- Hiện tại tôi đang mang thai ở tháng thứ 7. Vừa rồi tôi đi khám thai, hình ảnh siêu âm cho thấy con tôi bị rau quấn cổ 2 vòng. Bác sĩ cho hỏi điều này có nguy hiểm không, liệu có gây suy thai, mất tim thai cho con tôi. Làm thế nào để giúp bé thoát khỏi tình trạng này? (Độc giả Minh Anh, 26 tuổi, ở Hà Nội).
Đa số thai nhi đều không nguy hiểm nếu chỉ bị dây rốn quấn 1-2 vòng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du, Trung Tâm Hỗ Trợ Sinh Sản - Bệnh Viện Bưu Điện:
- Việc dây rốn quấn cổ thai nhi là không thể phòng tránh được trong thai kỳ, bác sĩ chỉ phát hiện qua siêu âm. Siêu âm đánh giá dây rốn nên được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, với hệ thống máy siêu âm có phổ Doppler nhằm phát hiện sớm các trường hợp dây rốn thắt nút hay bị nghẹt, dây rốn bám màng...
Có thể thai kỳ có những thời điểm siêu âm có dây rốn quấn cổ, có thời điểm không có do thai nhi tự vận động và thoát khỏi tình trạng này. Về cơ bản, tình trạng này không nguy hiểm nếu chỉ quấn 1-2 vòng. Tuy nhiên, đã có những trường hợp thai suy, thai lưu do dây rốn quấn cổ nhiều vòng. Y văn thế giới từng ghi nhận trường hợp thai suy, thai chết lưu khi bị dây rốn quấn cổ 5 vòng.
Do đó, để theo dõi bạn nên siêu âm 2 tuần mỗi lần, nếu tuổi thai từ 32 tuần trở lên và được bác sĩ hướng dẫn theo dõi cử động thai nhi để bạn tự theo dõi sức khỏe của em bé. Ở tuổi thai của bạn hiện tại, em bé sẽ ngủ 2 tiếng và dậy thức một tiếng đạp và vận động. Nếu thấy trẻ vắng đạp bạn nên đi gặp bác sĩ.
Nhằm giúp trẻ thuận lợi hơn trong vận động tháo dây rốn quấn cổ bạn nên uống đủ nước nhằm đảm bảo lượng ối cần thiết và đi bộ thể dục hợp lý.
Cần khám thai định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa nhằm phát hiện các bất thường. Việc khám thai bao gồm siêu âm, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và có thể xét nghiệm máu nếu cần thiết. Khám thai không đơn thuần chỉ là siêu âm thai.