệu đồng tùy thương hiệu.
Trang phục cũng là điều đáng để tâm. Theo chủ chuỗi cửa hàng, chỉ khi đáp ứng đúng những quy định nghiêm ngặt về trang phục, người chơi mới được vào sân.
"Áo phải có cổ, quần co giãn để dễ vận động. Nữ giới có thể tham khảo thêm chân váy. Giày phải sử dụng đúng loại đế, không được làm ảnh hưởng đến mặt cỏ. Ngoài ra, người chơi cần găng tay vừa để cầm chắc gậy, vừa tránh chấn thương", anh nói.
Khách hàng thường chi tối thiểu 3-5 triệu đồng cho mỗi lần mua sắm tại cửa hàng golf. |
Hiệp cho biết thêm tại cửa hàng của mình, khách hàng thường chi tối thiểu 3-5 triệu đồng cho mỗi lần mua sắm bởi hầu hết sản phẩm đều có giá trị cao.
Số đông khách hàng vẫn chuộng hình thức mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Đại dịch có tác động nhất định đến thói quen chi tiêu của họ với tỷ lệ mua hàng online tăng nhưng không đáng kể.
Gia tăng khách hàng trẻ, nữ giới
Đáng chú ý, Hiệp nhận định golf trở nên thịnh hành hơn kể từ đại dịch. Người trẻ, đặc biệt là nữ giới, gia nhập môn thể thao này nhiều hơn.
Đỗ Thanh Thủy, quản lý bán hàng của chuỗi cửa hàng Golf Land ở Hà Nội, cũng nhận thấy xu hướng tương tự.
Kể từ khi hoạt động vào năm 2013, tập khách hàng chủ yếu của hãng là nam giới ở độ tuổi 20-45. Tuy nhiên, làn sóng chơi golf bất ngờ phát triển mạnh mẽ khoảng 2-3 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của nhiều người chơi trẻ tuổi. Số người chơi nữ cũng đang tăng mạnh.
Ngoài chú trọng về chất lượng, những người chơi trẻ tuổi còn quan tâm đến tính thời trang, hiện đại và ứng dụng công nghệ cao của sản phẩm. Họ đặc biệt liên tục đổi mới, một phần để được trải nghiệm nhiều thương hiệu, từ đó lựa chọn ra sản phẩm ưng ý nhất.
Một khách hàng thử gậy golf để tìm ra kích thước gậy phù hợp với mình. |
Trong khi các khách quen có thể chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển, Thủy vẫn khuyến khích những người mới chơi golf nên tới trực tiếp cửa hàng để tối ưu chi phí cũng như kỹ thuật.
"Nhờ phòng fitting (phòng thử gậy) với các thiết bị chuyên dụng được sử dụng trong việc đo đạc thông số đường bóng và di chuyển của gậy, kết hợp với phòng sửa chữa và lắp ráp tại chỗ, chúng tôi có thể xây dựng những bộ gậy phù hợp với cách đánh của từng khách hàng", cô nói.
Nhân viên căn chỉnh gậy golf cho khách hàng. |
Thuỷ cho biết hiện xu hướng người chơi tìm bộ gậy fitting để phù hợp với cách đánh, thể lực cũng ngày càng tăng. Trong quá trình sử dụng, khách hàng được khuyến khích qua cửa hàng kiểm tra định kỳ, đo thông số, thay thế cán/tay cầm hoặc nâng cấp gậy để nâng cao hiệu quả sử dụng.
"Chúng tôi cung cấp sản phẩm fitting cao cấp, bao gồm đầu gậy, cán gậy, tay cầm, và cả dịch vụ sửa chữa tại chỗ, hy vọng có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và kỹ tính của khách hàng", chị chia sẻ.