Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tham gia đấu giá, chi trăm triệu đồng để sưu tầm đồ gốm

Thảo Hương (Hà Nội) từng mua một bộ đồ gốm 11 món từ 9 cửa hàng khác nhau, còn Kim Luân (Bình Định) sẵn sàng trả giá gấp 3 lần cho các sản phẩm thủ công.

Sưu tầm gốm là quá trình bền bỉ, đòi hỏi người chơi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Ảnh: Louis Hansel/Unsplash.

Trong 8 năm sống ở Hà Lan, Nghĩa Vandroy (36 tuổi, TP.HCM) tự hào nhất với bộ sưu tập đồ gốm sứ châu Âu của mình. Anh cho biết mình có hứng thú đặc biệt với những sản phẩm trang trí mang tính truyền thống ở đây, đặc biệt là những dòng gốm sứ nổi tiếng như Delft và Makkum.

"Tôi có một chiếc đĩa vẽ tay to và nặng của Delft, phía sau khắc chữ ký tác giả. Đây gần như là phiên bản duy nhất, khó có thể tìm được chiếc đĩa thứ 2 tương tự như vậy. Ngoài ra, tôi sưu tầm được một bộ bình trà vẽ tay kèm bộ đèn dầu bấc còn gần như nguyên vẹn, do quá thích nên vẫn giữ đến giờ chưa sử dụng", anh kể.

Muốn bộ sưu tập phong phú hơn, Nghĩa còn tìm mua thêm những dòng gốm thủ công khác của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy… khi đi du lịch.

Sở thích sưu tầm gốm

Ở nhà riêng và cả những công trình do Nghĩa thiết kế, anh thường dành những góc trang trọng, dễ thấy nhất để trưng bày đồ gốm.

Trên bàn phòng khách và trong phòng làm việc, anh đặt những lọ hoa có họa tiết hoa lá, chim muông, xung quanh được tô điểm thêm bằng những đồ trang trí nhỏ cũng làm bằng gốm sứ. Mảng tường cũng không kém phần nổi bật với set đĩa trắng xanh vẽ hình hoa cỏ, đơn giản nhưng vẫn tinh tế.

Theo Nghĩa, gốm là món đồ trang trí có lịch sử lâu đời, độ bền cao. Sau nhiều năm, một số món vẫn còn giữ được những đường nét, màu sắc gần như nguyên vẹn.

Hai dòng gốm Delft và Makkum mà Nghĩa sưu tầm đều có lịch sử hàng trăm năm ở Hà Lan. Dòng gốm Delft được sản xuất ở thành phố Delft nằm phía Nam của xứ sở hoa tulip.

Những món đồ gốm cổ thuộc dòng này có thể nhận diện bằng màu vàng của đất sét lộ ra ngoài hoặc ký hiệu của nhà sản xuất nằm ở phía dưới. Giá gốm Delft cổ thường rơi vào khoảng 3.000-6.000 USD (khoảng 74-148 triệu đồng), một số món thậm chí còn lên đến 100.000-200.000 USD (khoảng 2,4 tỷ-4,9 tỷ đồng).

Trong khi đó, gốm Makkum rực rỡ hơn, có cách lên màu đặc trưng và khá gần với gốm ngũ sắc Nhật Bản. Dòng này hiếm và có giá nhỉnh hơn gốm Delft.

Tương tự Nghĩa Vandroy, Ngọc Kiều (28 tuổi, TP.HCM) cũng yêu thích gốm sứ châu Âu cổ điển và đã có "thâm niên" 4 năm theo đuổi thú vui này.

Theo Kiều, đồ gốm châu Âu hấp dẫn cô ở sự sang trọng, tinh xảo. Dù cầu kì hay đơn giản, mỗi món đồ đều khiến không gian thêm ấn tượng và bắt mắt.

Hiện tại, cô đã sưu tầm được hơn 1.000 sản phẩm, bao gồm tách trà, ấm, chén... và trên dưới 5.000 chiếc thìa. Trong số đó, Kiều đặc biệt yêu thích những bộ ấm chén sang trọng của Royal Arden và các sản phẩm có họa tiết chú thỏ đáng yêu của dòng Peter Rabbit. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất tương đối vì khi không còn chỗ để, cô sẽ thanh lý bớt để mua thêm đồ mới.

Trong khi đó, Thảo Hương (38 tuổi, Hà Nội) lại đam mê những món đồ gốm mang nét mộc mạc, truyền thống của Nhật Bản.

"Khác với gốm Việt Nam hay Trung Quốc, các họa tiết trên gốm Nhật được người họa sĩ vẽ hoàn toàn bằng tay với sự sáng tạo và chau chuốt. Những nét vẽ đơn giản cũng rất có hồn và toát lên sự mộc mạc, tinh tế", cô chia sẻ với Zing.

Qua 6 năm miệt mài tìm kiếm, cô đã sở hữu nhiều dòng gốm có tiếng mà dân sưu tầm nào cũng mơ ước, có thể kể đến như Kyo Toan, Minoyaki, Tsuboya, củ khoai, thỏ...

Hiện tại, Thảo Hương đang săn lùng thêm gốm bách hoa. Như cái tên, dòng gốm này được trang trí với nhiều loại hoa khác nhau, bao gồm cúc vàng, cúc trắng, tiểu cúc, mẫu đơn và thược dược. Mỗi sản phẩm đều mang nhiều ý nghĩa tích cực, hướng đến sự viên mãn, hạnh phúc và trường tồn.

