Hiện tượng những kẻ lừa đảo giả danh người gặp nạn để xin tiền đổ xăng, đi xe buýt về nhà, về quê đã trở nên phổ biến trên khắp các nẻo đường Sài Gòn từ nhiều năm nay. Nhiều bạn đọc cũng có cơ hội kể lại tình huống mình gặp phải sau bài viết Zing.vn đăng tải. Phần lớn đều có tâm trạng bất bình, xuất hiện tâm lý đề phòng với những người có hoàn cảnh khó khăn và không cần biết người mở lời cầu xin sự giúp đỡ thật sự hay chỉ là dàn dựng.
Tuy nhiên, một số người lại có suy nghĩ khác, dù họ bị lừa, nhưng họ đã làm được một việc tốt và lương tâm thanh thản.
Bạn đọc JBXuanThanh chính là người trong số ít đó. Anh kể, anh từng gặp một người đàn ông với chiếc xe Cub 50 ngay góc đường Lê Duẩn – Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. Khi anh đang đứng chờ đèn đỏ cùng đứa em, người đàn ông này ghé sát vào anh và nói xe hết xăng. Anh thể hiện lòng tốt bằng cách chỉ trạm xăng gần nhất, nhưng ông ta nói không còn tiền đổ xăng.
“Tôi không nhớ rõ ông ta đã trình bày hoàn cảnh thảm thương như thế nào vì sự việc xảy ra một thời gian, nhưng lúc đó, tôi rút túi đưa 20.000 đồng. Sau khi chạy khỏi đó một đoạn, đứa em nói tôi đã bị lừa. Tôi nghĩ, thôi kệ, ‘thà nhầm còn hơn bỏ sót’. Người ta lừa tôi thật hay giả, ít ra tôi cũng đã làm một việc tốt", anh nói thêm.
Cùng suy nghĩ với JBXuanThanh, độc giả Bảo Duy cho biết, anh vốn là người có tính đa nghi và rất đề cao cảnh giác với những vụ việc lừa đảo như xin tiền đổ xăng, về quê… Thế nhưng trong lần chở người yêu đi chơi về khuya, anh gặp một bác trông rất nghèo khổ dắt chiếc xe Cub 50 cũ đi bộ trước trạm xăng.
Lúc anh đổ xăng xong, bác đó đến gần nói nhỏ cho bác xin một ít tiền đổ xăng vì nhà ở tận quận 8. Bác trình bày hoàn cảnh là đi công chuyện về trễ, trong người không còn tiền và bây giờ đang lúc giữa khuya, thưa người không ai giúp, bác chỉ xin ít tiền đổ xăng để được về nhà.
Anh gặp nhiều trường hợp xin tiền xăng như vậy nên cảnh giác cao, đành nói anh không mang nhiều tiền nên không giúp được. Bác tỏ vẻ buồn rầu, cúi mặt cảm ơn và bước đi. Lúc đó, anh nhìn bác ấy rất tội nghiệp nhưng do tính nghi ngờ cao, anh chỉ đứng đó quan sát thêm. Bác lầm lũi bước đến quán sinh tố gần đó xin cũng không ai cho. Anh đã thật sự chạnh lòng lắm.
“Tôi nghĩ, nếu lỡ bác không phải là người lừa gạt mà gặp nạn thật, quãng đường từ Gò Vấp về quận 8 rất xa, bác xoay sở như thế nào. Vì vậy, tôi không chần chừ chạy ngang máy ATM rút một ít tiền. Tôi đã nói xin lỗi bác là tôi không cho bác tiền được, nhưng bác dắt xe vào trạm xăng tôi sẽ đổ cho một ít xăng để về nhà. Sau đó, bác ôm tôi cảm ơn và tôi thấy như bác đang khóc. Tôi nhận ra, dù đời có nhiều dối trá nhưng đôi khi cũng nên mở lòng để nhận ra có nhiều sự thật bị che đằng sau. Hôm đó, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm, sung sướng và vui lắm. Tôi cứ cười một mình và bị người yêu mắng là hâm”, anh nói.
Tình huống bạn đọc Phong Trần gặp cũng không khác gì Bảo Duy. Khi anh vừa đổ xăng xong tại ngã 6 Lê Hồng Phong, quận 5, TP.HCM gặp một người đàn ông đi cùng đứa bé. Anh ta dắt chiếc xe máy cà tàng, khuôn mặt khổ sở, than vãn, anh ở nhà thờ Đức Bà đi đến đây hết xăng nhưng không có tiền.
“Tôi thấy đứa bé quá tội nghiệp nên vừa được thối lại 10.000 đồng là tôi cho anh ta luôn, không nhìn lại. Điều bất ngờ là gần 1 tháng sau tôi cũng đổ xăng chỗ đó, vẫn người đàn ông và đứa bé đó với câu chuyện như cũ. Tôi chỉ biết cười và nói: ‘Chú không nhớ tháng trước cũng xin con y chang như bây giờ hả? Thiệt là có trùng hợp quá!”, Phong Trần dí dỏm.
Còn bạn đọc Ken trong một lần đi chơi với bạn gái, khi vào shop mua đồ bước ra, một người đến hỏi xin 10.000 đồng đi xe buýt. Anh không ngần ngại móc bóp cho vì nghĩ 10.000 đồng không phải là con số nhiều. Bạn gái anh nhìn thấy lên tiếng từ chối nên người đó cúi mặt ủ rũ bỏ đi.
“Lúc đó tôi thật sự chạnh lòng, tôi lo người đó nếu thật sự gặp khó khăn đang cần giúp đỡ, chỉ có 10.000 đồng mà tôi không cho nổi thật tội nghiệp cho họ. Thế nhưng bạn gái tôi khuyên, cô ấy từng gặp trường hợp lừa gạt như vậy nên tôi cũng vơi đi phần nào sự áy náy. Tôi mong đó là kẻ lừa đảo thật sự để tôi khỏi phải mang tội”, Ken bày tỏ.
Độc giả NhoxMap Muri, một nhân viên của cửa hàng xăng, cho biết, thực tế còn nhiều trường hợp lừa dối hơn thế nữa, mỗi ngày anh tiếp xúc với rất nhiều người nên biết một chút thủ đoạn của “cao thủ ăn xin”.
Đầu tiên là những người thanh niên dắt xe máy, có thể là ông già, bà lão vào xin tiền khách hàng đổ xăng. Mọi người thấy đối tượng này đừng vội cho tiền vì họ thường để xe hết xăng rồi dắt tới. Người nào cho tiền xong, họ sẽ đợi người đó đi rồi tiếp tục xin người khác. Trong 1 tiếng đồng hồ nhìn những người đó lợi dụng lòng tốt của nhiều người, anh nhân viên ước tính bọn lừa đảo kiếm được hơn 200.000 đồng.
Anh bức xúc: "Đây là số tiền một người lao động chân tay chân chính làm cả ngày chưa chắc đã có được".
Anh kể thêm, đối tượng lừa thứ hai là những người bán vé số ngồi xe lăn, gắn mác người tàn tật như bà dắt cháu, vợ dắt chồng, cháu dắt bà... trong đó, hơn 90% là giả. Họ đánh vào tâm lý thương hại của mọi người, yêu cầu sự giúp đỡ bằng cách mua vé số. Thế nhưng, khi vắng khách hay đi về, người ngồi xe lăn đứng dậy đi lại bình thường. Đối tượng này cũng kiếm được nhiều tiền vì những người có lòng hảo tâm sẽ vừa mua vé số vừa cho thêm.
Đối tượng thứ ba là những kẻ ăn xin ở các cây xăng đội nón che mất khuôn mặt, họ giả làm người khuyết tật. Thực ra, họ cũng là người ở độ tuổi lao động nhưng lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người.
“Còn nhiều đối tượng với hoàn cảnh giả dạng khác nhưng tôi mong mọi người hãy cảnh giác. Tôi chỉ là nhân viên nơi đó, vì công việc có nhiều ràng buộc nên tôi không thể vạch mặt bọn lừa đảo này. Tôi hy vọng mọi người để lòng trắc ẩn đúng chỗ, đừng để mồ hôi nước mắt của mình phí như vậy”, anh nhấn mạnh.