Ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul không khuyến khích du khách đến xứ Chùa Vàng chỉ để hút loại chất cấm này, Reuters đưa tin.
“Chúng tôi không chào đón kiểu du khách đó”, ông Charnvirakul đáp lại khi được hỏi về việc khách du lịch nước ngoài sử dụng cần sa để giải trí.
Lời bình luận trên của ông Anutin được đưa ra trong bối cảnh lượng du khách quốc tế bắt đầu đến Thái Lan gia tăng.
Một lọ chứa cần sa trong cửa hàng thuốc ở Bangkok ngày 17/8. Ảnh: Jorge Silva /Reuters. |
Tháng 6, với nỗ lực thu hút khách du lịch trong thời kỳ suy thoái hậu Covid-19, chính phủ Thái Lan đã bãi bỏ lệnh cấm cần sa, cho phép người dân tự do trồng và bán chúng.
Năm ngoái, đại dịch Covid-19 đã cắt giảm lượng khách nước ngoài xuống còn 428.000 người, so với mức kỷ lục gần 40 triệu người vào năm 2019. Năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á dự kiến sẽ có 8-10 triệu lượt khách, cao hơn mức dự báo trước đó là 7 triệu.
Cây cần sa giờ đây xuất hiện ở khắp mọi nơi, trên những que kem, trong món ăn truyền thống và công thức sinh tố mới, theo BBC. Điều này cũng dẫn đến sự bùng nổ của các quán cà phê bán ma túy trên khắp thủ đô Bangkok.
Ở đường Khao San, nơi tập trung dân du lịch ba lô, quán cà phê cần sa RG420 đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày.
“Người châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đang tìm kiếm loại sativa của Thái Lan. Cần sa và du lịch đúng là cặp bài trùng”, chủ quán Ong-ard Panyachatiraksa nói với Reuters.
Một cửa hàng bán kẹo cần sa gần Asoke, Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Tại quán bar sang trọng Chi, chủ sở hữu Carl Lamb không chỉ cung cấp thực đơn pha chế CBD (hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong cây cần sa) mà còn công khai bán cần sa có nồng độ cao theo gram và các khớp cuộn sẵn.
Theo anh, Covid-19 đã tàn phá hòn đảo và việc bỏ quy định cấm cần sa có tác động tích cực.
“Chúng tôi bắt đầu nhận được điện thoại từ khắp nơi trên thế giới hỏi rằng ‘Có thật là được hút cần sa ở Thái Lan một cách hợp pháp?’. Nó thật sự đang thu hút nhiều khách du lịch hơn. Mọi người đang đặt phòng cho Giáng sinh”, anh nói.
Tuy nhiên, đường lối của chính phủ là cần sa chỉ được sản xuất và tiêu thụ cho mục đích y tế, không phải để giải trí, đồng thời chỉ cho phép chế phẩm có chứa ít hơn 0,2% tetrahydrocannabinol (hợp chất gây ảo giác chính).
“Luật không bao gồm sử dụng cần sa để giải trí. Do đó, việc dùng chất này để xúc tiến du lịch tập trung vào khía cạnh y tế”, Siripakorn Cheawsamoot, Phó thống đốc cơ quan du lịch quốc gia, cho biết.
Các quan chức cảnh báo bất kỳ ai bị bắt gặp hút cần sa ở nơi công cộng có thể bị buộc tội tạo ra “mùi gây khó chịu” nơi công cộng theo Đạo luật Y tế Công cộng và đối mặt với khoản tiền phạt 25.000 baht (705 USD) cùng 3 tháng tù.