Quách Phú Thành (vai Tôn Ngộ Không), Tiểu Thẩm Dương (vai Bát Giới) và La Trọng Khiêm (vai Sa Tăng). |
Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh do Trịnh Bảo Thoại làm đạo diễn, được bảo chứng doanh thu phòng vé bởi dàn sao Quách Phú Thành (vai Tôn Ngộ Không), Củng Lợi (vai Bạch Cốt Tinh), Phùng Thiệu Phong (vai Đường Tăng), Tiểu Thẩm Dương (vai Bát Giới), La Trọng Khiêm (vai Sa Tăng), Trần Tuệ Lâm (vai Quan Âm)…
So với các phiên bản trước, tính cách nhân vật trong Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh đều được “lột xác” hoàn toàn mới. Tôn Ngộ Không do Quách Phú Thành thể hiện có tính cách phức tạp, thế giới nội tâm được khắc họa một cách sâu sắc hơn.
Tuyến vai Bạch Cốt Tinh do Củng Lợi đóng là một “Yêu hậu” nghìn năm, có tạo hình lộng lẫy, quý phái, hoàn toàn khác với hình ảnh một yêu tinh bé nhỏ ở vùng núi hẻo lánh như các phiên bản trước.
Củng Lợi vai Bạch Cốt tinh gian xảo, mưu mô. |
"Sao thần tượng" Phùng Thiệu Phong có ngoại hình thư sinh, được giao thể hiện vai Đường Tăng hiền từ nhưng không nhu nhược, tính cách nhân vật tinh tế, trưởng thành, đa sắc màu hơn so với các phiên bản trước.
Vai Trư Bát Giới được giao cho danh hài Tiểu Thẩm Dương đóng, tính cách khoe khoang và háo sắc của nhân vật đã được anh khắc họa một cách sinh động, và đây cũng là tuyến vai mang đến nhiều tiếng cười nhất.
Trong số bốn thầy trò Đường Tăng, nhân vật Sa Tăng thường ít được chú ý nhất nhưng lần này vai Sa Tăng thu hút nhãn quang của khán giả bởi vẻ điển trai của La Trọng Khiêm, nhờ thế mà anh được bình chọn là “Sa Tăng điển trai nhất trên màn bạc”.
Trong nguyên tác, Bạch Cốt Tinh là yêu tinh đầu tiên mà bốn thầy trò Đường Tăng “đụng độ”, khiến lòng tin và tình cảm thầy trò giữa họ gặp phải sóng gió, thậm chí Tôn Ngộ Không bị Đường Tăng từ mặt.
Trong phim Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, câu chuyện vẫn bám sát nguyên tác nhưng tăng thêm kịch tính, “ba đả” (ba lần đánh) của Tôn Ngộ Không được đạo diễn Trịnh Bảo Thoại thể hiện bằng “đấu trí”, “đấu võ” và “đấu thuật” (tức kỹ xảo điện ảnh).
Phần đấu trí được các diễn viên thể hiện bằng kỹ năng diễn xuất điêu luyện, còn phần đấu võ được đạo diễn chỉ đạo võ thuật Hồng Kim Bảo dày công thiết kế với những chiêu thức bay bổng, đẹp mắt.
Làm phim Tây du ký không thể thiếu phần trình diễn của kỹ xảo điện ảnh, kỹ xảo càng dày đặc thì càng thuyết phục khán giả, Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh cũng không ngoại lệ. Được biết, kinh phí làm phim 450 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.500 tỉ đồng VN), trong đó chi phí đầu tư cho công nghệ kỹ xảo ngốn 250 triệu nhân dân tệ, chứng tỏ nhà làm phim rất xem trọng hiệu ứng kỹ xảo.
Để mang đến cho khán giả một “thế giới Tây du” hoàn toàn mới, đạo diễn Trịnh Bảo Thoại chăm chút mỗi một cảnh vật trong phim, đặc biệt là khâu tạo hình nhân vật.
Đoàn làm phim quy động nguồn nhân lực 800 người, trong đó có 150 chuyên gia hóa trang đến từ Hàn Quốc, các diễn viên đều mất 7-8 tiếng/ ngày để hóa trang, 3 tiếng cho việc tẩy trang.
Ảnh hậu Củng Lợi lần đầu tiên thử thách tạo hình dàn trải từ 16 đến 86 tuổi, khi cô xuất hiện với hình tượng bà cụ 80 mấy tuổi, mọi người đều không nhận ra cô là Củng Lợi, cứ tưởng là một diễn viên quần chúng.
Trường đoạn hoàng tráng nhất, được xử lý kỹ xảo nhiều nhất là đoạn cuối phim kéo dài 10 phút, khi Tôn Ngộ Không quyết đấu với Bạch Cốt Tinh. Binh đoàn áo giáp của Bạch Cốt Tinh xuất hiện đầy sát khí, khiến khán giả say mê theo dõi màn quyết đấu “nghẹt thở”. Đẳng cấp kỹ xảo trong đoạn này được xem là không thua kém những bộ phim bom tấn của Hollywood.
Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh có câu chuyện quen thuộc, vui nhộn, hài hước và dàn diễn viên hùng hậu giúp phim chiếm ưu thế nơi phòng vé năm mới.