Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết xa quê của nữ du học sinh Việt ở Nhật Bản

Thay vì cùng bạn bè quây quần đón Tết như các năm trước, nữ du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tự mua giò lụa, bánh chưng, chờ khoảnh khắc giao thừa.

Chiều 30 Tết, gấp vội chiếc laptop với bài báo cáo cuối kỳ còn dang dở, Phan Thanh Huyền, du học sinh ĐH Osaka Kyoiku (Nhật Bản), tranh thủ ghé siêu thị Việt mua bánh chưng, giò lụa chuẩn bị cho đêm giao thừa.

Tết đến với Huyền cũng như những người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập ở Nhật Bản giữa bộn bề cuộc sống khi dịp này, mọi người vẫn đi học, đi làm bình thường.

Du hoc sinh Viet o Nhat Ban mua banh chung anh 1

Đêm giao thừa của Thanh Huyền cũng có bánh chưng, giò lụa, chỉ thiếu những người bạn thân thiết do không thể tụ tập trong dịch Covid-19. Ảnh: T.H.

Khi người Nhật ăn Tết dương lịch, du học sinh Việt Nam vẫn tranh thủ đi làm thêm. Rồi khi ở quê nhà, mọi người hồ hởi sắm sửa cho Tết cổ truyền, những bạn trẻ tại Nhật vẫn đi học, đi làm, thậm chí có người làm đến tận đêm muộn, làm vượt giao thừa sang đến mồng 1.

Đây là năm thứ 5 Thanh Huyền không đón Tết với người nhà. “Thú thật, em không còn nhớ rõ mùi củ hành, củ kiệu, bát thịt đông mẹ nấu hay mứt dừa em gái làm. Nhưng em vẫn trân trọng lắm những khoảnh khắc năm mới này. Đây là khoảng thời gian tôi cho phép mình gác lại mọi thứ, dành trọn tình thương, nỗi nhớ hướng về gia đình, quê hương nguồn cội”, Thanh Huyền tâm sự.

Tết năm nay còn khác hơn khi hội du học sinh, các đoàn thể không thể tổ chức đón năm mới tập trung vì dịch Covid-19. Dịch bệnh đảo lộn mọi thứ. Nhưng với Thanh Huyền, nhìn một cách tích cực, nó giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Trong một năm đầy biến động, du học sinh dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè thân thiết và chú ý chăm lo sức khỏe bản thân hơn.

Không khí Tết Nguyên đán nơi đất khách cũng rộn ràng, ấm cúng hơn. Mọi người không thể về nước đón Tết nên siêu thị Việt tấp nập, bánh chưng, giò lụa, mứt kẹo được bày bán nhiều hơn. Dù không thể so sánh với Tết ở Việt Nam, như vậy cũng đủ để du học sinh vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Sau một năm đầy biến động, đêm 30, Thanh Huyền tạm gác lại việc học tập để đón giao thừa và suy ngẫm về năm qua. Cô nhận thấy bản thân vẫn khá may mắn khi việc học tập, công việc không bị ảnh hưởng nhiều. Quan trọng hơn, gia đình, người thân và bạn bè bình an, khỏe mạnh vượt qua dịch bệnh. Và dù không thể về nhà đón Tết, những ngày cuối năm, Thanh Huyền vẫn tranh thủ cùng nhóm bạn thân du lịch khi tình hình dịch đỡ căng thẳng.

Du hoc sinh Viet o Nhat Ban mua banh chung anh 2

Thanh Huyền có thói quen du lịch cùng bạn bè dịp cuối năm. Ảnh: T.H.

Tết Tân Sửu đến mang theo hy vọng cùng động lực để Thanh Huyền cũng như những du học sinh khác vượt qua khó khăn, mất mát, tiếp tục nỗ lực vì những ước mơ, hoài bão họ mang theo khi rời quê nhà, sang nước ngoài học tập.

“Du học sinh ra nước ngoài học không chỉ học hỏi kiến thức mà cả cơ hội trưởng thành, sống bản lĩnh và có trách nhiệm nhất. Em tâm niệm gia đình luôn ở trong tim, trong lòng bàn tay mình. Mỗi lúc nhớ nhà hay mất niềm tin, động lực, em lại xoè bàn tay ra ngắm, rồi đứng dậy cố gắng nhiều hơn, sống tốt hơn”, nữ sinh ĐH Osaka Kyoiku tâm sự.

Cô không muốn nhìn vào những khó khăn, mất mát rồi đánh mất cơ hội ở xung quanh hay bỏ lỡ cơ hội tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Thanh Huyền hy vọng năm Tân Sửu, thế giới sẽ khống chế được dịch bệnh để năm sau, ai cũng được về nhà ăn Tết.

Du học sinh Việt đón Tết cổ truyền ở Nga

Sau nhiều đắn đo, khi tình hình dịch đỡ hơn, du học sinh Việt Nam tại Nga lại quây quần, đón Tết Tân Sửu với ước mong năm mới mọi người bình an, khỏe mạnh.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm