Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tẩy trắng' diễn viên ở Hollywood - xu hướng ngày càng độc hại

Việc diễn viên da trắng Ed Skrein phải bỏ vai diễn người lai Nhật - Mỹ vì bị phản đối cho thấy công chúng bắt đầu không chấp nhận xu hướng “tẩy trắng” dễ dãi của Hollywood.

Hôm 28/8, Skrein tuyên bố bỏ vai trong Hellboy, một phim chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên nổi tiếng. Nhân vật đáng ra anh sẽ đóng là Ben Daimio, một thiếu tá quân đội Mỹ mang hai dòng máu Nhật - Mỹ.

Theo Guardian, giới hoạt động xã hội nhìn nhận điều này như một tín hiệu tích cực cho thấy ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ không thể lờ đi sự nhạy cảm văn hóa và sắc tộc để chạy theo sức mạnh ngôi sao như lâu nay.

Trắng nhưng không sạch

Từ “tẩy trắng” (whitewashing) gần đây mới được đưa vào điện ảnh để chỉ xu hướng tuyển chọn diễn viên da trắng cho những nhân vật thuộc mọi chủng tộc, màu da. Còn nghĩa gốc của từ này trong tiếng Anh nghĩa là quét vôi trắng để làm sạch.

Tay trang o Hollywood anh 1
Ed Skrein bỏ vai diễn gốc gác châu Á Ben Daimio vì nhận ra sự xấu xí của xu hướng "tẩy trắng".

Với nghĩa mới, “whitewashing” đã không còn “sạch”, trái lại bị coi là độc hại, xấu xí, “đi ngược lại sự tiến bộ”, không coi trọng sự đa dạng sắc tộc và văn hóa. Bởi vậy, nó vấp phải vô số chỉ trích, tạo nên nhiều cuộc phát động tẩy chay, nhất là trong 3 năm trở lại đây.

Trước đây, người ta từng lờ đi điều này, với cả phim điện ảnh và truyền hình. Nhưng khi các vấn đề sắc tộc được thảo luận thường xuyên hơn trong xã hội, chúng cũng tràn vào điện ảnh. Chất vấn về chuyện “tẩy trắng” được đặt ra trong mọi cuộc họp báo, trở thành chủ đề giễu nhại trên mạng xã hội.

Cách phản đối vừa ầm ĩ vừa âm ỉ của dư luận đã tác động đến giới làm phim. Trường hợp mới nhất của phim Hellboy cho thấy dư luận đã đủ mạnh mẽ để ngăn chặn việc “tẩy trắng” diễn ra, chứ không chỉ là phản đối sau khi phim đã ra mắt.

Thông tin Skrein sẽ đóng Ben Daimio được hãng phim công bố cách đây hơn một tuần. Nhưng thông tin này đã bị cộng đồng người Mỹ gốc Á và lai Á phản đối dữ dội. Dù rất phấn khích và mong chờ được đóng Hellboy, Skrein đành ngậm ngùi bỏ vai vì khán giả có lý. Nam diễn viên cũng nói anh hy vọng vai này được giao cho một diễn viên gốc Á.

“Rõ ràng, việc thể hiện một nhân vật chính xác về mặt văn hóa có ý nghĩa rất lớn với công chúng. Nếu chúng ta lờ đi trách nhiệm này, chúng ta đang cổ xúy cho xu hướng che giấu câu chuyện và tiếng nói của những cộng đồng thiểu số trong nghệ thuật” - Skrein viết trên Twitter.

Tay trang o Hollywood anh 2
Jake Gyllenhaal trong Prince of Persia từng bị chỉ trích vì "tẩy trắng". 

Quyết định của Skrein tất nhiên là gây rắc rối cho đoàn làm phim. Nhưng Mike Mignola, tác giả của truyện tranh gốc Hellboy, cũng lên tiếng ủng hộ anh. Ông viết: “Cảm ơn Ed Skrein vì hành động rất tử tế”. Và chính các nhà sản xuất của bộ phim cũng không trách nam diễn viên. Họ tuyên bố sẽ “tuyển chọn một diễn viên phù hợp hơn với nhân vật trong truyện gốc”.

Và giới truyền thông cũng tán thưởng Skrein. “Tôi rất ấn tượng” là cảm nghĩ của Keith Chow, biên tập viên của blog Nerds of Color, nơi đã có nhiều hoạt động phản đối “tẩy trắng” trong nhiều năm qua. “Anh ấy có lẽ là diễn viên đầu tiên dám công khai bỏ vai vì lý do này”.

“Tẩy trắng” vì doanh thu nhưng đổi lại là thất bại phòng vé

Xu hướng xấu xí này vốn là chuẩn mực của Hollywood thời phim câm đầu thế kỷ 20. Đó là khi các diễn viên da trắng như Douglas Fairbanks và Rudolph Valentino thoải mái đóng các nhân vật gốc gác Arab. Bởi thời đó, người da màu trong xã hội và diễn viên da màu ở Hollywood không có nhiều tiếng nói. Diễn viên da trắng vẫn có vị trí độc tôn.

Tay trang o Hollywood anh 3
Ghost in the Shell chọn ngôi sao Scarlett Johansson vì doanh thu nhưng lại thất bại nặng nề ở phòng vé. 

Nhưng cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, công chúng dần cảm thấy khó chấp nhận sự thiên vị và sửa đổi văn hóa. Trường hợp tai tiếng nhất gần đây là vai diễn người máy Nhật Bản của Scarlett Johansson trong Ghost in the Shell, một phim chuyển thể từ truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản. Hơn 100.000 người đã ký vào bản phản đối trên mạng.

Ngay trước đó là phim Doctor Strange với vai diễn của Ancient One, một phù thủy tối thượng Himalaya trong truyện gốc là một người đàn ông châu Á, lại được giao cho minh tinh Tilda Swinton. Và ngôi sao đang lên Emma Stone cũng dính dớp này khi nhận vai diễn người Hawaii gốc Trung Quốc trong phim Aloha.

Trước sự phẫn nộ của dư luận, phản ứng thường thấy của các hãng phim là âm thầm khắc phục và hạn chế trả lời truyền thông. Còn một phản ứng tích cực như của Skrein - công khai thừa nhận vấn đề và rút lui - vẫn còn hiếm hoi. Nhưng giới truyền thông hy vọng nhờ tín hiệu này, tình hình sẽ trở nên khả quan hơn.

Tay trang o Hollywood anh 4
Cả giới phê bình lẫn khán giả đều quay lưng với Aloha, khiến ngôi sao Emma Stone và đạo diễn Cameron Crowe  đều phải lên tiếng xin lỗi vì "tấy trắng".

Bởi, Skrein lẫn các đồng nghiệp của anh đều cần nhận ra rằng, họ nên chống lại xu hướng này cùng dư luận thay vì đồng lõa. Cả Johansson và Swinton, đều từng bối rối khi bị hỏi về vấn đề này trong các cuộc họp báo. Còn Stone trở thành nạn nhân của nhiều trò đùa trên mạng khi nhận vai trong Aloha, khiến cô quyết định công khai xin lỗi và thừa nhận vụ việc đã cho cô một bài học thấm thía.

Còn với những khán giả vốn không quan tâm đến vấn đề này (với các phản ứng như “Chỉ là phim ảnh thôi mà” hay giễu cợt “Thế bây giờ chọn diễn viên da màu đóng nhân vật da trắng nhé?”), họ cũng buộc phải suy nghĩ lại. Vấn đề nghiêm trọng hơn họ tưởng, vì trong các xã hội hướng đến bình đẳng về cơ hội việc làm cho tất cả mọi người, bình đẳng chủng tộc rất quan trọng. Và cách điện ảnh thể hiện về nó cũng quan trọng.

Trước khi Skrein bỏ vai, nam diễn viên gốc Á William Yu từng bình luận: “Với lần việc tẩy trắng diễn ra, các diễn viên gốc Á như tôi đều được giải thích rằng chúng tôi không đủ gây chú ý, không xứng đáng với một vị trí trong xã hội này”. Như vậy, vấn đề không chỉ là “tẩy trắng” trên màn ảnh, mà còn là chối bỏ sự tồn tại của những nền văn hóa khác, lịch sử khác trong xã hội Mỹ.

Vấn đề này sẽ còn tiếp tục được mổ xẻ khi Hollywood liên tục có nhiều phim chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản. Đáng chú ý là phim sắp chiếu Alita: Battle Angel của đạo diễn Robert Rodriguez, với dàn diễn viên thiếu vắng người gốc Nhật, nhưng lại đầy ắp ngôi sao da trắng gồm Michelle Rodriguez, Christoph Waltz và… Ed Skrein.

Có một nghịch lý: Hollywood chạy theo xu hướng tẩy trắng vì cần những ngôi sao có giá trị thương mại, nhưng lại rất ít ví dụ thành công. Ghost in the Shell là một thất bại phòng vé điển hình, thu về 129 triệu USD so với kinh phí 110 triệu USD. Nhà sản xuất phim phải thừa nhận việc “tẩy trắng” bị phản đối đã làm ảnh hưởng đến các bài phê bình và doanh thu phim.

Tay trang o Hollywood anh 5
Hiện tượng "tẩy trắng" đặc biêt phổ biến ở phim chuyển thể từ truyện tranh Nhật, một luồng phim đang mạnh lên ở Hollywood. Trong ảnh là nam diễn viên Justin Chatwin   vào vai Goku trong Dragonball: Evolution. 

Cả Death Note lẫn Iron Fist, hai phim khác thuộc dạng này, cũng không thành công cả về phê bình lẫn doanh thu. Hay có thể kể đến The Last Airbender, Aloha, Prince of Persia… Theo Keith Chow, những ví dụ đó đã đủ chứng minh “tẩy trắng để mang lại lợi nhuận” chỉ là một “huyền thoại” không có thật.

Skrein chủ động rút khỏi Hellboy là không ngoan, nhưng theo Guardian, đáng ra trách nhiệm giải quyết vấn đề thuộc về các nhà làm phim và tuyển chọn diễn viên. Hellboy có thể sửa chữa sai lầm bằng cách thế vào một diễn viên gốc Á, nhưng tư duy “tẩy trắng” của nhà làm phim vẫn rất nặng nề. Những hành động như của Skrein nên trở thành phổ biến chứ không phải ngoại lệ.

“Đó là một bài học đáng ra giới làm phim phải thấm thía từ 10 năm trước” - biên tập viên này nói với Guardian.





Mi Ly

Bạn có thể quan tâm