Hồi đầu tuần, nhà phát hành Warner Bros. thông báo Tenet thu 20,2 triệu USD sau ba ngày đầu khởi chiếu tại gần 2.000 rạp khu vực Bắc Mỹ. Thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới rục rịch tái xuất khi 70% chuỗi cụm rạp bắt đầu đón khách trở lại nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch như việc không được bán hết số ghế ngồi trong phòng.
Con số được coi là có thể chấp nhận giữa bối cảnh hai thị trường điện ảnh quan trọng nhất khu vực là Los Angeles và New York vẫn “đóng băng”. Nhà phát hành và giới quan sát chia sẻ quan điểm quá trình phát hành Tenet là cuộc chơi dài hơi. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như thế.
Tối 11/9, Warner Bros. ra thông báo hoãn chiếu Wonder Woman 1984. Thay vì thời điểm 2/10, bom tấn siêu anh hùng có Gal Gadot đóng chính hẹn gặp khán giả từ 25/12. Theo đó, dự án hoài bão Dune của họ cũng sẽ sớm lui lịch từ dịp Giáng Sinh năm nay sang 2021.
Tenet là dự án bom tấn Hollywood đầu tiên ra rạp sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ hồi tháng 3. Ảnh: Warner Bros. |
Có thật là thị trường Bắc Mỹ sẽ sớm hồi phục?
Tenet khởi chiếu tại nhiều nơi trên thế giới từ cuối tháng 8, rồi sau đó mới ra mắt khán giả Bắc Mỹ từ 4/9. Ban đầu, nhiều chủ rạp kỳ vọng bộ phim của Christopher Nolan sẽ thổi luồng gió tích cực tới thị trường, giúp Warner Bros. giữ lịch Wonder Woman 1984 và các nhà phát hành khác bớt lo lắng.
Song, hôm 9/9, Indiewire đem tới thông tin “sét đánh ngang tai”. Con số thực tế mà Tenet thu được sau ba ngày đầu trình chiếu tại riêng nước Mỹ có thể chỉ là 10 triệu USD.
Trang này nhận định Warner Bros. tung thông tin Tenet thu 20,2 triệu USD tại Bắc Mỹ sau ba ngày, nhưng không phân tích cụ thể. Con số thực tế bao gồm cả ngày chiếu sớm 3/9, một số suất chiếu đặc biệt từ 30/8, và doanh thu từ 9 ngày mở màn ở Canada nhân dịp nghỉ Ngày Lao động (Labor Day).
Warner Bros. không đưa ra bình luận trước thông tin doanh thu trong ba ngày khởi chiếu tại Mỹ của Tenet chỉ là 10 triệu USD. Ảnh: Warner Bros. |
Nguồn tin của Indiewire cho biết doanh thu từ Canada rơi vào khoảng 5,1 triệu USD. Tổng doanh thu bộ phim tại Mỹ trước ngày 4/9 là 5 triệu USD. Như thế, thành tích thực tế trong khoảng 4-6/9 của Tenet ở xứ sở cờ hoa chỉ là hơn 10 triệu USD.
Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, dựa theo phản ứng trên mạng xã hội trước các trailer, giới quan sát dự đoán dự án có kinh phí sản xuất 200 triệu USD của Christopher Nolan có thể thu 75 triệu USD sau ba ngày đầu trình chiếu tại Bắc Mỹ.
Nội dung khó nắm bắt, lời thoại khó nghe, thời lượng kéo dài, nhiều yếu tố khiến Tenet không gây tiếng vang mạnh mẽ như các tác phẩm trước của nhà làm phim người Anh. Theo điều tra sau suất chiếu của Cinema Score, khán giả chỉ chấm phim điểm B - mức thấp so với sự nghiệp của Nolan.
Hãng Warner Bros. không đưa ra bình luận chính thức trước bài đăng của Indiewire. Hồi giữa tuần, họ tung ra trailer đầu tiên của Dune mà không ghi ngày khởi chiếu, dù trước đó không hề thông báo hoãn chiếu bom tấn dự kiến ra rạp mùa Giáng Sinh. Và đến tối 11/9, quyết định hoãn chiếu Wonder Woman 1984 tới 25/12 được hãng công bố.
Phép thử không như mong đợi
Trước tiên, cần phải khen ngợi sự dũng cảm của Warner Bros. và đạo diễn Christopher Nolan khi họ vẫn quyết tung ra Tenet giữa bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, ngay cả khi không có dịch Covid-19, đây vẫn là một canh bạc khó lường đối với nhà phát hành.
Để hòa vốn, Tenet cần thu khoảng 700 triệu USD toàn cầu. Hai phim gần nhất của Nolan, Interstellar (2014) và Dunkirk (2017), mang về lần lượt 693,4 triệu USD và 526,9 triệu USD. Giới quan sát nhận định doanh thu Tenet sẽ không giảm quá sâu trong cuối tuần này tại Bắc Mỹ, và phim dự kiến cán mốc 200 triệu USD toàn cầu trong ngày 12 hoặc 13/9.
Bom tấn Wonder Woman 1984 mới dời lịch xuống 25/12. Ảnh: Warner Bros. |
Trong cái rủi có cái may, thời gian tới, Tenet không có đối thủ lớn cạnh tranh nơi phòng vé. Wonder Woman 1984 lùi lịch xuống dịp Giáng Sinh, còn nguồn tin của tạp chí Forbes cho biết Disney đang cân nhắc hoãn chiếu Black Widow - bom tấn siêu anh hùng dự kiến ra rạp đầu tháng 11.
Hiện chỉ có Universal quyết giữ lịch 007: No Time to Die vào trung tuần tháng 11. Hãng có lý do để làm vậy bởi trong 881 triệu USD doanh thu toàn cầu của tập gần nhất Spectre (2015), tới 681 triệu USD đến từ bên ngoài Bắc Mỹ. Lúc này, phòng vé Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục khi phim chiến tranh nội The Eight Hundred đã thu khoảng 370 triệu USD kể từ khi ra rạp hôm 21/8.
Song, sau tất cả, phép thử mà Warner Bros. dành cho Tenet nhiều khả năng khiến toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh chùn bước. Mùa hè 2014, Transformers: Age of Extinction của Paramount “chỉ” thu hơn 1,1 tỷ USD mà vẫn dẫn đầu danh sách phim ăn khách nhất năm.
Đó là mùa phim hè kỳ lạ khi lần lượt Fast & Furious 7, The Good Dinosaur và Fifty Shades of Grey “rủ nhau” dời lịch sang 2015. Phòng vé chỉ may mắn được giải cứu vào tháng 8 nhờ Guardians of the Galaxy (2014) và phần nào đó là Teenage Mutant Ninja Turtles (2014).
Với Black Widow, Disney nhiều khả năng không giữ thời điểm đầu tháng 11 cho bộ phim. Ảnh: Disney. |
Nhưng cuộc khủng hoảng năm 2020 do dịch Covid-19 gây ra thì kinh khủng hơn rất nhiều và dồn nén tất cả cho Tenet là một sự bất công đối với bom tấn của Christopher Nolan. Dịch bệnh hiện vẫn là gánh nặng đối với xã hội nước Mỹ, trong khi nhiều chuỗi cụm rạp trên thế giới đã mở cửa trở lại và đang rất “khát” phim bom tấn.
Hollywood rơi vào thế bí và cần một phép thử với Tenet (và cả Mulan), để rồi chứng kiến mọi chuyện diễn ra không như ý muốn. Nhìn vào tốc độ kiếm tiền của bộ phim, có lẽ không ai muốn tung ra một dự án có kinh phí sản xuất 150-200 triệu USD vào tháng 10, hay thậm chí là hai tháng cuối năm nếu tình hình dịch bệnh tại Mỹ không có thêm diễn biến tích cực.
Mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn nếu doanh thu Tenet giảm sâu trong tuần thứ hai trình chiếu tại Bắc Mỹ. Không chỉ Warner Bros., các nhà phát hành khác hẳn tiếp tục đẩy lịch chiếu phim dịp cuối năm sang 2021.
Như thế, chính Tenet rốt cuộc sẽ trở thành đối tượng cần được giải cứu, chứ bom tấn không thể giải cứu Hollywood như hy vọng có phần hão huyền lúc ban đầu.