Tuần qua, Stenberg, người đóng vai cô bé da đen Rue trong phần đầu tiên của loạt phim nổi tiếng The Hunger Games, gây xôn xao với đoạn phim có cảnh cô phát biểu tại lớp học lịch sử lên mạng.
Nữ diễn viên thực hiện đoạn phim như một phần của cuộc thảo luận về văn hóa da đen với các bạn cùng lớp.
Thích văn hóa nhưng vẫn kỳ thị người da đen
Đoạn phim có tên Don't cash crop on my cornrows (Đừng gieo hạt trên mái đầu tóc tết của tôi). Trong đó, cô chỉ trích các ngôi sao da trắng đã vay mượn nhiều yếu tố từ nền văn hóa của người da đen để làm ra sản phẩm thương mại của họ. Đoạn phim được đưa lên mạng xã hội Tumblr cách đây ít tháng nhưng hiện tại mới gây sốt.
"Trong những năm 2010, các ngôi sao nhạc pop đã sử dụng văn hóa của người da đen như một cách để gây chú ý. Năm 2013, Miley Cyrus đưa các phụ nữ da đen vào video nhạc như đạo cụ” - Stenberg nói trong đoạn phim.
Amandla Stenberg và các bạn diễn trong The Hunger Games, trong đó có Jennifer Lawrence. |
Các video nhạc (MV) của Katy Perry, Ke$ha, Kim Kardashian (với kiểu tóc tết cornrow) và Madonna với niềng răng cũng được dẫn ra. Tương tự là nhiều cảnh trong MV Shake it off, vốn cũng lấy cảm hứng từ nhạc hip hop của người da đen.
Kết lại đoạn phim, Stenberg chỉ ra tính “tiêu chuẩn kép” trong hiện tượng này: “Nước Mỹ sẽ như thế nào nếu người ta tôn trọng người da đen như cách họ yêu nền văn hóa của người da đen?”.
Cô đã nhìn ra vấn đề: trong khi các ngôi sao giải trí liên tục bắt chước các yếu tố da đen, thì người da đen trong xã hội Mỹ vẫn bị phân biệt đối xử nặng nề.
Phân biệt chủng tộc như một bản năng
Trang Daily Beast đã nhận xét về ý kiến của Stenberg: “Cô gái trẻ này thực sự nhìn thấu vấn đề”. Bởi các ngôi sao mà nữ diễn viên nhắc đến có một điểm chung, đó là dù thích thú sử dụng các yếu tố văn hóa da đen vào sản phẩm âm nhạc của mình, họ lại im lặng một cách khó hiểu khi người da đen liên tiếp bị phân biệt đối xử trong xã hội Mỹ. Họ đã im lặng khi có người da đen bị cảnh sát da trắng giết nhầm vì tưởng là tội phạm, trong khi xã hội dậy sóng vì biểu tình.
“Ranh giới giữa chiếm đoạt văn hóa và trao đổi văn hóa luôn mập mờ” – Stenberg nhận định - “Những hành động đó tô đậm sự phân biệt chủng tộc, nhưng lại được coi là thời trang cao cấp, sành điệu hoặc gây cười. Chiếm đoạt văn hóa xảy ra vì người ta không có nhận thức sâu sắc về nền văn hóa mà họ tham dự vào”.
Cô gái 16 tuổi cũng chỉ trích các ngôi sao nữ tết tóc cornrow như một trào lưu thời trang mà không hiểu rằng phụ nữ da đen làm kiểu tóc đó vì nó là một phần trong đặc trưng văn hóa của họ. Bắt đầu từ năm 2013, mốt tết tóc cornrow mới rộ lên ở các ngôi sao hạng A.
Bản thân Stenberg từng bị phân biệt chủng tộc một cách vô lý khi The Hunger Games phần một ra rạp hồi năm năm 2012. Cô đã bị một bộ phận khán giả phản đối vì là người da đen, bất chấp việc sách gốc The Hunger Games đã nói rõ nhân vật Rue là người da đen. Vì vậy, những khán giả đó đã phân biệt chủng tộc như một bản năng, thậm chí còn không để ý rằng nhân vật da đen là hoàn toàn hợp lý.
Cùng lúc đoạn phim của Stenberg được truyền tải trên mạng, đã xảy ra một chuyện trái khoáy. Hai nữ sinh trung học da trắng ở Grapevine, Texas đã thực hiện một ca khúc rap thể hiện thái độ ghét bỏ người da đen và tung lên mạng.
Sau đó, trường trung học đã có biện pháp xử lý, buộc hai nữ sinh phải xin lỗi. Nhưng việc sử dụng âm nhạc do người da đen sáng tạo ra (hip hop) để kỳ thị người da đen khiến sự việc nghe đầy trớ trêu. Đó cũng chính là một biểu hiện của tình trạng chiếm đoạt văn hóa.