Zing.vn xin đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của bác sĩ Lưu Văn Trường (tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM) về góc nhìn truyền thông và giao tiếp trong y khoa qua sự việc bệnh nhân viêm tụy cấp tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Có lẽ đây cũng là thời điểm thích hợp để nhìn nhận đúng đắn vai trò của truyền thông và giao tiếp trong y khoa, để dù có chuyện gì xảy đến thì y bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân vẫn dành cho nhau cách nhìn thiện cảm, nhân văn và đầy hy vọng trong bối cảnh y tế nước nhà hiện nay.
Trong y khoa, có những việc ngoài tầm với!
Năm 2010, khi là một thầy thuốc mới ra trường, tôi công tác tại khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng của một phòng khám đa khoa. Thời gian đó, tôi được giao tham gia điều trị phục hồi cho một cô bé 6 tuổi bị viêm tủy cắt ngang (mức tủy ngực), đây là một bệnh lý của tủy sống gây yếu liệt các chi, mất cảm giác và mất kiểm soát tiêu tiểu.
Những di chứng của căn bệnh này hầu như không thể phục hồi và tồn tại vĩnh viễn. Điều đó có nghĩa, một cô bé 6 tuổi sẽ mãi mãi không thể tự đứng lên và di chuyển với đôi chân của mình một cách độc lập. Viễn cảnh này ám ảnh chúng tôi nhiều ngày liền trong suốt quá trình điều trị. Sau tất cả nỗ lực để cứu vãn tình thế, chúng tôi buộc lòng cho cô bé sử dụng nẹp nâng đỡ hai chi dưới, di chuyển với khung đi nhờ sức cơ của khung chậu. Đây là những gì tốt nhất mà chúng tôi có thể làm cho cô bé vào thời điểm hiện tại.
Một thời gian ngắn sau, tôi cùng lúc tiếp nhận điều trị phục hồi cho hai bệnh nhân nam 18 tuổi bị ung thư xương thiếu niên, đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u vùng xương chày, thay khớp gối nhân tạo tại các bệnh viện ở Singapore. Ung thư xương thiếu niên là căn bệnh thường xảy ra ở những thanh thiếu niên có chiều cao vượt trội, khó chẩn đoán và xác suất di căn rất cao. Nhiệm vụ của tôi lúc này là phục hồi chức năng di chuyển cho hai bệnh nhân trên.
Ngày qua ngày, chúng tôi cố gắng cùng nhau tập luyện và kết quả là một thời gian ngắn sau đó cả hai cùng tự đi lại được một cách độc lập. Chúng tôi sau đó trở thành những người bạn, những người anh em của nhau. Trong thời gian đó, họ vẫn tái khám tại các bệnh viện ở Singapore về bệnh lý ung thư.
Một ngày, tôi nhận được email của bác sĩ chuyên ngành ung thư ở Singapore thông báo cả hai bệnh nhân của tôi đã bắt đầu xuất hiện những khối u di căn trên phổi. Sau đó, cả hai được tích cực điều trị bằng những phương pháp hiện đại nhất, thế nhưng cả hai cũng đã lần lượt qua đời vài tháng sau đó.
Cho đến hiện tại, những bệnh nhân trên để lại cho tôi nhiều ký ức và nhiều câu hỏi nhức nhối về những hạn chế của y khoa. Về sau này, càng công tác lâu trong mảng điều trị phục hồi, tôi càng nhận thấy có những trường hợp y khoa chỉ can thiệp được ở một mức độ, có những lúc ta không thể làm gì khác hơn cho bệnh nhân dù trong lòng ta không cam chịu.
Đại diện ban lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy trong buổi gặp gỡ báo chí. Ảnh: Bích Huệ. |
Về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Duy H., tử vong tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) sau một thời gian được điều trị tích cực với bệnh lý viêm tụy cấp, về mặt chuyên môn tôi tin rằng các đồng nghiệp của tôi tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm hết sức mình và không có sai sót trong chẩn đoán cũng như điều trị. Viêm tụy cấp thể nặng (thể hoại tử) dễ gây suy tạng, biến chứng khó lường, nguy cơ tử vong rất cao mặc dù bệnh nhân có đến điều trị sớm hay còn tỉnh táo khi nhập viện hay không.
Khi bệnh nhân trở nặng, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để tìm cơ hội sống, có thể thấy đội ngũ y bác sĩ tại đây đã tận tâm và đồng hành cùng bệnh nhân đến những giây phút cuối cùng. Thế nhưng, ngành y vẫn còn những hạn chế và có những vấn đề vẫn còn nằm ngoài tầm với của y khoa…
Hiểu về tâm lý bệnh nhân và thân nhân
Nhắc về cô bé 6 tuổi bị viêm tủy cắt ngang tôi từng điều trị. Theo lời người mẹ, trước khi biến cố xảy ra, cô bé vẫn hàng ngày vui vẻ đến trường, học nhảy aerobic, dance sport. Thế nhưng, từ ngày đổ bệnh, cô bé thường rất ít nói và dễ nổi cáu với mọi người dù với bất cứ lý do gì. Về phía người mẹ, chị không nói nhiều về cảm xúc của bản thân, thế nhưng trong ánh mắt chị hằn sâu niềm u uất và bất an về tương lai đứa con của mình.
Thời gian đầu chị vẫn hy vọng một ngày nào đó con chị có thể tự đi lại trên đôi chân một cách độc lập, chị hỏi tôi: “Bao lâu nữa bé đi được?”. Nhằm tránh những cảm xúc tiêu cực có thể phát sinh trong chị, chúng tôi thường nói đến những kỳ tích trong y khoa mà không trả lời cụ thể câu hỏi của chị. Mà kỳ tích thường lại ít xuất hiện.
Với cả những bệnh nhân khác cũng thế, khi y khoa không thể làm gì khác hơn, chúng tôi chú trọng hơn trong việc hướng cảm xúc của bệnh nhân, thân nhân đến những điều tích cực. Diễn biến tâm lý thông thường của bệnh nhân, thân nhân ban đầu thường không chấp nhận sự thật trong thời gian đầu, nhưng sau đó theo thời gian họ sẽ biết thích nghi với thực tại và cân bằng cảm xúc. Xuyên suốt quá trình điều trị, vai trò trong tác động tâm lý bệnh nhân, thân nhân của thầy thuốc là không hề nhỏ.
Về nỗi đau của mẹ bệnh nhân Nguyễn Duy H., mỗi chúng ta đều có thể hiểu và cảm thông một cách sâu sắc cho mất mát to lớn này. Hẳn lúc này, chị đang rất chơi vơi, mất đi rất nhiều hy vọng trong cuộc sống. Với rất nhiều bức xúc của chị được chia sẻ trên mạng xã hội, có người đồng cảm, có người phản đối nhưng có một điều là chỉ có chị mới hiểu rõ nỗi đau này nhất. Là một người thầy thuốc, dù phát ngôn của chị có đúng hoặc sai, tôi vẫn đồng cảm và chia sẻ sâu sắc với chị, trong lòng tôi tự hỏi vai trò của truyền thông y tế ở đâu, giao tiếp y khoa đã được thực hiện như thế nào trong suốt quá trình điều trị của con chị? Nếu có, hẳn giữa chị và bệnh viện đã có một tiếng nói chung về sự việc và cách nhìn thiện cảm với nhau hơn.
Truyền thông và giao tiếp trong y khoa: Bài học từ một người thầy lớn!
Còn nhớ, trong thời gian còn là sinh viên, chúng tôi may mắn được học môn Khoa học Thần kinh do bác sĩ Lê Minh, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM phụ trách. Ngoài công việc giảng dạy, thầy Lê Minh còn là một chuyên gia hàng đầu về thần kinh học trong nước cũng như trên thế giới. Chuyên môn xuất sắc của thầy không phải là điều mà tôi ấn tượng nhất, điều ghi dấu ấn lớn nhất đối với tôi lúc đó và cả sau này khi điều trị cho bệnh nhân chính là những thái độ, cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần của một thầy thuốc lớn.
Mỗi lần gặp bệnh nhân, bác sĩ Lê Minh thường dành rất nhiều thời gian để khám và tư vấn, đặc biệt hơn bệnh nhân nào cũng được tận tay thầy mở cửa mời vào, dắt đến ngồi ghế và tiễn bệnh nhân ra tận cửa khi khám xong. Ai cũng biết các bệnh lý thần kinh thường rất khó điều trị và có những ca không thể cải thiện, tuy nhiên với cách ứng xử của thầy, thầy luôn là người thầy thuốc tuyệt vời trong lòng bệnh nhân và thân nhân, ai cũng vui khi được gặp thầy.
Trong bối cảnh y tế Việt Nam hiện tại, thật khó để tìm thấy nhiều bác sĩ giành thời gian cho bệnh nhân. Có thể do áp lực điều trị cho cùng lúc nhiều bệnh nhân đã cướp đi thời gian tư vấn, giao tiếp với bệnh nhân, thân nhân của bác sĩ. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến nhiều người ra nước ngoài điều trị hoặc tìm đến các bệnh viện quốc tế trong nước, nơi họ nhận được sự quan tâm, sự sẻ chia trong lúc khó khăn về mặt tâm lý, mà những điều này thật sự hệ thống y tế công hiện nay không làm được.
Đã đến lúc, giới y tế cần chú trọng hơn vào công tác truyền thông và giao tiếp trong y khoa nhằm hạn chế tối đa những sự việc đáng tiếc như vừa qua. Tôi và các đồng nghiệp cần nhắc nhở bản thân và cho nhau rằng điều trị bệnh nhân không chỉ điều trị một bệnh lý mà là điều trị một con người, là điều trị tinh thần cho cả một gia đình.
Về phía bệnh nhân và thân nhân, hãy cảm thông với những khó khăn hàng ngày của y bác sĩ khi phải đối phó với bệnh tật, không một thầy thuốc nào không muốn tận tình cứu chữa cho bệnh nhân của mình vì ít nhất danh dự của một người thầy thuốc luôn thúc đẩy chúng tôi làm hết sức mình. Thực tế, có những hình huống nằm ngoài khả năng của y khoa, chúng tôi, những người làm ngành y cũng rất cần sự đồng cảm và động viên từ phía bệnh nhân, thân nhân và cả cộng đồng. Từ đó chúng ta mới có thể xây dựng được môi trường y tế nước nhà hiện đại và nhân văn trong tương lai.