Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết không sum vầy ở Singapore

Do lệnh giới hạn số lượng khách tới nhà, nhiều gia đình ở Singapore phải hủy những buổi gặp mặt người thân dịp Tết Nguyên đán. Một số người thậm chí không thể về quê.

Gia đình ông Alan Tan (59 tuổi) đã duy trì truyền thống mua sắm và ăn uống cùng nhau dịp Tết trong nửa thập kỷ qua, cho đến khi các quy định Covid-19 có hiệu lực, theo Today. Họ cũng phải phân chia lịch gặp mặt để giới hạn số lượng người trong cùng một căn hộ.

“Đương nhiên, tôi nhớ những dịp tụ họp gia đình thời chưa có Covid-19. Tôi và các anh chị em đều lớn tuổi rồi, ai cũng lập gia đình và có cuộc sống riêng. Nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ gác lại tất cả để sum họp với nhau”, ông nói.

Những gia đình như ông Tan đang phải tìm các cách để có thể ăn Tết cùng gia đình trong bối cảnh mỗi hộ dân ở Singapore chỉ được đón 5 vị khách tới nhà mỗi ngày, giảm so với 8 người vào năm 2021. Một số khác không thể sum họp với gia đình ở nước ngoài do đại dịch.

Tet khong sum vay o Singapore anh 1

Ông Tan đứng bếp chuẩn bị cơm cho đại gia đình suốt 25 cái Tết qua.

Tết không sum vầy

Tết Nguyên đán từng là dịp lễ lớn của gia đình ông Tan. Thông thường, khoảng một tuần trước Tết, gia đình gồm 11 thành viên của ông sẽ bắt đầu mua sắm các nguyên liệu cần thiết để chuẩn bị cho bữa tối sum họp, theo Today.

Họ bắt đầu ngày mới bằng một bữa sáng thịnh soạn ở Trung tâm Ăn uống Albert. Sau đó, cả gia đình đi chợ sắm đồ khô trước khi ghé qua khu phố Hoa mua thịt và cá.

Ông Tan, một đầu bếp về hưu, sẽ chủ trì bữa tối lớn tại căn hộ của mình, nơi ông sống cùng chị gái và người mẹ 80 tuổi. Ông sẽ tự tay chế biến 8 món ăn, bao gồm những món được coi là “phước lành” theo văn hóa Trung Quốc như cá hấp và gà luộc.

“Chúng tôi xuất thân từ gia đình không mấy khá giả. Bởi vậy, từ khi còn trẻ, chúng tôi luôn khao khát được dùng bữa tại nhà hàng. Bất cứ khi nào có cơ hội ăn ở nhà hàng, tôi sẽ cố gắng ghi nhớ món đặc biệt trong bữa đó, rồi về chế biến tương tự tại nhà”, ông Tan, người đứng bếp chuẩn bị bữa tối sum họp gia đình suốt 25 năm qua, cho biết.

Tet khong sum vay o Singapore anh 2

Gia đình ông Liang, gồm 6 thành viên, không thể đi chúc Tết năm nay do quy định giới hạn số lượng người.

Còn gia đình ông Liang Sea Fong (52 tuổi) quyết định sẽ ăn mừng Tết một cách yên ắng. Ông Liang, một giáo viên cấp 2, sinh ra ở Malaysia nhưng sống tại Singapore từ năm 10 tuổi.

Mặc dù biên giới giữa Malaysia và Singapore đã mở cửa trở lại hồi tháng 11 mà không cần cách ly, ông Liang và gia đình không thể về thăm quê ở Malaysia do tình trạng “cháy vé”.

Đồng thời, vợ chồng ông và 4 con sẽ không thể tới thăm người thân, họ hàng vì họ vượt quá quy mô nhóm cho phép. Do đó, cả nhà sẽ quây quần tại gia và ăn bữa cơm đơn giản do vợ ông chuẩn bị.

Tương tự trường hợp của ông Liang, Deng Xin Mo (31 tuổi), người Trung Quốc sống ở Singapore 8 năm, cũng không trở về quê nhà ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) để sum vầy bên gia đình dịp Tết này. Cô đã không gặp họ từ năm 2019 do hạn chế đi lại trong đại dịch.

Năm nay, cô vẫn không về vì thấy quá trình di chuyển quá phức tạp và đắt đỏ. Nếu hạ cánh ở Trung Quốc, cô sẽ phải trải qua 4 tuần cách ly, bao gồm 2 tuần tại một khách sạn với chi phí gần 1.500 USD và 2 tuần ở nhà cô.

“Tôi thấy ổn với quyết định của mình, nhưng đồng thời cảm thấy tội lỗi bởi bố mẹ cũng có tuổi rồi. Đại dịch khiến thời gian tôi dành cho bố mẹ ngắn hơn nhiều bởi con đường về nhà trở nên khó khăn hơn”, Deng, con một trong gia đình, chia sẻ.

Tet khong sum vay o Singapore anh 3

Các công nhân trang trí lên tượng thần tài đón Tết Nhâm Dần ở Singapore. Ảnh: Suhaimi Abdullah/NurPhoto.

Trong khi đó, Abigail Lim (26 tuổi) và gia đình quyết định gặp nhau qua cuộc gọi video. Đại gia đình 21 người sẽ tổ chức ăn cơm cùng một ngày nhưng tại 2 nhà riêng biệt. Họ hàng của Lim ở Trung Quốc và Australia cũng sẽ tham gia cuộc gọi.

Lim, người đang học thạc sĩ tâm lý tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore, nói rằng việc sắp xếp rất khó khăn vì họ phải tìm ra cách tốt nhất để nhiều người có thể góp mặt.

“Nhưng tôi khá hào hứng cho buổi sum họp này. Tôi thấy nó khá thú vị khi có thể hỏi thăm những người họ hàng đang ở nước ngoài. Trong lúc dùng bữa, họ có thể giới thiệu quang cảnh ở Trung Quốc và Australia luôn”, cô nói.

Lì xì ít đi vì dịch bệnh

Làn sóng Covid-19 thứ năm bùng phát khiến nhiều hoạt động mừng Tết Nguyên đán ở Hong Kong bị hạn chế, kéo theo lượng tiền lì xì giảm đi, theo SCMP.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm