Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Tết - nghỉ ngơi tái tạo hay cao điểm ‘hành xác'?

Phong tục không phải là luật pháp. Điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn nét đẹp của tập tục xưa.

Kho vi an Tet anh 1Kho vi an Tet anh 2

Phong tục không phải là luật pháp. Điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn nét đẹp của tập tục xưa.

18h ngày 20 tháng Chạp, vừa kết thúc ca làm, Nguyễn Thùy Linh, nhân viên ngân hàng ở Hà Nội tất tả hòa cùng vào dòng người ngược xuôi sắm sửa đồ đạc cho Tết. Hôm nay là ngày cô đi mua thực phẩm để chuẩn bị mâm cơm cúng Táo quân.

Trên chiếc xe máy nhỏ của cô dâu mới về nhà chồng, giò chả, bánh chưng, gạo nếp thổi xôi, bưởi Diễn, cam Canh và vô vàn những đồ ăn khác xếp chồng lên nhau. Dù đã đặt hòm hòm đồ cúng ở những nơi gia truyền có tiếng nhất Hà Nội, Linh vẫn thấp thỏm không yên tâm.

“Đây là năm đầu tiên về làm dâu nên tôi muốn chuẩn bị kỹ lưỡng nhất có thể. Chưa biết năm sau cỗ bàn thế nào, năm nay cứ phải ‘đầu xuôi đuôi lọt’ đã. Cúng ông Công ông Táo phải thật tươm tất vì đây là mâm cơm đầu tiên tôi tự tay chuẩn bị. Ăn Tết mà, phải thịnh soạn chứ”, Linh nói với Zing.vn.

Cách Hà Nội gần 3.000 cây số, tại Seoul (Hàn Quốc), một cô dâu khác trạc tuổi Linh cũng đang tất bật chuẩn bị cho Tết. Nếu như Linh muốn sắm sửa thật chỉn chu cho lần đầu đón Tết ở nhà chồng, thì với “người phụ nữ của gia đình” Kim Ji-min, chuyện mua sắm đồ ăn trữ Tết dường như đã là thói quen.

Tết phải làm cơm cúng có cả họ hàng sang ăn nên phải mua nhiều thực phẩm, trữ kín tủ lạnh. Đôi khi đồ đạc hỏng do không kịp nấu cũng thấy hơi lãng phí.

Kim Ji-min (28 tuổi, người Hàn Quốc)

Cho biết mình cũng bị thấm tư tưởng mua đồ trữ Tết từ mẹ, chị Kim (28 tuổi, nhân viên ngân hàng), chia sẻ với Zing.vn: “Mẹ tôi nói Tết phải làm cơm cúng có cả họ hàng sang ăn nên phải mua nhiều thực phẩm. Giờ đi làm dâu, cứ giáp Tết, tôi lại tất bật mua sắm thật nhiều để trữ kín tủ lạnh. Đôi khi đồ đạc hỏng do không kịp nấu cũng thấy hơi lãng phí”. Chị Kim kể mình “bù đầu" với công việc bếp núc nhất vào giao thừa và mùng 1 Tết khi mâm cơm cúng có đến 20 món và họ hàng quây quần ở nhà con cả ăn bữa đầu năm.

Tết luôn được kỳ vọng là dịp để nghỉ ngơi, tuy nhiên nhu cầu “mâm cao cỗ đầy" ở nhiều gia đình đã khiến các bà nội trợ phải mất nhiều thời gian và công sức hơn để chuẩn bị. Đồ ăn luôn “ứ hự" trong tủ lạnh và trên bàn khiến các buổi tiệc trở thành nỗi ám ảnh. Các gia đình rồng rắn “chạy marathon" đi chúc Tết lẫn nhau dẫn đến kiệt sức. Các phong bao mừng tuổi không chỉ còn là những đồng tiền lẻ, mà bị lợi dung cho những mục đích khác.

Danh sách dài những hoạt động diễn ra vào dịp Tết xuất hiện không chỉ ở Việt Nam, mà hầu hết tại các nước châu Á khác cũng có kỳ nghỉ truyền thống này. Dù một kỳ nghỉ dài vẫn luôn cần thiết để tái tạo sức lao động, câu hỏi ngày càng bức thiết đặt ra cho các quốc gia này là: Ứng xử với Tết Nguyên đán như thế nào cho văn minh, phù hợp với xã hội hiện đại?

Kho vi an Tet anh 3
Mâm cơm cúng ông Công ông Táo. Ảnh: Quỳnh Trang.

Nơi nào cũng muốn ăn ngon, cầu kỳ

Từ trước đến nay, mọi người hay hỏi nhau: “Ăn Tết có vui không”, “Ăn Tết có ngon không?”, “Ăn Tết có to không?”. Hiếm ai hỏi “Chơi Tết có vui không?”.

