Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thả lỏng đầu vào đại học có thể dẫn đến chất lượng thê thảm'

"Có người ví các trường hạ thấp điểm để lấy số lượng giống hình thức tự sát. Tôi cho rằng có lẽ, nó là hành động chết mòn", PGS Trần Văn Tớp nói.

Liên quan câu chuyện hơn 3 điểm (kể cả điểm ưu tiên) có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào nhiều đại học, cũng như ý kiến tranh luận để các trường tự chủ tuyển sinh, có thể nới đầu vào, thắt chặt đầu ra, PGS.TS Trần Văn Tớp -Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - nói với Zing.vn rằng lấy điểm sàn, điểm chuẩn thấp rất khó đảm bảo chất lượng.

Loại bỏ sinh viên học kém chỉ là một cách nâng cao chất lượng

- ĐH Bách khoa Hà Nội được đánh giá là một trong những trường tuyển sinh và đào tạo tốt. Hàng năm, trường có loại sinh viên yếu kém hay cũng chung tình trạng "vào được ra được" như nhiều trường đại học hiện nay?

- Về lâu dài, các trường đại học đều phải kiên định với việc nâng cao chất lượng, được thể hiện ở nhiều khâu, chứ không chỉ ở kết quả đầu vào, quá trình sa thải sinh viên yếu kém.

Các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts muốn có chất lượng cao, đều chú trọng khâu tuyển sinh. Thậm chí, tỷ lệ loại sinh viên học kém của họ cũng rất cao.

diem san vao dai hoc anh 1
PGS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: A.T.

Ở ĐH Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ sinh viên bị loại mỗi năm tương đối, ngay cả những em học khá ở phổ thông cũng khó trụ lại được. Nhà trường khó thống kê tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm, bởi sinh viên học theo tín chỉ, có em học nhiều ngành và thời gian cũng khác nhau.

ĐH Bách khoa Hà Nội có kế hoạch giúp sinh viên đỗ tốt nghiệp đúng hạn như hỗ trợ học tập, phân tích nguyên nhân khiến các bạn không ra trường theo góc nhìn chủ quan và khách quan. Dự kiến năm học 2018-2019, 4.400 sinh viên (trong số 5.000 em) sẽ tốt nghiệp. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

ĐH Bách khoa Hà Nội xác định phần lớn sinh viên bị thôi học không phải do tố chất của các em kém, mà thiếu cố gắng, nỗ lực. Trong buổi gặp gỡ sinh viên K64 được được tuyển thẳng vào trường vừa qua, một em phát biểu rất đúng: “Nếu sinh viên giữ được phong độ học tập như ở phổ thông, các bạn chắc chắn không bị buộc thôi học”.

- Với tư cách lãnh đạo của cơ sở giáo dục đại học đã nhiều năm làm công tác tuyển sinh, ông đánh giá thế nào về mức điểm sàn 12-13, liệu có đảm bảo chất lượng đào tạo?

- Ngưỡng đảm bảo đầu vào (điểm sàn) rất quan trọng, bởi nếu người học không có tố chất, không có nền tảng phổ thông, thì không nên vào đại học.

Theo đúng Luật Giáo dục, các trường đại học có quyền tự chủ về tuyển sinh. Ví dụ, cách tuyển sinh học bạ theo đề án của các trường, về khía cạnh nào đó, chọn được em học khá ở phổ thông, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng liệu có đảm bảo.

Về tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, chúng ta cần chia sẻ với các trường đại học chưa có bề dày, để duy trì trường đã khó, cao hơn nữa là phát triển. Tuy nhiên, về lâu dài, các trường đại học nếu lấy điểm sàn thấp như vậy để “bòn, vét” sinh viên, sẽ rất khó nâng cao chất lượng.

Có người ví các trường hạ thấp điểm để lấy số lượng giống hình thức “tự sát”. Tôi cho rằng có lẽ, nó giống hành động “chết mòn”.

Thả lỏng chất lượng, siết chặt đầu ra có phù hợp với Việt Nam?

- Cũng có ý kiến cho rằng thả lỏng chất lượng đầu vào để siết chặt đầu ra cũng là một xu hướng của các đất nước phát triển. Quan điểm của ông thế nào?

- Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là liệu xã hội có chấp nhận điều này không? Ở nước ngoài, mô hình này có thể phát triển nhưng sẽ rất khó ở Việt Nam.

Kiểm soát chất lượng trong trường thường là nội bộ. Vừa qua, báo chí cũng đăng tải thông tin nhiều trường gian dối trong số lượng giáo viên cơ hữu để tăng chỉ tiêu tại Thông tư 06 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học và trình độ cao đẳng, trung cấp sư phạm, các trường được tự chủ.

Vì vậy, nếu thả lỏng đầu vào kèm theo kiểm soát không tốt sẽ dẫn tới chất lượng giáo dục "thê thảm".

Các trường đại học nói thả lỏng đầu vào, sẽ siết chặt đầu ra. Nhưng với tỷ lệ tốt nghiệp thấp liệu xã hội có chấp nhận, sinh viên có theo học, dư luận cho rằng đó là sự lãng phí. Câu chuyện này không hề đơn giản.

Tôi cho rằng cần chọn những người có khả năng và sở thích vào đại học. Một số doanh nghiệp phản ánh sinh viên không tốt nghiệp được như “phế phẩm”, vì thế nhà trường cần có sàng lọc, cảnh báo ngay từ đầu vào. 

- Theo ông, mức điểm sàn nào đủ để xác định sinh viên có năng lực vào đại học?

-  Điểm thi mỗi năm còn phụ thuộc đề có mức độ khó, dễ ra sao? Bao nhiêu điểm vào đại học sẽ tùy thuộc quan điểm của từng trường. Ví dụ, thời của tôi, 16-17 điểm là vào đại học chất lượng tốt, 21 điểm có cơ hội đi nước ngoài. Bây giờ, điểm vào ĐH Bách khoa Hà Nội, những năm gần đây, không khoa nào dưới 20 điểm.

Khi còn điểm sàn chung, Bộ GD&ĐT cũng rất ít khi đưa ra mức điểm dưới 14. Hiện nay, có những trường đưa ra mức điểm 12-13 là rất quan ngại. Đầu vào thấp rất khó đảm bảo chất lượng tốt.

Học đại học về kỹ thuật cần kiến thức phổ thông tốt. Ngoài ra, việc có nên vào đại học hay không còn là năng lực, sở thích của thí sinh và điều kiện của gia đình.

Khi thực hiện công tác chấm thi tại Thanh Hóa, Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết không phải tất cả học sinh lớp 9 đều thi lên lớp 10. Các em có thể học nghề và lấy bằng cấp ba từ hệ bổ túc, giáo dục thường xuyên.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần phải giám sát, quản lý tốt, vai trò này giữ vị trí quan trọng trong cơ chế các trường đại học tự chủ.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - thông tin một số trường khó tuyển sinh phải đưa ra mức điểm sàn thấp, do chưa có bề dày uy tín, để thu hút thí sinh. Trường đóng ở các địa bàn xa trung tâm, không hấp dẫn đối với người học. Mặt bằng điểm thi của thí sinh cũng thấp hơn mặt bằng chung của cả nước.

Các trường đều biết chất lượng là yếu tố cần thiết để tồn tại và phát triển trong điều kiện tự chủ đại học. Có chất lượng sẽ có uy tín, thương hiệu, từ đó mới có nhiều người học, nguồn thu tài chính và điều kiện để phát triển bền vững.

Đối với số ít trường xác định điểm sàn thấp, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

'Bộ GD&ĐT sẽ giám sát chặt các trường lấy điểm sàn thấp'

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng trường đại học xác định mức điểm sàn thấp là tự xếp mình vào "đội hình" chất lượng thấp.

Điểm sàn 12, tuyển cả thí sinh dưới trung bình, đại học dạy kiểu gì?

Việc nhiều trường lấy điểm sàn 12 đặt ra vấn đề xung quanh câu chuyện giới hạn quyền tự chủ và lo ngại về chất lượng đào tạo, khi đầu vào rộng cửa, đầu ra lại chưa chặt.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm