Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Trà Vinh vừa khởi tố vụ án và trưng cầu giám định tâm thần với Lâm Văn Sanh (30 tuổi, ngụ xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú) - nghi can chính trong vụ sát hại mẹ ruột xảy ra sáng 15/5.
Dù đã một tuần trôi qua, ông Lâm Văn Cặng (cha ruột Sanh) vẫn không thể nào quên cảnh tượng kinh hoàng: Sanh ngồi đè lên người mẹ là Lưu Thị Dững chém liên tiếp, khiến bà tử vong.
Ông Cặng kể: khoảng 6h sáng ông ngồi uống trà trước nhà thì bà Dững xách giỏ sửa soạn đi chợ. Bà bước đến giường nơi Sanh đang ngủ hỏi: "Con ăn hủ tiếu không để mẹ đi chợ mua". Bà vừa dứt lời, Sanh bật dậy cầm dao chặt mía chém liên tiếp.
Nghe tiếng la hét trong buồng, ông Cặng chạy vào can ngăn, Sanh mới dừng lại. Người nhà đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng bà Dững đã tử vong. Còn Sanh sau khi gây án bình thản đi thay đồ và đến công an đầu thú. Khi được hỏi nguyên nhân giết bà Dững, Sanh trả lời tỉnh queo: "Bả bị hâm, không giết thì bả cũng giết tôi!".
Nghe nói, ai nấy cũng đau lòng. Trong quá trình lấy lời khai, Sanh luôn miệng nói chuyện lảm nhảm, tự lấy tay đấm người mình, khuôn mặt ngây dại. Những người trong gia đình Sanh cho biết, 8 năm trước, anh ta đã có biểu hiện tâm thần, hay nói nhảm, tự làm đám cúng trước cửa nhà, dùng dao cắt tay… Sau đó, gia đình đưa đi chữa bệnh, Sanh trở lại bình thường và đi làm thuê kiếm sống.
Bà Lâm Thị Oanh (52 tuổi, chị gái Sanh) cho biết: "Gần đây, Sanh có biểu hiện tâm lý không ổn định. Cứ ngày rằm hay cuối tháng là Sanh mua đồ về tự cúng trước nhà. Gia đình hỏi, Sanh đều im lặng và không nói".
Trước khi xảy ra án mạng, Sanh làm công nhân ở tỉnh Bến Tre. Mấy ngày trước, Sanh về nhà chơi, gia đình phát hiện có dấu hiệu bệnh cũ tái phát. Vợ chồng ông Dững tính vay tiền đưa Sanh đi chữa bệnh nhưng chưa kịp thì xảy ra sự việc đau lòng.
Thực tế, những người bị bệnh tâm thần nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường. Vụ người mẹ trẻ dìm con mới sinh chết trong lu nước xảy ra tại Cần Thơ cách đây không lâu là ví dụ điển hình.
Buổi sáng xảy ra vụ án, cả nhà đi làm, chỉ có mình Nguyễn Thị Thoại Mỹ (18 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ) ở nhà. Mỹ bồng con bỏ vào thùng nước trong nhà tắm và đậy nắp lại. Khoảng 30 phút sau, Mỹ "tỉnh hồn" truy hô: "Mẹ ơi, con tôi mất tiêu rồi". Mọi người chạy đi tìm thì Mỹ nói "con bị bỏ trong thùng nước rồi". Mẹ chồng Mỹ kiểm tra và hốt hoảng khi nhìn thấy cháu nội đã chết nằm trong thùng nước.
Gia đình cho biết, sau khi sinh Mỹ có biểu hiện tâm thần và thường gặp ác mộng. Kết quả giám định pháp y cho thấy: trước, trong và sau khi gây án, Mỹ bị rối loạn tâm thần hành vi, kết hợp nặng với khủng hoảng thời kỳ sinh đẻ nên không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án, đề nghị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với Mỹ vì có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Hai cái chết tức tưởi của bé trai Võ Hoàng Long (3 tuổi) và cụ bà Trần Thị Lến (71 tuổi, ngụ ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bà ngoại của Long), cũng khiến người dân nơi này chưa hết bàng hoàng. Cháu Long và bà Lến bị một người tâm thần giết chết vào ngày 21/8/2014. Huỳnh Thanh Phong (35 tuổi, tên thường gọi là Cu Tý) ngụ cùng xóm với bà Lến, bất ngờ cầm dao đi đến nhà chém 2 bà cháu tử vong.
Huỳnh Thanh Phong, hung thủ gây ra cái chết của 2 bà cháu Trần Thị Lến. |
"Tôi với mẹ và Long đang ngồi trong nhà thì nghe hàng xóm la toáng lên khi thấy Phong cầm dao đi chém người. Phong chạy vào nhà tôi chém tới tấp vào người mẹ và con trai khiến họ chết gục tại chỗ", chị Trần Thị Nga (mẹ của Long) kể lại.
Mẹ ruột của Phong cho biết, 2 ngày trước khi xảy ra vụ án, thấy con trai có những biểu hiện của bệnh tâm thần, gia đình đã báo cho chính quyền địa phương nhưng chưa kịp đưa Phong đi chữa bệnh thì đã xảy ra thảm cảnh.
Dư luận nhiều lần cảnh báo về tình trạng người tâm thần gây án nhưng những vụ án bi thảm vẫn cứ tái diễn, một phần xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ của địa phương và gia đình người bệnh.
Nhiều chuyên gia tâm lý chia sẻ: để giúp đỡ người tâm thần sớm hồi phục, hòa nhập cộng đồng, ngoài phương pháp trị liệu cơ bản của bệnh viện; các biện pháp giáo dưỡng, dạy nghề của Trung tâm bảo trợ xã hội... thì người bệnh tâm thần rất cần sự quan tâm, săn sóc, động viên và chia sẻ của người thân. Có như vậy, mới hy vọng giảm được gánh nặng cho xã hội, đồng thời góp phần giảm các vụ án do người mắc bệnh tâm thần gây nên.