Ngày 4/7, một cán bộ có trách nhiệm của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho phóng viên biết thêm thông tin, xung quanh việc khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Duy Hiệp (39 tuổi, trú tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) - Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, phạm tội Nhận hối lộ. Cơ quan điều tra xác định, thời điểm phạm pháp Hiệp đang là Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thanh Liêm.
Trước đó, ông Đỗ Minh Tý và con trai là Đỗ Đức Tuân (trú tại xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã chủ động tố giác hành vi việc nhận tiền "chạy án" của ông Nguyễn Duy Hiệp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam. Sau khi xác minh có cơ sở, ngày 30/6, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện lệnh khám xét và bắt khẩn cấp đối với ông Hiệp để phục vụ công tác điều tra.
Cùng ngày 4/7, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Hiệp về tội danh nêu trên.
Theo tài liệu tố tụng, năm 2008, thôn Thanh Bồng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam thực hiện dự án làm đường trong thôn. Đỗ Đức Tuân, Vũ Thị Nguyệt là thành viên tổ kiểm kê, xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư; còn Đinh Quang Hưng là lao động tự do, được thuê xây lắp giếng khoan ống nước. Trong quá trình kiểm kê đền bù tài sản, Nguyệt và Tuân đã cấu kết với Hưng khai khống số lượng giếng khoan nhằm chiếm đoạt hơn 24 triệu đồng của Nhà nước chia nhau.
Vụ việc bị phát hiện, công an huyện Thanh Liêm đã khởi tố 3 người trên về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vụ án sau giai đoạn truy tố được chuyển sang tòa án nhân dân huyện Thanh Liêm để xét xử. Thời điểm này, Nguyễn Duy Hiệp là Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, là người trực tiếp thụ lý, xét xử vụ án.
Để xin cho Tuân được giảm án, ông Đỗ Minh Tý cùng con trai là Đỗ Đức Tuân đã đến gặp thẩm phán Hiệp để xin cho Tuân được xử với mức án thấp nhất (án treo). Hiệp nhận lời giúp đỡ và yêu cầu bố con ông Tý đưa 80 triệu đồng chi phí, nhưng một thời gian sau, Hiệp lại yêu cầu đưa thêm... Mặc dù gia đình ông Tý thuộc diện nghèo, ông là bộ đội xuất ngũ, được hưởng chế độ bệnh binh, gia đình có hai người bị thiểu năng trí tuệ di chứng nhiễm chất độc da cam từ ông trong chiến tranh; nhưng gia đình ông Tý đã chạy vạy, đưa cho Hiệp 235 triệu đồng.
Ngày 12/6, khi xét xử sơ thẩm, Hiệp không giữ đúng lời hứa, lại xử Tuân 12 tháng tù giam. Bức xúc, cha con ông Tý đã chủ động tố giác với cơ quan chức năng. Đồng thời, đã nhiều lần gặp Hiệp đòi lại tiền, sáng cùng ngày khi Hiệp bị bắt, vị thẩm phán này đã trả cho ông Tý và Tuân 185 triệu đồng, số còn lại Hiệp không trả vì nói đã sử dụng để quan hệ "chạy án".
Đây là vụ tiêu cực, mặc dù số tiền của Nhà nước bị chiếm đoạt không nhiều, nhưng nó xảy ra ở một làng quê, nên đã gây dư luận không tốt, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hà Nam xác định cần phải đưa vụ án ra xét xử lưu động tại xã một cách nghiêm túc để giáo dục răn đe và phòng ngừa những hành vi tương tự. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cũng đã nảy sinh những quan điểm khác nhau về đường lối xử lý vụ án đối với 3 bị can.
Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng, thẩm phán Hiệp đã bỏ ngoài tai những quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, tự ý tung tin theo kiểu ra điều kiện: Nếu các cơ quan tố tụng đồng ý tuyên án treo cho Nguyệt và Tuân thì sẽ tuyên Hưng phạm tội. Bằng không, Hiệp sẽ tuyên Hưng không phạm tội, cho dù trước đó, cơ quan tiến hành tố tụng đã thống nhất và xin quan điểm xử lý của cấp trên, khẳng định Hưng có tội... Sau này, việc xét xử diễn ra đúng theo nguồn tin mà dư luận cho biết.