Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tham nhũng lớn: 'Râu có dài đến rốn cũng phải bắt về quy án'

"Tôi đề nghị để cho rõ thì nên bổ sung tội bội tín hay tội ăn quỵt để đỡ tranh chấp về tội danh. Lấy của người ta hàng trăm tỷ đồng mà bảo không nguy hiểm làm sao được".

Là ý kiến của đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP HCM) trong phần góp ý của mình tại Quốc hội về Bộ luật hình sự sửa đổi trong ngày 16/6.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương, để ngăn chặn hành vi gây lãng phí nghiêm trọng như nhiều dự án bỏ hoang gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước và cũng để ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn có tham nhũng trong đó, “trong lần sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm cũng nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm tội lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng, tội phạm hóa loại tội phạm này trong Bộ luật hình sự”, ĐB Đương nói.

Tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp

Ngoài ra, nhiều người cho rằng có nhiều người có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều đô la nhưng không chứng minh được nguồn gốc. “Vì vậy tôi cũng đề nghị tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Như vậy, khi xảy ra sẽ có cơ sở pháp lý để đấu tranh xử lý, đồng thời chí ít ra quy định trong bộ luật này thì cũng răn đe phòng ngừa”, ĐB Đương nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị tội phạm hóa hành vi ăn quỵt. ĐB Đương lý giải: “Ví dụ anh vào nhà hàng ăn mất mấy chục triệu đồng, anh không trả. Rồi anh vay nợ hàng trăm tỷ đồng không trả, nếu bảo lạm dụng tín nhiệm thì lại sợ hình sự hóa quan hệ dân sự, cho nên một là oan, hai là lọt. Vì vậy, tôi đề nghị cho rõ thì nên bổ sung tội bội tín hay tội ăn quỵt để đỡ tranh chấp về tội danh. Lấy của người ta hàng trăm tỷ đồng mà bảo không nguy hiểm làm sao được, nhiều người tan cửa nát nhà vì đám này”.

Tham nhũng vặt thì nên áp dụng thời hiệu

Ông cũng cho hay, ông ủng hộ dự thảo không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về tham nhũng nhưng cần phân hóa, chỉ áp dụng đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng “tư tưởng pháp trị nghiêm khắc mới giảm bớt được tội phạm”.
ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng “tư tưởng pháp trị nghiêm khắc mới giảm bớt được tội phạm”.

“Râu có dài đến rốn, ông có trốn vẫn phải bắt về quy án và tịch thu tài sản. Nhưng những tham nhũng vặt, vài triệu đồng thì nên áp dụng thời hiệu, mới đồng bộ với các loại tội phạm khác, ít nghiêm trọng khác”, ĐB Đương nhấn mạnh.

Về hình phạt, theo ông thì hình phạt là cái giá mà người phạm tội phải trả, là hậu quả pháp lý phải gánh chịu, do thực hiện hành vi tội ác.

“Hình phạt không chỉ trừng trị để hoán cải tội nhân, điều quan trọng nhất hình phạt đặt ra để răn đe người khác đang có ý định phạm tội, răn đe đừng có phạm tội. Nếu một chính sách hình sự thể hiện trọng tâm hình phạt quá nhẹ ví tựa như mặt nước hiền dịu sẽ làm cho nhiều người chết vì nước”, ĐB Đương phân tích và ví von.

Luật phải cứng rắn để xã hội yên vui

Theo ĐB Đương, trong điều kiện nước ta hiện nay vẫn cần một chính sách hình sự cứng rắn để giảm bớt tội phạm, xã hội được yên vui.

Ông ủng hộ việc tăng cường áp dụng hình phạt tiền thay cho hình phạt tù đối với những người đúng nhóm tội, phạm tội vì tiền, dùng tiền làm phương tiện phạm tội thì nên áp dụng hình phạt tiền.

“Nhưng tôi không tán thành việc áp dụng hình phạt tiền với những tội cố ý chiếm đoạt như lừa đảo, trộm cắp. Loại tội này phạt tiền thì chết xã hội. Nó đi cắp rồi nộp phạt, nguy hiểm. Chính vì vậy, tôi đề nghị mở rộng áp dụng hình phạt tiền đối với loại tội trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”, ĐB Đương đề nghị.

Ông cho rằng, không bắt đi tù thì phải phạt tiền thật nặng trong các tội như: đánh bạc, buôn lậu, trốn thuế, kinh doanh trái phép.

“Bộ Luật hình sự không chỉ có tù mà còn có phạt tiền vì anh phạm tội vì tiền. Vì lợi nhuận anh gây hại cho người khác, anh phải chịu trách nhiệm và phạt thật nặng. Do đó, liên quan đến hình phạt này đó là tử hình. Răn đe nghiêm khắc, tước đoạt tính mạng làm cho người phạm tội sờn lòng vì sợ chết mà không dám phạm tội, đấy mới là quan trọng”, ĐB Đương nói.

Tư tưởng pháp trị nghiêm khắc mới giảm bớt được tội phạm. Nên phải cân nhắc rất kỹ việc bỏ các tội danh tử hình trong bộ luật, đặc biệt là tội cướp. “Vừa rồi TP HCM phải xử người chặt lìa tay một cô gái ở giữa đường phố để cướp xe SH, dân chúng rất sợ hãi. Đấy là một thực tế đặt ra”, ĐB Đương dẫn chứng.

Tướng Chung: Cớ gì không tử hình tội phạm tham nhũng

“Người nghèo đi buôn ma tuý bị lĩnh án tử hình, không cớ gì người có chức vụ, kiến thức mà tham ô, tham nhũng lại không bị tử hình”, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nói.

Xử lý hình sự pháp nhân

Cũng theo ĐB Đương, ông ủng hộ việc truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân, pháp nhân ở đây là pháp nhân kinh tế hoạt động vì lợi nhuận. Nói cụ thể đó chính là các doanh nghiệp kinh tế. Vì sao phải truy cứu trách nhiệm pháp nhân? 

Có thể nói có tới 119 quốc gia đã làm, trong khu vực có 6 nước, người ta thấy mọi hoạt động của pháp nhân thông qua hành vi của các cá nhân. Trong thực tế xảy ra, các nước quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình, doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài vi phạm luật thì bị xử lý hình sự. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vi phạm luật lại xử lý hành chính.

“Vì vậy, tôi thấy pháp nhân đã phạm lỗi hình sự và phạm lỗi hành chính được thì không nên khước từ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Không ai nhân danh pháp nhân để phạm tội hiếp dâm hoặc giết người, nhưng qua luật pháp các nước thì pháp nhân phạm những tội như lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, cạnh tranh bất hợp pháp, cho vay nặng lãi, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường là vấn đề rất bức xúc ở Việt Nam hiện nay như: Vedan, Nicotex. Người ta cũng không phải xử tù, xử bắn pháp nhân, mà hình phạt các nước áp dụng chính là đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động, đặc biệt nhất là phạt tiền. Nếu cùng hành vi như cá nhân thì pháp nhân phạt tiền rất nặng, gấp hàng trăm lần, thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng mới thỏa đáng”, ĐB Đương nhấn mạnh.

http://phapluattp.vn/thoi-su/tham-nhung-lon-rau-co-dai-den-ron-cung-phai-bat-ve-quy-an-562323.html

Theo Lê Phi/Pháp Luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm