Thảm cảnh phía sau cuộc chiến chống ma túy tại Philippines
Thứ sáu, 1/9/2017 14:26 (GMT+7)
14:26 1/9/2017
Con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con, gia đình tan vỡ, đó là những thảm cảnh mà hàng nghìn người đang đối mặt sau mỗi chiến dịch truy quét ma túy của cảnh sát Philippines.
Remy Fernandez, 84 tuổi, bế đứa cháu nội của bà tại nhà ở Patayas, Manila. Fernandez hiện là người nuôi dưỡng 7 đứa cháu sau khi con trai bà, Constantino de Juan, bị giết trong một vụ án liên quan tới ma túy. Mẹ của những đứa nhỏ hiện chịu án tù giam do buôn bán ma túy. Gia đình bà Fernandez chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của nạn ma túy hoành hành tại Philippines, cũng như chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến chống ma túy đầy tranh cãi tại quốc gia Đông Nam Á này. Ảnh: Guardian.
Ginnalyn Soriano khóc thương trước thi thể của người anh trai, Julius, khi người đàn ông 24 tuổi bị cảnh sát bắn chết tại Caloocan trong một cuộc truy quét tội phạm ma túy. Julius đã bị cảnh sát còng tay và khống chế trước khi bị hành quyết. Rodrigo Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy ngày 30/6/2016, sau khi ông trở thành tổng thống Philippines. Ông Duterte cho phép cảnh sát bắn chết những kẻ tình nghi chống đối và trao thưởng cho mỗi nghi phạm buôn bán ma túy bị tiêu diệt. Ảnh: Guardian.
Gia đình John Dela Cruz và Jasmin Dorana, sống tạm bợ trong khu nhà ổ chuột tại Patayas, cũng là nạn nhân của ma túy. John, 16 tuổi, bị giết ngay tại nhà trong một vụ án liên quan tới ma túy. Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc cảnh sát Philippines được trả từ 161-302 USD cho mỗi nghi phạm buôn bán và sử dụng mà túy họ tiêu diệt được. Cảnh sát sau đó lại thuê các tổ chức tội phạm thực hiện các vụ giết người, nạn nhân chủ yếu là người sử dụng ma túy, với giá khoảng 100 USD cho mỗi nạn nhân. Ảnh: Guardian.
Jasmin, vợ của John, mới chỉ 15 tuổi khi người chồng trẻ của cô bị giết. Đứa trẻ trên tay Jasmin là con của hai người và mới chỉ tròn 1 tháng tuổi khi người cha qua đời. Ảnh: Guardian.
Rosita Opiasa tại tư gia ở chợ Navotas, ngoại ô Manila. Con trai bà, Jayson Rivera, bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc truy quét tội phạm ma túy. Tại những khu ổ chuột như chợ Navotas, người nghèo bất mãn với cuộc chiến ma túy do ông Duterte phát động. Các tổ chức nhân quyền cáo buộc cảnh sát Philippines thực hiện các vụ giết chóc vượt quá thẩm quyền. Ảnh: Guardian.
Roda, 29 tuổi, lâm vào cảnh một mình nuôi dưỡng 6 đứa con sau khi chồng cô, một người nhặt rác, bị bắn chết trong cuộc chiến ma túy. Cảnh sát Philippines cho biết lực lượng này đã tiêu diệt khoảng 3.500 tội phạm ma túy trong các chiến dịch truy quét. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền ước tính nhà chức trách phải chịu trách nhiệm cho khoảng 7.000 cái chết trong suốt cuộc chiến chống ma túy. Tổng số người thiệt mạng trong các vụ việc liên quan tới ma túy kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền là khoảng 13.500 người. Ảnh: Guardian.
Sarah và nơi ở mới của cô, một chiếc chuồng gà cũ tại chợ Navotas, Manila. Người thân duy nhất của cô, Kulot, một con nghiện ma túy, bị giết trong một chiến dịch truy quét ma túy. Vì Sarah hoàn toàn trắng tay, xác của Kulot đã bị để thối rữa trong 25 ngày trước khi bị đẩy vào một hố chôn tập thể. Nhà chức trách Philippines cho biết nước này đang chiến thắng trong cuộc chiến chống ma túy. Tỷ lệ tội phạm đã giảm 28,57% và cảnh sát đã thu giữ lượng ma túy trị giá 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, thành tích trên không che mờ được con số nạn nhân bị giết trong cuộc chiến đầy tranh cãi này. Ảnh: Guardian.
Mary Grace Llimit (áo hồng) thắp nến tại nghĩa trang Công giáo Novatas, Manila. Người em gái 16 tuổi của cô bị giết trong một chiến dịch truy quét của cảnh sát. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố "sẽ săn lùng tội phạm ma túy tới cổng địa ngục" và cho biết cuộc chiến ma túy sẽ không ngừng lại "dù có bị phản đối thế nào đi chăng nữa". Ảnh: Guardian.
Nhiều người nghèo tại Philippines phải chấp nhận tạm chôn thân nhân họ trong những ngôi mộ "xếp lớp" được thuê với thời hạn 5 năm và không được phép gia hạn.
Các nhóm nhân quyền lên án cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte chủ yếu nhằm vào những người nghèo không đủ khả năng và tiếng nói để chống lại cảnh sát.