Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Teen tút tát đến trường như đi dự hội hóa trang

Cộng thêm vài tuổi đã trở thành sở thích của nhiều nữ sinh, không chỉ lúc đi chơi mà cả khi đến trường. Ngày càng có nhiều nữ sinh đi học như… dự hội hóa trang.

Lạm dụng làm đẹp

Suốt ngày ngắm ảnh thần tượng, các cô mới lớn ao ước mình có được làn da mịn màng không tì vết, môi trái tim đỏ mọng, mắt to tròn long lanh, sống mũi dọc dừa, mi cong vun vút. Chỉ cần 5 phút đứng trước cổng trường giờ tan học, dễ dàng thấy thấp thoáng hình ảnh của các sao nữ Hàn Quốc trong bóng dáng nữ sinh cấp 3 Việt Nam.

Tóc nối xoăn thành từng lọn to buông ngang ngực, các cô gái cũng không ngần ngại “phô” những đôi môi hồng đào và cặp mắt đeo “len” giãn tròng.

 

Ảnh minh họa.

Diệu Ngọc - 15 tuổi, học sinh cấp II tại Hà Nội, dù ngồi trong lớp, nhưng thỉnh thoảng cô gái lại lôi gương ra ngắm, thoa lại tí phấn hồng, đánh lại chút son môi, tự nhiên như thể đang ở nhà sửa soạn đi dạ tiệc. Đi học thể dục có thể sẽ phải vận động ra nhiều mồ hôi, Ngọc sắm mascara không trôi, không lem để … luôn “nổi bật” đến phút tan trường.

Dù có khuôn mặt rất đáng yêu nhưng Bảo Linh (17 tuổi, THPT Cầu Giấy) không hài lòng với đôi mắt một mí của mình. Chỉ sau khi đến thẩm mỹ viện “biến hóa” thành hai mí nhờ công nghệ bấm mí mắt đang thịnh hành, Bảo Linh mới cảm thấy tự tin và tiếp tục làm đẹp bằng bộ phấn mắt đủ màu.

Và những hệ lụy...

Là con gái ai cũng muốn có được khuôn mặt xinh đẹp và cuốn hút. Trang điểm là một trong những cách che khuyết điểm và khiến bản thân mình nổi bật. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách biến hóa với những cây chì kẻ mày và hộp phấn hồng trong tay.

Việt Anh (17 tuổi, THPT Cầu Giấy) chia sẻ: “Mình thích các bạn gái mặt mộc, có thể đôi khi tô một chút son môi cho tươi tắn. Ở lớp mình có bạn gái ngày nào đi học cũng như đi "diễn tuồng", lông mày kẻ to đậm, lại còn gắn lông mi giả trông rất dữ tợn. Bạn ấy luôn nghĩ mình đẹp nhưng đến 80% con trai trong lớp luôn lắc đầu mỗi khi bạn ấy đi qua”.

Trừ một số trường hợp được bố mẹ chiều chuộng, không quản lý chi tiêu, đa số nữ sinh không có tiền mua sắm đồ trang điểm, vì thế họ tìm đủ cách để có thể thỏa mãn sở thích của mình, bằng cách xin thêm tiền học phí, tiền quỹ lớp, tiền sinh hoạt ngoại khóa... Nhưng số tiền đó cũng chưa đủ để mua được sản phẩm chất lượng. Nữ sinh thiếu kiến thức về chăm sóc da, bảo vệ mắt, sốt ruột muốn làm đẹp được như bạn bè, từ đó cũng tự rước họa vào thân. Vì thế các cô gái này là “khách hàng tiềm năng” của những sản phẩm trôi nổi trên thị trường.

Thỏi son có giá vài chục ngàn được rao bán tích cực trên mạng, “không lem, không trôi” và thu hút các bạn gái trẻ. Một cặp “len” màu xám khói sẽ khiến nữ sinh trông cuốn hút bởi vẻ đẹp rất “Tây” nhưng là hàng nhái không được kiểm định chất lượng, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Trước khi đi học các bạn nữ sinh dành hàng tiếng đồng hồ ngồi trước bàn trang điểm, vào lớp bận ngắm mình trong gương, chỉ chú trọng và đánh giá người khác qua hình thức…Thời gian dành cho việc học của nhiều nữ sinh vì thế ngày càng rút ngắn.

Theo các chuyên gia tâm lý, ở độ tuổi này các bạn trẻ thường chưa định hình nhận thức thế nào là vẻ đẹp thực sự, riêng biệt cho mình. Họ chỉ muốn được đánh giá là nổi trội. “Chữa trị” căn bệnh đánh giá vẻ đẹp qua hình thức cần rất sự chăm lo, chỉ bảo, uốn nắn nghiêm khắc của từng gia đình và nhà trường...

http://tuoitrethudo.vn/nhip-song-tre/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/%E2%80%9Cnhung-vai-tuong%E2%80%9D-o-lop-hoc-10111-109.html

Theo Thùy Linh/Báo Tuổi trẻ Thủ đô

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm