Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tết là dịp đoàn viên, sao cứ hỏi bao giờ lấy chồng'

"Lương tháng bao nhiêu?", "Bao giờ lên chức?", "Có người yêu chưa?" là những câu hỏi khó đỡ mà những người trẻ thường xuyên phải đối mặt mỗi lần gặp gỡ vào dịp Tết.

Chiều 25 Tết, Thùy Dương (24 tuổi, Hải Dương) vừa về đến nhà sau khi hoàn thành sớm dự án của công ty ở Hà Nội. Thế nhưng, niềm vui khi gặp lại gia đình không kéo dài được bao lâu.

“Dương về đấy rồi à. Đợt này về chắc mang về cho cha mẹ nhiều tiền tiêu Tết lắm đúng không”, bác hàng xóm lâu ngày mới gặp nhưng vừa chạm mặt đã khiến Dương thấy ngán ngẩm.

“Dạ cháu mới đi làm mà, tiền bạc chẳng có gì đâu bác, chỉ có thân cháu về được nhà đây là mừng rồi”, cô trả lời.

“Ơ bác tưởng thưởng Tết phải nhiều lắm chứ, thằng Hải nhà bác đợt này được thưởng cả mấy chục triệu, nó còn bảo đổi xe máy cho bác kia kìa. Cháu ngày xưa học còn giỏi hơn nó, có lẽ nào, có gì đâu mà phải giấu”, vị hàng xóm vẫn cố đưa đẩy câu chuyện dù trên gương mặt Dương nụ cười gượng hẳn đi và vẻ mặt cô thoáng có sự khó chịu.

Cô chỉ biết nhẹ nhàng đáp “Đâu, cháu có sao nói vậy” rồi xin phép đi vào phòng cất đồ, thay quần áo.

Tet hoi bao gio cuoi anh 1

Tết là dịp người trẻ phải đối mặt với không ít câu hỏi khó nhằn về lương thưởng, chuyện yêu đương.

Vừa bước ra, bác hàng xóm lại hỏi ngay sang chuyện đã có người yêu chưa. “Hải nhà bác Tết này đưa bạn gái về ra mắt, con bé người Hà Nội, xinh đáo để, làm cùng công ty”, vị khách nhấp miệng ngụm chè xanh rồi nhìn Dương, mong chờ câu trả lời.

“Cháu chưa có bạn trai, cũng đang muốn tập trung vào công việc”, cô nhoẻn miệng cười.

“Ối dào, lại ế rồi chứ gì? Con gái sự nghiệp vừa thôi cháu, lo chồng con sớm đi, ít nữa không có ai mới kêu khổ thì muộn mất. Bọn trẻ chúng mày bây giờ đứa nào cũng bảo sự nghiệp này, thăng tiến kia nhưng mà nghe bác đi, quan trọng nhất vẫn cứ phải là chồng con cháu ạ”. Câu nói của bác hàng xóm khiến Dương không nhẫn nại được hơn nữa. Cô quay bước vào phòng, không muốn đôi co vì sợ bị nói “hỗn hào”, “ta đây tỏ vẻ thanh cao”.

“Dù biết đó là mấy câu mà người lớn nào cũng hỏi, cũng nói, không ác ý gì nhưng thực sự đến lúc phải nghe và tìm cách đối đáp khiến mình không thể nào không khó chịu cho được. Nhiều khi người ta hỏi vậy nhưng có muốn lắng nghe đâu, họ cứ tin thứ họ muốn tin”, Dương nói với Zing.vn.

"Lương tháng bao nhiêu?", "Bao giờ lên chức?", "Có người yêu chưa?" là những câu hỏi khó đỡ mà những người trẻ như Dương thường xuyên phải đối mặt mỗi lần gặp gỡ vào dịp Tết.

Tuy nhiên với số đông thanh niên, mong muốn lớn nhất là tránh được những câu hỏi xã giao như vậy. Bởi mỗi người có một hoàn cảnh, quan điểm sống khác nhau và tiền bạc, tình cảm là chuyện tế nhị, riêng tư, không phải ai cũng thoải mái để đề cập hay chia sẻ.

"Có giải thích mọi người cũng không tha"

Làm việc ở TP.HCM, Nguyễn Dũng (32 tuổi) mỗi năm chỉ về quê một lần vào dịp Tết. Song mỗi lần về, anh lại mệt mỏi khi biết chắc hễ chạm mặt ai cũng sẽ bị hỏi “Bạn gái đâu?”, “Bao giờ cưới?”.

“Người nhà mình không giục nhưng chính người ngoài lại hay nóng ruột thay. Những người ở quê thường vậy, họ không biết nhiều về cuộc sống của mình, cũng không liên lạc thường xuyên, thành ra gặp mặt đầu xuân biết hỏi gì ngoài chuyện vợ con, bạn gái. Mình hiểu được nhưng thực lòng cũng ngán ngẩm”, Dũng bày tỏ.

Là con trai cả trong gia đình, các em trai, em gái đều đã yên bề gia thất, Dũng tự cho mình quyền không cần vội vàng vì cha mẹ cũng có cháu nội, cháu ngoại đủ đầy.

Tính cách thích rong chơi, Dũng vẫn chưa tìm được cô gái mình muốn gắn bó cả đời.

“Chắc cả chục năm nay, lần nào về quê cũng bị hỏi chuyện bạn gái. Tuổi mình càng lớn, cảm xúc đi kèm trong câu hỏi nghe càng nặng nề. Mình thấy tự do, thoải mái, mình vẫn yêu đương người này người kia, nhưng mọi người luôn nói như thể nếu không cưới nhanh chắc mình phải cô quạnh cả đời”, anh nói.

Dũng kể mỗi dịp Tết, anh đã quá quen với kịch bản mở đầu câu chuyện bằng “Thế bao giờ cho người ta ăn cỗ?”, kết thúc bằng cái chép miệng “Cố tìm người yêu rồi sang năm về cưới nhá”.

Trước đây, anh còn cố gắng tìm cách trả lời nhưng càng lâu dần, mỗi khi có người nhắc tới vợ con, anh chỉ cười trừ rồi không nói thêm gì nữa bởi “có giải thích mọi người cũng không tha cho đâu”.

Tet hoi bao gio cuoi anh 2

Bị thúc giục chuyện lập gia đình là nỗi khổ của nhiều thanh niên mỗi dịp Tết.

“Cưới đi, hai đứa yêu nhau 5 năm rồi, con gái có thì”, “Sao yêu lâu vậy không cưới”, “Cưới đi, ít nữa nhiều tuổi khó sinh con” là những câu thúc giục mà Hoa (sinh năm 1991) phải nghe đi nghe lại mỗi lần gặp mặt họ hàng ngày Tết.

Cô và bạn trai làm việc cùng một công ty bất động sản. Anh làm mảng môi giới, cô phụ trách giấy tờ.

Mỗi năm, ngày mùng 3 Tết, anh lại đáp máy bay từ Đắk Lắk ra Hà Tĩnh thăm hỏi nhà người yêu. Đó cũng là dịp để khắp lượt họ hàng ra sức hỏi han, giục đôi trẻ cưới xin.

Vì tính tình khá bướng bỉnh nên dù cha mẹ cũng nhiều lần nhắc cưới, 9X vẫn lảng đi. Cô và bạn trai yêu đã nhiều năm nhưng cả hai đồng quan điểm đây chưa phải thời điểm thích hợp để cưới. Mặt khác, bạn trai cô cũng muốn tập trung tiền để sang năm mở công ty riêng và Hoa ủng hộ kế hoạch của anh.

"Đầu năm, cưới xin là câu hỏi mà mình không muốn phải đi giải thích với từng người một, hết lần này tới lần khác. Mình cho rằng hạnh phúc, hôn nhân là chuyện riêng của mỗi người và chỉ người trong cuộc mới hiểu, cảm nhận rõ ràng, đúng đắn nhất. Tết là dịp đoàn tụ chứ không phải ngày kết nạp thêm thành viên cho gia đình, chỉ mong mọi người đừng hỏi khó nhau", Hoa bày tỏ.

Ánh sáng, tranh Van Gogh và những ý tưởng của đường hoa Nguyễn Huệ

Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành điểm check-in quen thuộc của người dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM với ý tưởng và tạo hình được đổi mới qua từng năm.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm