Không khí chuẩn bị Tết xưa có lẽ là một trong những dấu ấn khó quên nhất với nhiều thế hệ người Hà Nội từng trải qua thời kỳ bao cấp sau chiến tranh. Có thể nói những ngày chuẩn bị mua sắm cho ngày Tết mới đúng là Tết.
Đó là một thời kỳ mà nhiều người cho rằng lúc đó, dịp Tết thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn của nó với những hình ảnh, mùi vị khó quên để khi nghĩ tới, ai từng được sống qua giai đoạn khó khăn ấy cũng đều cảm thấy nao lòng. Từ chuyện đi xếp hàng mua gói hàng Tết gồm một hộp mứt mà cả năm mới nhìn thấy, hai ba bao thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên hay Thủ Đô, ít thịt lợn, vài lạng đậu xanh để gói bánh chưng. Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng.
Năm 2016 là một dấu mốc đáng nhớ khi đánh dấu chặng đường 30 năm sau thời kỳ đổi mới của đất nước. Cùng với đó là những kỷ niệm thời tem phiếu và những khốn khó đã trải qua của cuộc chuyển mình sẽ là một phần ký ức không thể quên được của nhiều thế hệ người Việt.
Nhân dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Ban Thanh thiếu niên (VTV6) Đài truyền hình Việt Nam quyết định thực hiện một chương trình đặc biệt mang tên Tết nghĩa là hy vọng. Theo đó, cùng với chương trình, khán giả sẽ thực hiện chuyến hành trình tìm lại ký ức của một giai đoạn khó quên qua câu chuyện của những nghệ sĩ nổi tiếng đã từng sống, trải nghiệm trong hành trình ấy: NTK Đức Hùng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đạo diễn Quốc Trọng, vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung – Ngọc Huyền, nhà báo Vũ Công Lập...
Dẫn dắt chương trình là MC Tạ Bích Loan một người từng có nhiều kỷ niệm khó quên về thời kỳ khó khăn ấy. Trong chương trình cũng nhiều lúc cô không kìm được cảm xúc khi nhìn thấy chính hình ảnh của mình trong câu chuyện của những vị khách mời đặc biệt.
Là một chương trình đặc biệt về dịp tết Nguyên đán nên Tết nghĩa là hy vọng được xây dựng với một kịch bản độc đáo kết hợp giữa nhiều thể loại từ talk show, truyền hình thực tế, phim truyền hình, tiểu phẩm cho tới phóng sự để tái hiện lại thời bao cấp một cách chân thực và sống động nhất.
Những mảnh ký ức của các khách mời đưa khán giả tới không khí hân hoan rộn rã ở khu tập thể với các gia đình chuẩn bị luộc bánh chưng và nấu cỗ Tết, cắm hoa trang trí, trẻ con thử áo mới, hàng xóm cắt tóc ngoài sân. Ở vòi máy nước, nhà thì rửa lá dong, nhà thì nhớn nhác vì mất sổ gạo. Những hình ảnh Tết nhất đơn sơ, tằn tiện: thức ăn đạm bạc, cái bếp nhỏ hẹp, nước ri rỉ mãi mới chảy ra một giọt... Khán giả thực sự bất ngờ trước câu chuyện của vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung – Ngọc Huyền về đêm tân hôn trong căn phòng vỏn vẹn 7m2 với... 3 cặp vợ chồng khác.
Sau tất cả, những người thực hiện chương trình muốn gửi gắm một thông điệp tới thế hệ trẻ qua những câu chuyện về tình làng nghĩa xóm, lòng nhân ái giữa con người trong những ngày tháng vấtvả khó khăn nhất mới là điều đáng để trân trọng và gìn giữ cho thế hệ sau này.
Để những cái tết đủ đầy sau 30 năm hay nhiều hơn nữa thì Tết vẫn luôn là niềm hy vọng trong mỗi chúng ta, hy vọng về một cuốc sống tốt đẹp hơn, hy vọng về tình người luôn còn mãi giữa cuộc đời bon chen, phức tạp này.