Hoàng Linh (24 tuổi, Hà Nội) thừa nhận mệt mỏi, chán nản khi phải trông hộ hai con nhỏ - 7 và 2 tuổi - của anh chị.
Dịch viêm phổi cấp bùng phát vào thời điểm Linh vừa xin nghỉ làm để hoàn thành các thủ tục đi du học vào tháng 9 tới. Bởi vậy, hiện tại, cả ngày của cô gái 24 tuổi chỉ xoay quanh việc trông cháu, không có thời gian giải quyết việc cá nhân đang chất đống.
Bình thường, sau khi hai cháu đến trường, Linh có không gian yên tĩnh và bắt đầu làm việc từ 8-8h30 sáng. Tuy nhiên, từ khi lũ trẻ được nghỉ ở nhà, mỗi sáng lúc Linh còn đang ngái ngủ, hai cháu gái đã ùa vào phòng, lay cô dậy bằng được.
“Trẻ con mà, lúc nào chẳng kiếm người chơi cùng. Hai chị em đều còn nhỏ nên hở ra là chí chóe, cãi nhau rồi cùng gào lên khóc, chờ mình ra dỗ dành, giải quyết”, Linh kể.
Việc con cái được nghỉ học để phòng dịch cúm corona vừa là nỗi nhẹ nhõm, vừa là điều "đau đầu" với nhiều phụ huynh. |
Ngay cả khi lũ trẻ chơi ngoan, Linh cũng phải trông chừng xem các cháu có đang nghịch ngợm hay quăng quật đồ lung tung không.
“Trông đứa cháu 2 tuổi là vất vả nhất vì ngoài chơi cùng, mình còn phải đảm đương nhiều nhiệm vụ lặt vặt khác như cho ăn, cho đi vệ sinh. Nay, đứa lớn cũng ở nhà nốt, sự vất vả như thể nhân đôi”, Linh nói.
Tuy nhiều lúc bực bội vì mạch suy nghĩ về công việc bị cắt đứt liên tục, Hoàng Linh cho hay trong khi dịch virus corona chưa được dập tắt, cả cô và anh chị đều thấy việc cho lũ trẻ ở nhà vẫn yên tâm hơn.
"Mình mong dịch bệnh sớm được kiểm soát hơn bao giờ hết để lũ nhóc sớm quay lại lớp. Có thế, mình cũng yên tâm giải quyết nốt việc riêng", 9X nói.
Đến sáng 4/2, 54 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ để phòng lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Trước việc con cái được nghỉ thêm từ 1-10 ngày, nhiều phụ huynh thừa nhận lịch sinh hoạt của cả gia đình bị xáo trộn như không nhờ được ai trông con, khó sắp xếp thời gian giúp con ôn bài khi lịch học bị chậm lại nhiều ngày...
Tuy nhiên, với họ, sức khỏe con cái là trên hết nên tâm lý chung là tìm mọi cách khắc phục để yên tâm hơn trong bối cảnh dịch bệnh chưa được dập tắt.
Học sinh các cấp được nghỉ học để phòng tránh dịch không chỉ khiến nhiều phụ huynh bận tâm mà ít nhiều ảnh hưởng đến những người thân xung quanh. |
"Mới nghỉ mấy hôm mà mọi quy tắc đã đảo lộn"
Có cùng suy nghĩ cho con ở nhà an toàn hơn song chị Hoàng Yến (38 tuổi, Hà Nội) vẫn không thể yên tâm hoàn toàn khi cô con gái Nhật Linh đang học cấp 2 được nghỉ học một tuần.
“Mới nghỉ học được mấy ngày, đứa út nhà mình chỉ có cắm đầu cắm cổ vào chơi iPad suốt cả ngày. Bố mẹ đều đi làm, con bé như ‘chim sổ lồng’, hết chơi game này rồi quay ra sử dụng mạng xã hội, đến khi chán lại bật YouTube xem video liên miên”, chị than phiền.
Thường ngày, chuyện đưa đón, trông nom con gái không làm chị quá lo lắng vì cô bé học bán trú cả ngày ở trường, đến tối không đi học thêm thì cũng ở nhà làm bài tập.
“Mọi khi, mình đều giới hạn thời gian chơi các thiết bị điện tử của con, hết giờ chơi là thu lại. Con bé cũng không được phép thức khuya, muộn nhất 23h là phải lên giường ngủ để sáng hôm sau đến lớp không gà gật”, người mẹ nói.
Tuy nhiên, không phải đến lớp, Nhật Linh “kè kè bên cái máy tính bảng từ lúc tỉnh giấc đến lúc đi ngủ”, chị mô tả. Giờ giấc sinh hoạt cũng bị đảo lộn khi cô bé thường chơi đến 3-4h sáng mới chịu dừng và sát giờ trưa mới dậy.
