19h15 ngày hôm nay (6/9), tuyển Thái Lan sẽ tiếp đón Nhật Bản trên sân nhà Rajamangala ở thủ đô Bangkok. Đây là trận đấu thuộc khuôn khổ lượt thi đấu thứ hai vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. Trong lượt đầu, cả Nhật Bản và Thái Lan đều chịu thất bại.
Dưới đây là những điểm nhấn trước trận do Paul Murphy – cây viết chuyên về bóng đá Đông Nam Á, chỉ ra trên ESPN.
Biến nỗi đau thành hành động
Người Thái giận dữ với cách cầm còi của trọng tài trong trận thua Saudi Arabia, còn người Nhật cảm nhận rõ sự bất công trong các quyết định của “vua áo đen” trên sân nhà Saitama. Họ mất một bàn thắng mười mươi của Takuma Asano khi cầu thủ này đưa được bóng qua vạch vôi. Đối thủ UAE san bằng tỷ số bằng một quả đá phạt gây tranh cãi rồi vươn lên bằng một quả penalty mà người Nhật cho là quyết định nặng tay.
Sau trận đấu, HLV Vahid Halilhodzic nói: “Tôi không biết phải phát biểu gì về trọng tài. Thật không dễ dàng để chấp nhận quyết định của ông ta”. Cả hai đội Thái Lan và Nhật Bản đều gửi khiếu nại lên AFC.
Chanathip Songkrasin - niềm hy vọng của tuyển Thái Lan. Ảnh: Siamsport. |
Murphy viết: “Thái Lan và Nhật Bản sẽ nỗ lực biến đau thương thành hành động. Thật thú vị khi đón chờ phản ứng của cầu thủ hai bên, nếu trọng tài tiếp tục ra quyết định sai lầm trong trận đấu hôm nay”.
Tấn công toàn lực
Cả hai đội tuyển quốc gia Thái Lan và Nhật Bản đều nổi tiếng với lối chơi bóng đá tấn công, nên tỷ số 0-0 có vẻ khó xảy ra. Voi chiến và binh đoàn võ sĩ Samurai đều chịu áp lực phải giành 3 điểm sau khi thất bại đáng tiếc ở lượt đầu.
Trên giấy tờ, Nhật Bản sở hữu hàng tấn công mạnh hơn. Họ có Keisuke Honda (AC Milan), Shinji Okazaki (Leicester), Takuma Asano (Stuttgart), Shinji Kagawa (Dortmund) và Yoshinori Muto (Mainz 05) đều chơi bóng ở châu Âu. Thế nhưng ở lượt đấu đầu tiên, người Nhật lãng phí cơ hội trước UAE. Họ sẽ phải tàn nhẫn hơn với người Thái.
Hàng chục nghìn CĐV tiếp lửa cho Thái Lan. |
Một người am hiểu bóng đá Thái - HLV Afshin Ghotbi mới bị sa thải khỏi vị trí HLV trưởng của đại gia Buriram United (Thái Lan) lên tiếng cảnh báo: “Cầu thủ Thái Lan kỹ thuật, năng động, khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần. Họ rất ma mãnh. Nhật Bản cần thận trọng”. Ông Ghotbi cũng từng có quãng thời gian 4 năm làm việc ở Nhật Bản, tại đội bóng Shimizu S-Pulse.
Trước trận đấu này, HLV Kiatisak loại trừ ý đồ phòng thủ triệt để như họ từng thi triển trước Saudi Arabia. Ông nói: “Thái Lan nhất định không chơi phòng thủ, chúng tôi mong chờ điều tương tự ở Nhật Bản. Họ phải chịu áp lực nhiều hơn người Thái, chắc chắn rồi. Vì chúng tôi mới có lần thứ hai vào đến vòng này. Thái Lan chẳng có gì để mất”.
Zico Thái loại trừ lợi thế sân nhà trước trận đấu quyết tử. Ông cho rằng Nhật Bản đã ở Thái Lan vài ngày và họ bây giờ thích nghi tốt với khí hậu nóng ẩm.
Kiatisak phải kiềm chế cầu thủ Muangthong United
Một trong những thành tựu lớn nhất của Kiatisak là rèn luyện cho cầu thủ tính kỷ luật, sự bình tĩnh khi đối mặt với nghịch cảnh. Thật không may, hôm thứ năm tuần trước, Thái Lan bỗng đánh mất sự lạnh lùng khi bị trọng tài xử ép.
Trong một tình huống bao vây tạo sức ép lên trọng tài, đội trưởng Theerathon Bunmathan bị phạt thẻ vàng. Cuối trận, bất đồng chính kiến đẩy lên cao trào và Sarach Yooyen bị đuổi khỏi sân. Cả hai đều là trụ cột ở Muangthong United. Đây là một trong hai đại gia lớn nhất Thái Lan và cầu thủ của họ, theo mô tả của Paul Murphy, có quyền lực ở giải Ngoại hạng Thái Lan.
Muangthong đóng góp số cầu thủ nhiều nhất cho tuyển Thái Lan: thủ môn bắt chính Kawin Thamsatchanan; các hậu vệ Theerathon Bunmathan, Peerapat Notchaiya, Tristan Do, Adisorn Promprak, Tanaboon Kesarat; các tiền vệ Chanathip Songkrasin và Sarach Yooyen, tiền đạo kỳ cựu Teerasil Dangda. Hầu như tất cả đều là trụ cột.
Nhưng Murphy cũng nhấn mạnh, vòng loại World Cup là giải đấu với tính chất khác biệt, Kiatisak cần phải nhắc nhở học trò kiềm chế. “Sự vô kỷ luật có thể gây hậu quả tai hại”, cây viết chuyên về bóng đá Đông Nam Á kết luận.