Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Teen Việt và những căn bệnh xấu xí

Đi làm về mệt mỏi, chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) càng buồn hơn khi thấy nhà cửa bề bộn, bát đĩa bẩn chất đầy trong chậu. Thế nhưng cô con gái rượu 16 tuổi không quan tâm.

Xe mẹ, mẹ dắt

Đây không phải lần đầu, chị Hoa nhắc con gái nên quan tâm đến gia đình, hỏi thăm, giúp đỡ bố mẹ khi đi làm về, dành thời gian trò chuyện với những người thân trong gia đình nhưng "tất cả chỉ là mong ước xa vời, vì con gái đến tuổi này vẫn còn cơm dâng nước rót, chỉ thích một mình trong phòng riêng, chat chít với bạn bè hơn là gặp bố mẹ" - chị Hoa lắc đầu ngao ngán nói.

Sự vô cảm của giới trẻ. Ảnh: Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.
Sự vô cảm của giới trẻ. Ảnh: Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

Chị Nguyễn Ngọc Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đau khổ tâm sự: "Con mình 16 tuổi, cao to khoẻ mạnh, đẹp trai, nhiều cô dòm ngó, vậy mà cư xử rất lơ ngơ, vô tình làm mình buồn lắm. Mình đi làm về mệt đứt hơi, nhờ con dắt xe lên thềm, nhưng cu cậu lủi mất. Một lần đẩy xe trượt chân, mẹ và xe bay luôn xuống dốc, bực quá mình mắng "con thiếu ý thức tự giác và vô tâm với mẹ quá". Con phang ngang một câu: “Xe mẹ mẹ dắt, đừng làm phiền con"".

Không chỉ vô tâm với người thân trong gia đình, nhiều bạn trẻ sống vô cảm với bạn bè, không quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn, dửng dưng trước những nỗi đau của bạn. Ngay cả trong lớp học, các bạn cũng ít khi biết về hoàn cảnh gia đình của nhau để cảm thông chia sẻ.

Thanh Huyền (17 tuổi) mồ côi bố từ nhỏ, một mình mẹ bươn trải nuôi cô ăn học nên việc đóng đủ các khoản tiền ở trường đã là quá sức với mẹ.

"Ngoài tiền quỹ lớp còn quỹ đi chơi, quỹ này quỹ nọ chẳng có tiền mà đóng nên mình ít tham gia các hoạt động của lớp. Vì thế các bạn cho mình là đứa ích kỉ, sống xa rời tập thể, nhưng có ai biết đâu" - Huyền ngậm ngùi.

Lan và Linh là hai sinh viên đi học xa và ở chung nhà với nhau tại Hà Nội. Linh ốm, cả ngày không ăn, không uống, vậy mà Lan vẫn hồn nhiên đi chơi cùng bạn trai đến tối mịt. Đã thế, khi về, thấy nhà lạnh tanh, cơm chưa nấu, Lan còn tỏ ra khó chịu, vùng vằng quát mắng bạn: “Sao nhà cửa bẩn thỉu thế này?”

Cô đơn vì vô cảm

Vô cảm với gia đình, không quan tâm, lo lắng, chỉ nghĩ đến bản thân đã trở thành thói quen không tốt của rất nhiều teen hiện nay. Teen sống trong cái vỏ bọc của một gia đình sung túc, giàu có và quên đi những giá trị truyền thống, sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên trong một gia đình với nhau, để rồi không còn biết cách sống tình cảm với chính những người thân trong gia đình mình.

Chính vì vậy, con gái chị Hoa lúc nào cũng cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình mình. Cô không thích nói chuyện, chia sẻ, tâm sự với người thân, bạn bè... nên khi gặp bế tắc cô luôn phải chống chọi một mình. Vì thế, cô bé có hành động, suy nghĩ lệch lạc.

Sống vô cảm nên Lan không bao giờ có được những người bạn thân thiết. Ở chung được vài tháng, vì không chịu được cái tính vô cảm của Lan, Linh đã chủ động chuyển đi nơi khác.

Theo chuyên gia tâm lý, hiện nay không chỉ giới trẻ vô cảm với những điều diễn ra xung quanh, mà số người mắc bệnh vô cảm ở mọi giới tăng cao so với 50 năm trước đây. Chỉ có điều khác là ở giới trẻ bệnh vô cảm bộc lộ một cách hiển nhiên, không che đậy.

Nguyên nhân sâu xa của căn bệnh vô cảm ở người trẻ bắt nguồn từ sức cám dỗ của cá nhân, sự ích kỷ rất lớn, cộng với sự quản lý lỏng lẻo của cha mẹ và nhu cầu tự khẳng định bản thân... Vì vậy, ngay từ nhỏ cha mẹ đã phải dạy con biết quan tâm chia sẻ và phải sống tốt để làm gương cho con.

http://tuoitrethudo.vn/nhip-song-tre/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/teen-viet-va-nhung-%E2%80%9Ccan-benh%E2%80%9D-xau-xi-bai-1--11567-109.html

Theo Nguyễn Dũng/Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Bạn có thể quan tâm