“Ăn” theo nghĩa đen trong dịp Tết rất được coi trọng. Tết là phải có mâm cao cỗ đầy cúng gia tiên, tiếp đón họ hàng, làng xóm. Không riêng gì Việt Nam, tư tưởng này rất phổ biến ở một số quốc gia cũng đón Tết Nguyên đán khác như Singapore, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

“Theo quan niệm ở một số nước châu Á, thức ăn mang ý nghĩa no đủ. Ở Singapore không có cụm từ ‘ăn Tết’ rõ ràng như Việt Nam, nhưng chúng tôi đều chuẩn bị thực đơn trong ngày Tết rất dài”, TS Sin Harng Luh, chuyên gia về văn hoá Châu Á của Đại học Quốc gia Singapore, nói với Zing.vn.

Kho vi an Tet anh 4
Người dân ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc tất bật chuẩn bị mâm cơm cho ngày Tết Nguyên đán. Ảnh: Reuters.

“Trước đây khi còn khó khăn, người dân Trung Quốc, Việt Nam hay Singapore đều có tư tưởng tích cóp, chỉ mong chờ đến Tết để được ăn những bữa ngon nhất. Việc ăn ngon, ăn cầu kỳ phần nào là để tự thưởng cho một năm lao động vất vả. Cỗ bàn càng đầy đủ, gia đình càng sung túc, năm mới càng may mắn”, bà Sin nhấn mạnh.

Bia, rượu và đồ uống có cần luôn nằm trong top những mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất dịp Tết ở Việt Nam. Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, dịp Tết 2017, ở cả thành thị và nông thôn, bia là mặt hàng thu hút nhiều người mua nhất.

Sang đến Tết 2018, dù tỷ lệ tăng có chững lại nhưng bia vẫn nằm trong top mặt hàng được tiêu thụ cao. Trong 6 ngày nghỉ dịp Tết 2018, bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu do tai nạn giao thông, trong đó gần 90% số ca có liên quan đến bia rượu.

Tết không phải ở góc bếp

Theo các nhà nghiên cứu, “mâm cao cỗ đầy” ngày Tết - ngoài việc gây cảm giác mất ngon, chán ngán hay thậm chí những hệ luỵ khác về sức khoẻ - còn có thể làm trầm trọng thêm một vấn đề mà xã hội văn minh nào cũng đang phải giải quyết: bất bình đẳng giới.

PGS. TS Trần Minh Tâm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, chia sẻ với với Zing.vn: Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn quan niệm phụ nữ là người giữ lửa bếp núc cho gia đình, nên công việc nấu nướng, chuẩn bị cỗ bàn đều được ngầm hiểu là trách nhiệm của họ. "Cũng như đàn ông, phụ nữ quanh năm đã vất vả làm lụng mà đến Tết lại vẫn vật vã, tất bật lo cỗ bàn, phục vụ hết hội này đến nhóm nọ chẳng phải là quá khổ sao?", chuyên gia này nói.

Dịp Tết 2018, một bài viết về chuyện ghét Tết đăng trên báo Lao Động đã gây “bão” mạng. Tác giả, một học sinh, viết: “Cứ Tết đến là mẹ em phải vất vả lo mâm cao cỗ đầy, suốt ngày nhăn nhó, mắng chồng quát con. Ngày Tết của gia đình em vì thế không còn niềm vui... Tết không cần hoàn hảo đâu mẹ ơi”.

Ăn ngon không có nghĩa là bày vẽ để tự làm khổ mình. Mâm cao cỗ đầy thì cũng chỉ nên đôi ba bữa, chứ bữa nào cũng bày biện mâm cơm thịnh soạn ăn sao cho được mà sức đâu mà chuẩn bị?

TS Sin Harng Luh, Đại học Quốc gia Singapore

Cùng chung quan điểm giải thoát phụ nữ khỏi gánh nặng bếp núc ngày Tết, bà Sin (ĐH Quốc gia Singapore) cho rằng suy cho cùng, Tết Nguyên đán, Lễ Tạ ơn hay Giáng Sinh đều là lễ hội. Và đã là “hội” thì ăn uống thịnh soạn là đương nhiên. Người Singapore dành cả buổi ninh nước dùng cho món mì trường thọ truyền thống, người Trung Quốc cầu kỳ làm vỏ bánh sủi cảo hay người Việt chuẩn bị bánh chưng, bày mâm ngũ quả.

Thế nhưng, ăn ngon không có nghĩa là bày vẽ để tự làm khổ mình. Mâm cao cỗ đầy thì cũng chỉ nên đôi ba bữa, chứ bữa nào cũng bày biện mâm cơm thịnh soạn thì sức đâu mà chuẩn bị, bà Sin phân tích

"Thức ăn thừa mứa đổ đi lại còn gây lãng phí. Nếu ngày nghỉ lễ chỉ loanh quanh với căn bếp và tạp dề thì thời gian đâu mà nghỉ ngơi, chơi Tết?", bà nói.

