Cuốn Teen ơi, làm bạn nhé là những suy ngẫm của TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong quá trình nuôi dạy con.
Bằng kinh nghiệm của bà mẹ và là người tiếp xúc nhiều tâm lý trẻ em, tác giả đưa ra những vấn đề và giải pháp liên quan đến việc dạy con, đặc biệt với trẻ vị thành niên.
Được sự đồng ý của TS Vũ Thu Hương, Zing xin trích đăng một phần cuốn sách.
Tôi sẽ phân tích tại sao trẻ không thích cha mẹ giảng bài, tại sao đôi khi chúng nhờ giảng nhưng không tập trung nghe, tại sao chúng không thích làm thêm bài tập do cha mẹ giao cho, và tại sao tôi không bao giờ giảng bài cho con.
Tôi sẽ đứng ở vị trí của đứa trẻ để phân tích nhé.
Trẻ cảm thấy bố mẹ giảng bài là can thiệp vào việc riêng của mình nên không thích. Ảnh: NPR. |
Trẻ không thích bị can thiệp
Việc học ở lớp là việc riêng tư của trẻ, trong thế giới riêng của chúng. Đã là việc riêng, chẳng ai thích người ngoài can thiệp vào.
Tôi lấy ví dụ bây giờ bố mẹ đã đi làm ở cơ quan, khi về nhà, ông bà (bố mẹ của chúng ta) lại cứ hỏi han và phán quyết công việc, các vị có bực không?
Ví như sao con không nói câu này, sao con không làm thế kia. Thậm chí, nếu ông bà nào gấu một chút, gọi điện can thiệp thẳng vào sếp của các cha mẹ, mọi người sẽ có cảm nghĩ thế nào? (Vụ này không phải là không xảy ra đâu nhé).
Khi bị can thiệp, mình cáu điên cuồng thế nào thì bọn trẻ bị can thiệp, chúng cũng bực bội như vậy.
Cha mẹ đã học khá lâu với lượng kiến thức tổng hợp, trẻ thì chưa, chúng đang dò dẫm từng bước.
Vì thế, khi chúng ta sử dụng hàm số với đặt x cho một bài toán tổng tỷ hoặc hiệu tỷ thì bọn trẻ lại đang loay hoay với việc vẽ sơ đồ.
Ta nghĩ rằng đặt x dễ hiểu thế mà bọn trẻ lại không hiểu được thật là dốt mà quên mất rằng bọn trẻ chưa bao giờ làm quen khái niệm hàm số thì thật khó để có thể hiểu được chứ không phải là thấy dễ với cách giải của chúng ta.
Mỗi phần học trong từng lớp được các chuyên gia giáo dục khắp nơi nghiên cứu và viết ra đều phù hợp từng lứa tuổi. Đôi khi bố mẹ không biết chính điều đó sẽ làm khó con trong việc học tập chứ không phải là giúp con đâu.
Phụ huynh không nắm bắt được tâm lý trẻ nên khó dạy học cho con. Ảnh: ThinkstockPhotos. |
Cha mẹ khác giáo viên
Giáo viên được học khá nhiều và làm việc khá nhiều với trẻ nên nắm bắt được tâm lý trẻ. Phụ huynh lại không hề biết nên đôi khi làm việc với trẻ không hiệu quả.
Một giáo viên chỉ cần dơ tay lên làm một động tác nhỏ, tự dưng cả lớp lắng nghe và làm theo. Nhưng cha mẹ khản cổ mà con không nghe cũng từ nguyên nhân này.
Vì thế, nhiều cha mẹ đã thắc mắc là tại sao các cô chịu đựng được cả 50-60 cháu trong khi họ không thể điều khiển nổi dù chỉ 1, 2 đứa trẻ.
Khi cha mẹ giảng bài khác với cô giáo, con như đứng giữa ngã ba đường, không biết nên làm theo cách nào.
Vì thế, con thường tỏ thái độ hoài nghi cha mẹ hoặc đôi khi không nghe cô, phá phách trong giờ vì nghĩ cô sai, bố mẹ đúng. Hậu quả này chính là điều cần tránh để trẻ tập trung học và tôn trọng giáo viên.
Việc bố mẹ giảng bài khi trẻ đã quá mệt với việc học ở trường thường gây tác dụng ngược. Ảnh: Healthline. |
Trẻ đã mệt
Trẻ có bài về nhà mà đã quá mệt mỏi với 8 tiếng ngồi trên lớp. Vì thế, đôi khi chúng không muốn làm bài nữa, chúng kêu khó và đợi bố mẹ giảng giúp.
Thời gian bố mẹ giảng, con chẳng cần nghĩ ngợi gì, để đầu óc nghỉ ngơi, thả hồn đi chỗ khác cho đỡ mệt.
Chúng nghĩ mọi việc đã có bố mẹ chung tay giúp sức rồi, cứ để bố mẹ tiếp tục giảng, mình nghỉ ngơi đầu óc một chút. Đây chính là lý do lớn nhất của việc bọn trẻ nhờ giảng bài nhưng giảng xong hỏi lại thấy chúng chẳng hiểu gì.
Trẻ đi học đã mệt, về nhà có bài tập làm thêm càng mệt nữa. Làm xong bài trên lớp, trẻ mong được nghỉ ngơi, buông thả đầu óc cho thư giãn.
Chính vì thế, khi cha mẹ giao thêm bài, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng và chán chường. Chúng cảm thấy việc học đó dường như không bao giờ chấm dứt. Chúng cảm thấy áp lực của học hành, của bài tập quá lớn.
Vì thế, trẻ sẽ tỏ thái độ bực bội vô cùng dù lượng bài tập đó theo cha mẹ là không nhiều. (Với trẻ, viết thêm một chữ so với yêu cầu của cô giáo đã là nhiều quá sức tưởng tượng). Đây cũng là lý do để trẻ nhanh chóng chán ghét việc học.
Tôi luôn nói, tôi không bao giờ giảng bài cho con mặc dù là giảng viên đại học và đủ trình giảng cho con kha khá. Điều đó thực ra là tôi thể hiện sự tôn trọng của mình với việc học của con, tôn trọng công việc của con ở lớp, tôn trọng thế giới riêng tư của con.
Chính vì điều này, con gái tôi đã thực sự có một tuổi thơ hạnh phúc (đúng lời của nó). Và với tôi, thế là đủ.
Bài này tôi chỉ giải thích do tâm lý liên quan đến những ức chế đến từ việc giảng bài cho con. Quyết định thế nào là của các cha mẹ nhé. Tôi không khuyên nhủ gì đâu.