Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Tay trong’ của Mỹ trong ngành cáp ngầm

SubCom - một trong những công ty lắp đặt cáp ngầm lớn nhất thế giới - là công cụ giúp Mỹ đảm bảo an ninh cáp ngầm khi cạnh tranh địa chính trị dần lan sang lĩnh vực công nghệ.

Tàu CS Dependable của SubCom tại cảng Đài Trung, Đài Loan, Trung Quốc hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Với công chúng, SubCom là một trong những doanh nghiệp phát triển cáp quang ngầm dưới đáy biển lớn nhất thế giới, với danh sách khách hàng bao gồm Google, Amazone, Microsoft hay Meta.

Tuy vậy, phía sau hậu trường, SubCom là nhà thầu cáp ngầm độc quyền của quân đội Mỹ. Công ty giúp Mỹ thiết lập mạng lưới cáp Internet và cáp giám sát khắp đáy đại dương, theo các nguồn tin của Reuters. Các nguồn tin này làm việc ở cả SubCom lẫn hải quân Mỹ.

Giá trị của SubCom với Mỹ đến từ cả mặt an ninh lẫn kinh tế. Mỹ cần công ty này để mở rộng mạng lưới cáp ngầm của hải quân, nâng cao năng lực giám sát đối thủ. Bên cạnh đó, Washington cũng muốn SubCom xây dựng thêm các tuyến cáp thương mại do doanh nghiệp Mỹ kiểm soát nhằm củng cố vị thế trong mạng lưới Internet thế giới của Mỹ.

“Vai trò kép” giúp SubCom ngày càng có giá trị trong mắt giới hoạch định chính sách tại Washington trong bối cảnh cơ sở hạ tầng Internet thế giới - từ cáp ngầm tới các trung tâm dữ liệu hay công nghệ 5G - có nguy cơ bị “phân tách” thành hai nhóm do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt.

Quan hệ công - tư chặt chẽ

Với tư cách công ty cáp ngầm lớn duy nhất của Mỹ, lòng trung thành của SubCom là điều đặc biệt quan trọng với Washington. Nguồn lực của SubCom là điều giới chức Mỹ thèm khát: Công ty này sở hữu 6 tàu đặt cáp ngầm, trong khi hải quân Mỹ chỉ có một con tàu cũ đã hoạt động tới 40 năm.

Hồi năm 2021, SubCom giành được hợp đồng trị giá 10 triệu USD mỗi năm với Bộ Giao thông Mỹ nhằm bảo vệ an ninh cho các tuyến cáp ngầm nước này.

Chủ sở hữu SubCom là Cerberus Capital Management, công ty quản lý tài sản đầu tư cả vào lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia tại Mỹ. Hồi năm ngoái, Cerberus chi 300 triệu USD mua lại một xưởng đóng tàu tại vịnh Subic của Philippines, nơi có vị trí chiến lược ven Biển Đông.

Giám đốc điều hành của Cerberus là tỷ phú Stephen Feinberg, người từng là thành viên hội đồng tư vấn tình báo cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thế giới có 4 công ty lớn chế tạo và đặt cáp ngầm: SubCom của Mỹ, NEC Corporation của Nhật Bản, Alcatel Submarine Networks (ASN) của Pháp và HMN Tech của Trung Quốc. Tuy vậy, các nguồn tin của Reuters cho biết với các dự án nhạy cảm, Washington chỉ làm việc với SubCom.

cap ngam anh 1

Cáp ngầm có vai trò quan trọng với nền kinh tế thế giới. Trong ảnh, công nhân lắp đặt cáp ngầm ở bờ biển Nam Phi. Ảnh: Reuters.

Trước khi cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung nổ ra, SubCom đặt cáp cho các công ty trên khắp thế giới, bao gồm cả các ông lớn viễn thông Trung Quốc. Điều này không còn xảy ra: SubCom giờ đây gần như chỉ làm việc với quân đội và các công ty công nghệ Mỹ, hai nhân viên SubCom tiết lộ.

Thay đổi của SubCom phản ánh chuyển biến lớn hơn trong ngành công nghiệp Internet thế giới. Các lệnh cấm vận và các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ buộc các công ty công nghệ nước này chỉ được hợp tác với các công ty và quốc gia “bạn bè”.

Năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ cấm Google, Meta và Amazon xây dựng cáp quang nối Mỹ và Hong Kong với lý do lo ngại nguy cơ “do thám” từ Trung Quốc.

Khi càng nhiều tuyến cáp ngầm nằm dưới quyền kiểm soát của các công ty Mỹ như Google và SubCom, Washinton càng có lý do để vui mừng. Mỹ mong muốn đẩy các công ty Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng Internet thế giới, điều cốt yếu với sự phát triển kinh tế và quân sự trong tương lai, theo chuyên gia Kellee Wicker tại Trung tâm Wilson (Mỹ).

“Cáp là đòn bẩy quyền lực khổng lồ”, ông Wicker nói. “Nếu bạn không thể trực tiếp kiểm soát mạng lưới, bạn sẽ muốn quyền kiểm soát thuộc về một công ty mà bạn có thể tin tưởng”.

Phục vụ quân đội

Tính chất “hai mang” của SubCom không phải điều mới mẻ mà đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử công ty này.

Tiền thân của SubCom là bộ phận cáp ngầm của ông lớn viễn thông Mỹ AT&T. Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu nóng lên, AT&T bước vào ngành cáp ngầm khi nhận được yêu cầu xây dựng mạng lưới giám sát dưới biển để theo dõi đội tàu ngầm Liên Xô.

Qua nhiều lần mua đi bán lại giữa các doanh nghiệp, công ty được Cerberus mua lại năm 2018 với giá 325 triệu USD và có tên SubCom.

Ngoài giúp Mỹ kiểm soát mạng lưới cáp ngầm thế giới, SubCom cũng thực hiện những công việc ít “vĩ mô” hơn nhưng không kém tầm quan trọng: Xây dựng mạng lưới cáp ngầm cho quân đội Mỹ.

cap ngam anh 2

Quân đội Mỹ tại căn cứ Diego Garcia giữa Thái Bình Dương. Căn cứ này đã được kết nối với thế giới bằng cáp ngầm nhờ SubCom. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Tháng 2/2022, con tàu đặt cáp ngầm CS Dependable xuất hiện ở bờ biển Diego Garcia, hòn đảo giữa Ấn Độ Dương nơi Mỹ có căn cứ hải quân chiến lược. Dù vậy, căn cứ chỉ có thể tiếp cận Internet qua vệ tinh, hình thức thông tin chậm hơn và ít tin cậy hơn cáp ngầm.

Trong một tháng sau đó, CS Dependable bí mật lắp đặt một mạng lưới cáp quang ngầm phục vụ căn cứ, theo những người trong cuộc và dữ liệu theo dõi tàu thuyền.

Tuy nhiên, thông tin về hoạt động này được giữ kín. Thay vào đó, hoạt động được “tích hợp” một cách tinh vi vào dự án cáp ngầm thương mại nối Australia và Oman, tuyến cáp đi gần Diego Garcia.

Một thông tin quan trọng khác cũng không được công bố: Bộ Quốc phòng Mỹ chi trả một phần ba chi phí tuyến cáp với điều kiện căn cứ tại Diego Garcia được kết nối.

“SubCom là nhân tố không thể thiếu nếu Mỹ muốn kiểm soát cáp ngầm. Họ không còn ai khác”, ông Eckhard Bruckschen, Giám đốc hãng tư vấn Undersea Cable Consultancy (Anh), nhận xét.

Độc giả Tri thức trực tuyến có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Xung đột công nghệ Mỹ - Trung Quốc cũng đang diễn ra dưới đáy biển

Mỹ tìm mọi cách để ngăn cản Trung Quốc tham gia xây dựng cáp quang ngầm dưới đáy biển, hạ tầng quan trọng mà phần lớn lưu lượng Internet đi qua.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm