Hàng chục học viên là nạn nhân của các lớp học chui do giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ mở. Ảnh: Tiền Phong. |
Ngày 16/3/2022, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Vũ Văn Hóa ký quyết định công nhận kết quả đầu vào lớp cử nhân VB2 - VB2.13, tổ chức ngày 6/3 tại trường đại học này, gồm 59 sinh viên. Phòng Quản lý Đào tạo và Khoa tiếng Anh B được giao quản lý và đào tạo danh sách sinh viên có tên theo danh sách tại lớp VB2.13.
Mòn mỏi chờ bằng tốt nghiệp
Nhận quyết định này, chị L.N., một trong số những sinh viên trúng tuyển, cho biết lớp học được đào tạo dưới hình thức liên kết với bên thứ 3 tại cơ sở Nguyễn Đức Cảnh. Chị L.N. được thông báo đóng học phí 41 triệu đồng, thu thành 2 đợt, và 6,5 triệu đồng chi phí học, tổ chức bảo vệ tốt nghiệp. Tổng số tiền sinh viên đã đóng là 47,5 triệu đồng.
Việc thanh toán được thực hiện qua hình thức chuyển khoản ngân hàng và biên lai do vợ chồng ông Trần Văn Biên (đại diện bên thứ 3 tổ chức liên kết) tự lập, không phải biên lai chính thức từ Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Sau khi hoàn thành khóa học, do thời gian dài không nhận được thông báo nhận bằng tốt nghiệp, chị L.N. đã liên hệ với Đại học Kinh doanh và Công nghệ để làm việc. Nhưng chị chết lặng khi được thông báo lớp VB2.13 không tồn tại, đồng nghĩa suốt hai năm, chị cùng các sinh viên khác học “chui”.
Theo tìm hiểu, từ năm học 2020-2021 đến nay, hàng trăm sinh viên đã trúng tuyển và theo học các lớp VB2.12, VB2.13 dưới danh nghĩa Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo tại cơ sở Nguyễn Đức Cảnh và lớp VB22.1 tại cơ sở Vũ Trọng Phụng.
Chương trình đào tạo được sử dụng để tổ chức đào tạo các lớp VB2 tại các cơ sở Nguyễn Đức Cảnh, Vũ Trọng Phụng là chương trình đào tạo liên thông phê duyệt năm 2017 với 90 tín chỉ đã không còn hiệu lực tại thời điểm các lớp VB2 này được mở ra. Bởi từ năm 2021, Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã có quyết định mới với yêu cầu thực hiện đào tạo 145 tín chỉ.
Việc đào tạo tại 2 cơ sở trên cũng không thực hiện công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập cho mỗi người học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các kế hoạch đào tạo không ghi tên giáo viên dạy, không phân công giảng viên giảng dạy và không có chữ ký của lãnh đạo trường.
Quyết định công nhận trúng tuyển có dấu đỏ của Đại học Kinh doanh và Công nghệ nhưng lại không được công nhận. Ảnh: NVCC. |
Việc tổ chức đào tạo 100% trực tuyến trong 2 năm học liên tục đối với các sinh viên ở các lớp VB2 này là sai quy định của Bộ GD&ĐT (bộ quy định đào tạo trực tuyến không quá 30% thời lượng); không tổ chức thực tập cho sinh viên.
Về thi kết thúc học phần, đánh giá khóa luận tốt nghiệp đều chưa thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định như tổ chức thi kết thúc học phần. Đánh giá khóa luận tốt nghiệp đều do một phó trưởng khoa chủ trì tổ chức.
Các lớp học này cũng không thành lập hội đồng thi kết thúc học phần; không có minh chứng việc thành lập Hội đồng đánh giá khóa luận tốt nghiệp; không có bảng điểm các học phần hoặc không có bảng điểm bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.
Trong khi đó, các lớp vẫn tổ chức thu học phí từ sinh viên. Với 2 lớp VB2 tại cơ sở Nguyễn Đức Cảnh, tổng số tiền thu theo danh sách sinh viên là gần 4 tỷ đồng.
Nhà trường “phủi tay”
Điều khiến sinh viên khó hiểu là quyết định công nhận đầu vào có dấu đỏ của trường và do Phó hiệu trưởng Vũ Văn Hóa ký. Quá trình đào tạo có sự tham gia của một số giáo viên trong trường.
Nhưng kết thúc khóa học, khi nhận bằng tốt nghiệp lại nhận được thông báo kết luận của Thanh tra Đại học Kinh doanh và Công nghệ là từ năm học 2020-2021 đến nay, nhà trường không tổ chức tuyển sinh đào tạo VB2 ngành Ngôn ngữ Anh và hiệu trưởng không cho phép đặt lớp VB2 nào cũng như không ký hợp đồng hợp tác đào tạo với bất cứ đơn vị nào ở ngoài trường.
Việc tổ chức đào tạo các lớp VB2 này là do cá nhân bà Trần Thị Thúy Hà, Phó trưởng khoa Khoa Tiếng Anh B của trường, tổ chức thực hiện và không đại diện cho nhà trường.
Theo tài liệu mà Tiền Phong có, các quyết định công nhận trúng tuyển đầu vào các lớp VB2 nói trên là do Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, GS Vũ Văn Hóa ký.
Nhưng thanh tra nhà trường khẳng định các quyết định này do ông Hóa tự ký khi "không có ủy quyền của hiệu trưởng" nên các quyết định trúng tuyển đầu vào này không có hiệu lực.
Tuy vậy, Đại học Kinh doanh và Công nghệ thừa nhận đã có 14 bảng điểm toàn khóa được cấp cho sinh viên lớp VB2.12 và có một bảng điểm toàn khóa cấp cho sinh viên lớp VB2.13 (đều do một phó trưởng phòng Quản lý đào tạo ký); có một danh sách điểm thi các học phần lớp VB2.12 do bà Hà ký và lớp VB2.13 do ông Hóa ký. Nhưng nhà trường cho rằng các bảng điểm này không có giá trị vì là việc cá nhân các vị này, không đại diện cho nhà trường và không được công nhận, dù có đóng dấu của nhà trường.
Việc tổ chức thi kết thúc học phần, đánh giá khóa luận tốt nghiệp các lớp VB2 nói trên, nhà trường cho biết đều do bà Hà chủ trì tổ chức (có phối hợp với một số giảng viên khác của trường). Việc ông Hóa ký thành lập ban chức năng giúp việc cho hội đồng thi kết thúc học phần của một số học kỳ và lịch thi, là do bị bà Hà… lôi kéo.
Theo Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, toàn bộ sự việc liên quan tới các lớp đại học chính quy VB2 ngành Ngôn ngữ Anh mở ở các cơ sở Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đức Cảnh từ năm học 2020-2021 đến nay (VB2.12, VB2.13, VB22.1) là do cá nhân bà Trần Thị Thúy Hà lấy danh nghĩa khoa Tiếng Anh B đứng ra kết nối với hai cơ sở nói trên để đứng ra tuyển sinh.
Bà Hà cũng chủ trì tổ chức đào tạo các lớp VB2 này, đồng thời kéo theo một số cá nhân của nhà trường tham gia một số khâu trong quá trình tuyển sinh và đào tạo. Vì thế, bà Hà và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.
Khi đề xuất phương án giải quyết với người học, Ban Thanh tra - Pháp chế của trường cho rằng nếu những người học các lớp VB2 muốn được nhà trường cấp bằng thì nộp hồ sơ, thực hiện lại từ đầu các bước tuyển sinh, đào tạo...
Về học phí mà sinh viên đã nộp, ban này khẳng định: "Nhà trường không tổ chức mở lớp, không thu và quản lý, sử dụng học phí đối với các lớp VB2. Người học muốn giải quyết mọi vấn đề liên quan tới quyền lợi của mình, kể cả học phí, cần làm việc trực tiếp với các cá nhân, cơ sở đã mở lớp và tổ chức đào tạo, thu học phí để giải quyết".
Thông tin tới Tiền Phong, Bộ GD&ĐT cho biết sau khi nhận được phản ánh của sinh viên, bộ đã vào cuộc và đang xử lý vụ việc.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.