Việc con cái được nghỉ học vì dịch bệnh nguy hiểm vô tình làm xáo trộn nhiều quy tắc phụ huynh yêu cầu con làm theo. |
Hơn nữa, vì mê mải chơi điện tử nên con gái chị cũng chẳng buồn ăn uống cẩn thận, đúng giờ giấc. Nhiều lần, chị gọi điện hỏi thăm, con bé cũng trả lời qua loa, không chú tâm bởi đang bận chơi dở.
“Có hôm, ngẩng đầu lên khỏi máy thì đã gần 14h chiều, nó nấu tạm mì ăn liền cho qua bữa để vừa ăn vừa chơi tiếp”, chị Yến nói.
Theo lời người mẹ, học sinh được nghỉ vì dịch corona nối ngay sau kỳ nghỉ Tết kéo dài hơn 1 tuần nên “đứa nào cũng mang tâm lý chơi chưa đã, chưa muốn quay lại chuyện sách vở, bài tập”.
Hiện tại, người mẹ chỉ mong giáo viên các bộ môn sớm giao thêm bài tập cho con mình làm vì bài tập Tết đã làm xong, “để chúng nó chơi nguyên một tuần nữa thì càng khó bắt kịp lại nhịp học”.
“Mình nhắc nhở thì con không nghe, mình to tiếng thì nó cãi lại ‘không chơi thì làm gì’. Chắc mấy hôm tới phải cất iPad vào tủ hoặc đem theo đến cơ quan thôi chứ không thể để tình trạng này kéo dài được”, chị Yến cho hay.
"Học thì lúc nào cũng được"
Những ngày dịch corona bùng phát, chị Nguyễn Hải (27 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) và mẹ chồng vất vả hơn khi phải sắp xếp thời gian vừa trông Bảo Anh - con gái lớn 5 tuổi của chị, vừa chăm sóc cậu con trai mới tròn 5 tháng.
Trước khi trường mẫu giáo tư thục của Bảo Anh thông báo cho các bé nghỉ ở nhà phòng dịch vào sáng 2/2, nhóm chat của các phụ huynh đã xôn xao chia sẻ nỗi lo lắng về dịch bệnh cũng như sự an toàn của con trẻ.
Bởi vậy, vợ chồng chị Hải đã thống nhất cho Bảo Anh nghỉ ở nhà thêm ít nhất là 1 tuần để phòng dịch.
Bình thường, gia đình chị vẫn cho con gái đi chơi trung tâm thương mại, công viên 1-2 lần vào mỗi cuối tuần. Tuy nhiên những ngày này, chị không dám cho con ra ngoài đường.
"Trẻ con sức đề kháng yếu, lại chưa ý thức được về sự nguy hiểm của dịch bệnh nên tôi rất lo lắng. Ban đầu, cháu mè nheo đòi được đi chơi khiến tôi phải giải thích nhiều lần. Hàng ngày, tôi cho cháu ăn nhiều cam để tăng sức đề kháng và rửa tay với dung dịch sát khuẩn thường xuyên", phụ huynh này tâm sự.
"Còn hơn 3 tuần nữa là tôi phải trở lại công ty làm việc. Điều tôi lo lắng là không biết bao giờ dịch mới được dập tắt để yên tâm cho con trở lại trường học. Nếu con nghỉ ở nhà mà không nhờ được ai trông giúp cũng là việc đau đầu mà tôi chưa dám nghĩ tới", chị nói.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con nghỉ học nhiều hơn thời hạn các cơ sở giáo dục quy định. |
Trước khi Sở GD&ĐT TP.HCM đưa ra thông báo cho học sinh nghỉ học thêm một tuần, phụ huynh Lương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã khẳng định: "Tôi nhất quyết cho con mình nghỉ học".
Anh Nghĩa cho hay con trai anh học tập tại một trường tiểu học công lập ở TP.HCM. Dù Sở GD&ĐT không quyết định cho nghỉ thêm hay tất cả học sinh phải đến trường theo quy định, ông bố này cũng sẽ viết đơn xin cho con nghỉ thêm một tuần nữa.
Thậm chí, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, anh Nghĩa sẽ nghĩ tới việc chủ động cho con nghỉ thêm để đảm bảo sức khỏe.
“Với tôi con là cả một gia tài. Học lúc nào cũng được, thậm chí nghỉ hẳn 1 năm sang năm học tiếp, chứ tôi không đánh cược sức khoẻ của con mình với bất kỳ điều gì khác”, phụ huynh này khẳng định.