Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tết chỉ một lần trong năm, thịt đắt mấy tôi cũng mua'

Thực phẩm tăng giá đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại và mùa đông kéo dài, khiến bữa cơm Tết của các gia đình Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.

Wang Chunxia, ​​một phụ nữ Trung Quốc về hưu, bắt đầu sắm sửa cho các bữa ăn ngày Tết Nguyên đán sắp tới cho gia đình 5 người của bà. Bà Wang lo lắng không biết cần chuẩn bị bao nhiêu rau, thịt cho đủ.

“Rau, thịt lợn, cá và tôm đều lên giá”, người phụ nữ sống ở thành phố Baoji (tỉnh Thiểm Tây) nói với Bloomberg.

Năm nay, bà đã chi hơn 1.000 NDT (155 USD) cho việc mua sắm Tết, gấp đôi số tiền năm ngoái và gần bằng mức lương hưu hàng tháng của bà.

thuc pham tang gia dip Tet anh 1

Giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng mạnh từ cuối năm 2019 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thực phẩm tăng giá đúng thời điểm mùa đông kéo dài lâu hơn thông thường và dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc. Sự kết hợp của những yếu tố này khiến cho bàn tiệc mừng năm mới của các gia đình trở nên đắt đỏ hơn.

Hiện các nhà chức trách yêu cầu kiểm tra tất cả mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu sau khi tìm thấy dấu vết của virus SARS-CoV-2 trên thực phẩm và bao bì. Ùn tắc ở cửa khẩu hải quan lại càng ảnh hưởng đến giá thịt lợn và cả hải sản.

Không chỉ riêng thịt, giá rau củ cũng tăng chóng mặt do thời tiết lạnh giá bất thường làm thiệt hại hoa màu tại các vùng trồng trọt chính ở phía nam Trung Quốc.

Chỉ số giá bán buôn hàng hóa nông nghiệp của Bộ Thương mại đã tăng lên mức đỉnh điểm mọi thời đại vào tháng 1, trong đó bắp cải và súp lơ có mức tăng giá lớn nhất.

thuc pham tang gia dip Tet anh 2

Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc.

Những hạn chế đi lại nhằm kiểm soát sự lây lan của virus cũng cản trở việc vận chuyển trái cây và rau củ.

Trong những tuần gần đây, một số khu vực phía bắc Trung Quốc, nơi sinh sống của hàng chục triệu người dân, phải đóng cửa sau khi nhiều ca dương tính Covid-19 xuất hiện ở tỉnh Hà Bắc.

Hầu hết tài xế xe tải vận chuyển thực phẩm từ các vùng phía nam như Hải Nam, Vân Nam, Tứ Xuyên đến thủ đô Bắc Kinh đều phải đi qua tỉnh Hà Bắc. Do đó, họ sẽ phải mất thời gian chờ xét nghiệm Covid-19 và khử trùng.

Giá ngô và đậu nành trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng mức cao nhất mọi thời đại, cao hơn cả giá nhập khẩu kỷ lục năm 2020 - khi Trung Quốc lùng sục ngô và đậu để nuôi đàn lợn khổng lồ của mình hậu dịch tả châu Phi.

thuc pham tang gia dip Tet anh 3

Một nhân viên y tế thực hiện khử trùng sau khi xuất hiện ổ dịch mới ở Thượng Hải.

Ngày 4/2, những nhà hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc kêu gọi chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa trong việc đảm bảo cung cấp đủ lương thực và ổn định giá cả. Họ cam kết sẽ “nghiêm khắc trấn áp” việc tích trữ thực phẩm bất hợp pháp và khống giá.

Dự kiến, giá thực phẩm sẽ giảm nhưng chỉ sau khi Tết Nguyên đán kết thúc. Meng Jinhui, nhà phân tích cấp cao của Shengda Futures Co., cho biết chính phủ Trung Quốc có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt là trong nửa cuối năm nhằm hạn chế đầu cơ vào thị trường nông sản.

Nhập khẩu ồ ạt, đồng thời giải phóng kho dự trữ gạo quốc gia, phục hồi ngành chăn nuôi lợn sẽ giúp thị trường hạ nhiệt.

Về phía gia đình bà Wang, người phụ nữ trung niên này quyết định không nấu các món yêu thích ngày Tết của cả nhà như thịt đông hay bò kho để đỡ được phần nào chi phí thực phẩm. Tuy nhiên, những món truyền thống cần có thì không được thiếu.

“Tết chỉ có một lần trong năm mà thôi. Đắt thế nào thì tôi cũng phải mua để chuẩn bị cho bữa cơm Tết ấm cúng của gia đình”, bà Wang chia sẻ.

Người trẻ Hà Nội bắt đầu xuống phố mua sắm Tết

“Mua sắm trong lo lắng” là tâm trạng chung của các bạn trẻ xuống phố trong những ngày gần đây. Tuy vậy, nhiều người thừa nhận không thể bỏ thú vui sắm đồ Tết.

Hồng Chang

Ảnh: Reuters, Getty

Bạn có thể quan tâm