Cũng yêu thích những sản phẩm thủ công, nhưng Kim Luân (26 tuổi, Bình Định) lại đam mê đồ gốm được sản xuất ở những làng nghề truyền thống của Việt Nam. Trong ngôi nhà cấp 4 rộng 50 m2, nhân viên văn phòng này dành riêng một góc nhỏ để trưng bày khoảng 50 bình gốm tầm trung, chủ yếu là gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Hương Canh, Quyết Thành, Thanh Hà…

“Xuất phát từ sở thích cắm hoa, tôi bắt đầu sưu tầm các dòng gốm sứ thủ công. Dần dà, đó không chỉ là tình yêu với đồ gốm truyền thống mà còn là mong muốn thúc đẩy làng nghề phát triển”, Luân cho hay.

Tham gia đấu giá, tự thiết kế đồ gốm

Để sưu tầm được những sản phẩm gốm độc và hiếm, Nghĩa cất công đến từng cửa hàng đồ cổ và khu chợ trời ở Hà Lan.

"Trong khi mua đồ, tôi trò chuyện thêm với các chủ tiệm đồ cổ và học hỏi họ cách quan sát màu, nhìn vết rạn, số hiệu ký tay dưới đáy. Đây là những đặc điểm giúp người mua đánh giá xem một món đồ gốm có giá trị đến đâu", anh chia sẻ thêm.

Ngoài kinh nghiệm thực tiễn từ các chủ tiệm, Nghĩa còn tham quan viện bảo tàng, lâu đài cổ để tìm hiểu sâu hơn về phong cách của mỗi dòng gốm và cách trang trí. Bên cạnh đó, tham khảo bộ sưu tập cá nhân của các nhà sưu tầm chuyên nghiệp trên thế giới cũng giúp anh có thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Bộ sưu tập của Ngọc Kiều không có nhiều món đồ quý hiếm, nhưng lại nổi bật ở sự phong phú, đa dạng. Tính đến nay, cô đã đầu tư vài trăm triệu đồng cho thú vui này. Trong đó, món đồ đắt nhất là bộ ấm chén Royal Albert 15 triệu đồng.

Ngọc Kiều thường tự săn lùng những món đồ mình thích ở các cửa hàng trong và ngoài nước. Nếu không tìm thấy, cô mới nhờ người trung gian mua hàng xách tay.

"Niềm vui trong bộ môn này là phải săn tìm như kho báu thì mới mang lại cảm giác thỏa mãn và chinh phục", Kiều tổng kết.

Kinh nghiệm sưu tầm gốm của Thảo Hương lại đến từ việc “nằm vùng" trong gần 50 hội nhóm mua bán gốm Nhật và châu Âu. Đa số người chơi đều săn lùng đồ gốm ở những hội nhóm này. Tuy nhiên, việc sưu tầm không chỉ dừng lại ở thuận mua - vừa bán. Muốn sở hữu sản phẩm hiếm, được nhiều người yêu thích, cô phải tham gia những buổi đấu giá online:

"Gần đây tôi chơi đấu giá và mua được một bộ đồ gốm uống rượu sake vẽ họa tiết thỏ. Dòng này được nhiều nhà sưu tầm săn đón nên tôi đã phải "tranh đấu" với khoảng vài chục người", Thảo Hương chia sẻ.

Đặc biệt, với những sản phẩm đã ngừng sản xuất, cô phải săn lùng ở khắp nơi và chấp nhận mua lại hàng second-hand. Thời gian tìm kiếm có khi lên đến vài năm, nên Thảo Hương luôn nhắc mình phải thật kiên nhẫn và kiên trì.

"Tôi có một bộ gốm thủ công 11 món được mua lại từ 9 cửa tiệm khác nhau. Sản phẩm này rất hiếm nên nhiều cửa hàng muốn để lại trưng bày chứ không bán. Vì quá thích, tôi phải năn nỉ, thậm chí "hờn dỗi", "đe dọa" họ", cô kể.

Còn Kim Luân thường đặt trực tiếp từ lò gốm và không ngại trả giá gấp 3-4 lần cho những sản phẩm thủ công tinh xảo, độc bản và có chữ ký của tác giả.

"Có những sản phẩm vừa hoàn thiện, tôi đã liên hệ với nơi sản xuất để đặt mua luôn. Ngoài ra, tôi cũng tự lên ý tưởng về kiểu dáng, họa tiết, chất liệu của bình và đặt làm riêng tại lò gốm. Sau mỗi công đoạn, nhà lò đều gửi hình ảnh, đảm bảo chính xác đến từng chi tiết".

Trong số đó, có nhiều sản phẩm được đặt làm ở các làng gốm Hà Nội nên Kim Luân phải chờ đợi cả tuần mới có thể cầm trên tay bình gốm mình mong ngóng. Sau đó, anh lại dành hàng giờ để ngồi cắm hoa, bài trí bối cảnh chụp hình và chia sẻ với những người cùng sở thích.

Chọn phong cách nội thất cho phòng khách

Nếu yêu thích sự gọn gàng, ấm cúng, phong cách Bắc Âu là lựa chọn hợp lý cho phòng khách của bạn. Còn nếu muốn cá tính và phá cách hơn, bạn hãy thử thiết kế chiết trung.

Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.

Bích Ngọc

Bạn có thể quan tâm