"Phong tục không phải luật pháp"

Dù tập tục đón Tết Nguyên đán có đa dạng theo từng quốc gia, bản chất của kỳ nghỉ này là dịp để gia đình sum vầy, thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, làng xóm. Tuy vậy, trong thời buổi như hiện nay, việc chúc Tết, thăm hỏi họ hàng có phần “công nghiệp”, bà Sin rút ra từ kinh nghiệm của bản thân.

“Tết là cuộc marathon chúc tụng họ hàng của rất nhiều gia đình ở Singapore. Do chỉ được nghỉ có 2 ngày và số lượng họ hàng đông đúc, chúng tôi thậm chí đặt chỉ tiêu phải đi chúc Tết bao nhiêu nhà. Có những người tôi chỉ gặp một lần trong năm, đó là khi đi chúc Tết”, bà Sin kể.

Mừng tuổi (lì xì) là một trong những phong tục phổ biến nhất khi đi chúc Tết ở châu Á. Vốn dĩ, tiền mừng tuổi như là “phát vốn, mở hàng”, ngụ ý số lẻ còn tiếp tục sinh sôi, nảy nở thêm, mang tính biểu trưng là phần nhiều.

Song, tiền mừng tuổi nay không còn mang số lẻ. PGS.TS Trần Minh Tâm nói: “Lì xì bố mẹ hay con trẻ là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất hiện nay. Nhiều người lớn giờ cảm thấy bị áp lực vì việc phải chuẩn bị tiền lì xì ‘sao cho vừa tầm’ cho trẻ con trong gia đình, họ hàng hay đối tác. Nói cách khác, tập tục này đang bị ‘thương mại hóa’, một số trường hợp trở thành hình thức biếu xén trá hình”.

Kho vi an Tet anh 5
Tập tục lì xì đang bị "thương mại hóa", một số trường hợp trở thành hình thức biếu xén trá hình. Ảnh: Reuters.

Và khi tập tục bị biến tướng sẽ dẫn đến hệ lụy.

Năm 2018, Trung Quốc tranh cãi dữ dội chuyện cha mẹ hay con cái sẽ là chủ nhân của tiền lì xì, khi một sinh viên kiện cha mẹ ruột để đòi lại 58.000 NDT (gần 200 triệu đồng) tiền mừng tuổi “bị" giữ trong những năm trước đây. Tòa xử sinh viên này thắng kiện và hàng tháng bố mẹ phải trả 1.500 NDT (5 triệu đồng) cho cô.

Theo phán quyết của Tòa án Tế Nam (Trung Quốc), nơi thụ lý vụ kiện, tiền lì xì hoàn toàn là thuộc sở hữu của trẻ nhỏ. Cha mẹ chỉ là người giám hộ, “giữ hộ” tiền mừng tuổi chứ không có quyền chiếm đoạt số tiền đó. Đó không phải vụ kiện duy nhất về vấn đề “chủ sở hữu” tiền mừng tuổi. Trước đó, một người đàn ông cũng kiện vợ cũ để đòi lại 560.000 NDT (2 tỷ đồng) tiền mừng tuổi của ba đứa con.

Phong tục thì không phải là luật pháp. Ứng xử với Tết như thế nào là do bản thân mỗi người tự quyết định

TS Sin Harng Luh, Đại học Quốc gia Singapore

Các chuyên gia có cùng chung nhận định: Tết truyền thống dù có giá trị văn hóa trường tồn, nhưng cũng có những điều không còn phù hợp với xã hội đương thời thì nên dần được thay thế.

“Phong tục thì không phải là luật pháp. Ứng xử với Tết như thế nào là do bản thân mỗi người tự quyết định. Hướng về tổ tiên không có nghĩa là phải ‘mâm cao cỗ đầy’. Điều chỉnh cách ứng xử với phong tục cho phù hợp không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn nét đẹp của tập tục xưa. Mùa lễ hội sẽ không còn vui vẻ nếu quá mệt mỏi, mất sức hay tốn kém”, TS Sin Harng Luh đúc kết.

Bạn trẻ ở Sài Gòn sợ làm gì dịp Tết? Nhiều bạn trẻ ngại dọn nhà, mua sắm, nấu nướng trong dịp Tết. Dù nhiều việc, các thành viên trong gia đình biết chia sẻ, giúp đỡ nhau sẽ tránh được cảnh "hành xác".

Đừng nghĩ gộp Tết thì có thể ‘văn minh’

Giải quyết được chút ít yêu cầu để “cho hợp với xu thế thời đại” nhưng lại làm mất đi những giá trị tinh thần to lớn, nó có thật sự đáng cho một cuộc đánh đổi?


Hà Phương

Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm