Teen nông thôn và điện thoại di động
Nhiều teen nằng nặc đòi bố mẹ mua di động đi "tiện cho việc học", nhưng thực chỉ để chơi game, nghe nhạc hoặc xem những cảnh đen.
Ảnh minh họa |
Những nhu cầu chính đáng
Có thể nói, việc mua sắm điện thoại di động là một nhu cầu cực kì chính đáng của teen nông thôn, nhất là những teen ở xa trường. Trường hợp Hồng Hạnh (10A1 THPT T.P, Q.Nam) là một ví dụ. Mặc dù nhà Hạnh không mấy khá giả, nhưng thu hoạch lúa xong, bố mẹ bạn ưu tiên sắm di động cho Hạnh trước tiên.
Mới nghe cứ tưởng cô bạn đua đòi, nhưng có đi học cùng Hạnh vài buổi mới hiểu hết. Từ nhà đến trường hơn 10 cây số, điều kiện gia đình cũng không khá giả nên bạn không thể thuê nhà ở trọ. Tính ra mỗi ngày Hạnh đạp xe hơn 20km để đi học (chưa kể học thêm). Mùa mưa đi học, trời rất nhanh tối, chỉ chừng 5h chiều là trời đã bắt đầu nhá nhem.
Hạnh kể: “Nhiều lúc đạp xe qua quãng đường vắng, vừa đi vừa run. Hôm nào phải đi học thêm là lo sợ lắm. Có hôm cả nhà lo đứng lo ngồi vì xe tớ bị thủng săm, trời tối lại không tìm ra chỗ vá nên đành dắt bộ 2 tiếng đồng hồ mới về tới nhà. Sau hôm đó thì nghỉ học luôn mấy ngày vì cảm lạnh”. Cô bạn vui vẻ: “Kể từ ngày có điện thoại, hôm nào học trễ quá, mình gọi điện cho bố lên đón một đoạn, đi học cũng khỏe hơn vì đỡ nơm nớp lo đoạn đường về”.
Nhà cách trường chưa đầy 3km nhưng trường hợp của H. Mai (THPT T. La) cũng cực chẳng kém. Năm nay học 12, năm cuối cấp Mai phải đi học thêm nhiều mà phần lớn lại vào buổi tối. Có hôm đạp xe về nhà, cô bạn suýt ngất khi thấy một hình người treo lủng lẳng trên barie chắn đường.
Thế là Mai đành quay ngược trở lại, đi vòng qua ngõ khác xa gấp 3, 4 lần. Hôm sau cô bạn mới vỡ lẽ đó là hình nộm rơm của đám trai làng vô công rỗi nghề, treo lên chỉ với mỗi mục đích là hù dọa người đi đường. Có lần Mai còn bị bọn chúng hù dọa, làm té nhào xuống ruộng, ướt hết cả sách vở và quần áo. Xót con, bố mẹ Mai bàn nhau mua cho con gái chiếc di động. Tan ca học, Mai nhá máy về nhà và bố bạn lên đầu làng đón con. “Nhờ có thế này mình mới dám tiếp tục đi học thêm”.
Đến những “yêu sách” đánh lừa phụ huynh
Teen dùng di động vào những lý do chính đáng, phục vụ cho việc học hành thì không có gì đáng nói. Thế nhưng, có một số teen nông thôn, vì lý do đua đòi mà không ngại đưa ra vô số “yêu sách” đối với phụ huynh.
Nhà cách trường không xa lắm, đường đi học cũng không có gì trở ngại, thế nhưng H. Anh (THPT P.V.Đ) vẫn một hai đòi bố mẹ sắm điện thoại. Lý do anh chàng đưa ra nghe cực bùi tai: “Bạn con ở trển (thị xã) gần hết lớp dùng di động, bài vở nhiều chỗ con không hiểu thì nhắn tin nhờ chúng nó chỉ hộ với chứ. Rồi thầy chủ nhiệm cũng hay gọi con có việc”.
Liên quan đến chuyện học hành của con nên bố anh chàng sốt sắng gom tiền cho “quý tử” tậu dế ngay. Thế nhưng khi bố mua cho Nokia 1200, H.Anh nhất quyết không chịu dùng mà đòi bằng được “con mô-bai có chụp hình, quay phim, nghe nhạc”. Bố mẹ chàng lại được một phen tất tả lặn lội lên thị xã đổi điện thoại để con trai sớm có “phương tiện học hành”.
M.Tuân, bạn của H.Anh cũng không khá hơn. Sau khi giở đủ ngón “yêu sách” vẫn không được bố mẹ cho tiền mua di động, anh chàng dọa...nghỉ học. Nói là làm, ba bốn hôm liền Tuân nằm khòeo ở nhà, chỉ chịu nhúc nhích khi đến giờ cơm. Chỉ khổ thân mẹ anh chàng phải chạy vạy bán thóc, vay mượn thêm để cho con trai có được “cục oai” mang vào lớp khoe với bạn.
Đòi mua di động để “tiện cho việc học”, nhưng chả khi nào thấy H.Anh và Tuân dùng điện thoại vào mục đích cao cả ấy. Chơi game, nghe nhạc và chúi mũi vào ảnh sex, phim đen là những trò giải trí mới mẻ mà hai chàng học được ở phố huyện. Tai hại hơn, những thứ văn hóa đen ấy còn được Tuân mang về “phổ biến” cho các bạn cùng làng. Dùng điện thoại thì nhiều, nhưng tiền bố mẹ cho có hạn, chẳng mấy chốc tài khoản điện thoại của hai chàng cạn kiệt. Tiền đóng học phí bố mẹ cho cũng được Tuân nhanh chóng trút vào những trò đỏ đen trên mạng di động.
Vào những quán café nhỏ ở nông thôn, không khó để tìm một nhóm teen cầm trên tay những chiếc di động xịn bấm lia bấm lịa. Thế nhưng, biết có được mấy teen sử dụng đúng mục đích “học hành, liên lạc” như cam kết ban đầu với phụ huynh? Chưa kể nhiều lúc hết tiền nạp card, có teen còn lén xúc trộm thóc, vặt buồng chuối...để “nuôi dế”.
Theo Mực Tím