Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thẩm phán Ấn Độ bị chỉ trích vì khuyên nạn nhân cưới kẻ hiếp dâm

Hàng nghìn người đã ký kiến nghị yêu cầu Sharad Arvind Bobde từ chức sau khi vị thẩm phán đưa ra nhận xét về một vụ cưỡng hiếp nữ sinh.

Thẩm phán hàng đầu của Ấn Độ Sharad Arvind Bobde đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức sau khi khuyên một kẻ bị buộc tội hiếp dâm kết hôn với nạn nhân là một nữ sinh để tránh phải ngồi tù, The Guardian đưa tin hôm 4/3.

"Nếu bạn muốn kết hôn với cô ấy, chúng tôi có thể giúp đỡ. Nếu không, bạn sẽ mất việc và đi tù", vị thẩm phán nói tại một phiên điều trần.

Tuyên bố của ông Bobde làm dấy lên làn sóng phẫn nộ. Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã đưa ra bản kiến nghị kêu gọi ông Bobde từ chức và thu hút 5.200 chữ ký.

khuyen ke hiep dam cuoi nan nhan anh 1

Thẩm phán Ấn Độ Sharad Arvind Bobde bị chỉ trích vì những phát ngôn được cho bình thường hóa tội hiếp dâm. Ảnh: Getty.

Theo bản kiến nghị, bị cáo bị cáo buộc theo dõi, trói, bịt miệng, nhiều lần cưỡng hiếp nữ sinh và đe dọa sẽ tưới xăng, thiêu sống cô, cũng như sát hại anh trai cô.

"Bằng cách gợi ý rằng kẻ hiếp dâm này nên kết hôn với nạn nhân, thẩm phán đã tìm cách kết án nạn nhân bị hãm hiếp suốt đời dưới bàn tay của kẻ hành hạ đã khiến cô ấy cố gắng tự tử", bản kiến nghị viết.

Các vụ bạo lực tình dục ở Ấn Độ đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế kể từ sau vụ hiếp dâm tập thể và giết hại một học sinh trên xe buýt ở Delhi năm 2012.

Nạn nhân thường xuyên bị cảnh sát và tòa án đối xử bất công, bao gồm cả việc được khuyến khích kết hôn với kẻ tấn công họ trên danh nghĩa "các giải pháp hòa giải".

Kiến nghị cũng khiến công chúng đổ dồn sự chú ý vào một phiên điều trần khác hôm 28/2, trong đó ông Bobde đã đặt câu hỏi liệu quan hệ tình dục giữa một cặp vợ chồng có bao giờ bị coi là hiếp dâm hay không.

"Người chồng có thể là một người đàn ông vũ phu, nhưng bạn có thể gọi hành vi giao cấu giữa người đó với vợ hợp pháp của anh ta là hành vi hiếp dâm không?", ông nói.

Kiến nghị của các nhà vận động quyền phụ nữ cho biết: "Bình luận này không chỉ hợp pháp hóa bất kỳ hình thức bạo lực tình dục, thể chất và tinh thần nào của người chồng, mà nó còn bình thường hóa sự tra tấn mà phụ nữ Ấn Độ đã phải gánh chịu trong nhiều năm mà không có bất kỳ biện pháp pháp lý nào".

Thực tế, cưỡng ép tình dục trong hôn nhân không phải là một tội ác ở Ấn Độ. Hiện ông Bobde vẫn chưa lên tiếng trước những lời chỉ trích hướng về mình.

Người tiền nhiệm của ông, Ranjan Gogoi, cũng từng phải đối mặt với đơn khiếu nại #MeToo sau khi bị một nhân viên cũ cáo buộc tấn công tình dục.

Gogoi được xử trắng án vào năm 2019 sau một cuộc điều tra nội bộ. Vụ việc gây ra hàng loạt cuộc biểu tình sau đó.

Sự nghiệp bị xóa sổ và cái giá của nạn bắt nạt ở Hàn

Nhiều người nổi tiếng Hàn Quốc đang đối mặt làn sóng tẩy chay sau một loạt cáo buộc bắt nạt trong quá khứ. Lời xin lỗi muộn màng không thể giúp họ cứu vớt tên tuổi, sự nghiệp.

Lê Vy (Theo Guardian)

Bạn có thể quan tâm