Ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, người từng ngồi ghế chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử oan ông Chấn và là người vừa bị cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố vì điều này, đã nói như thế.
"Thà tôi bị kỷ luật chứ không để dân bị oan”
- Thưa ông, sau khi nhận quyết định khởi tố, bản thân ông cảm thấy thế nào?
- Tôi phải nói thật thế này. Thứ nhất, tôi đã không làm gì trái với lương tâm. Tôi không phải loại thoái hóa, biến chất, tham nhũng. Đây là có kẻ hữu ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, còn tôi chỉ làm đúng bổn phận theo luật. Thứ hai, tôi đã vô cùng đau đớn. Suốt đời tôi luôn tâm niệm mình phải luôn trung thực, liêm khiết và bảo vệ công lý. Đây là chuyện tai nạn nghề nghiệp. Tuy vậy, tôi không ân hận.
- Vậy ông có thấy mình khởi tố oan không?
- Tôi kết án theo luật, nếu VKSND Tối cao làm đúng theo trách nhiệm thì ông Chấn đã ra tù cách đây 8-9 năm rồi. Tôi không thể làm khác được, như thế là làm sai lệch hồ sơ vụ án. Còn bên VKS thì sao? Sao họ không nghĩ đến trách nhiệm của họ? Họ có vô tâm, vô cảm không khi dân người ta kêu oan nhưng họ cũng không giải quyết gì. Nếu tôi phát hiện ra, tôi sẵn sàng đề nghị người ta phải làm dù cho phải cởi áo từ quan. Thà tôi bị kỷ luật chứ không để người dân bị oan. Tôi đã làm hoàn toàn hết sức mình rồi.
- Ông có kiến nghị gì để xử lý công bằng hơn không?
- Tôi vốn là người lính, chiến sĩ chưa ăn thì mình không được kêu đói. Bây giờ họ trừng trị ai thì họ làm thôi, còn tôi thì tự chịu. Tôi không muốn làm tổn thất đến người khác.
Ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, người từng ngồi ghế chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử oan ông Chấn. |
- Ông có thể nói thật với lòng mình, rằng trong vụ ông Chấn bị oan này, ông có cảm thấy mình có lỗi nào không?
- Thực tế lúc bây giờ anh ạ, với một hồ sơ như thế, tôi phải căn cứ, tuân theo hồ sơ và kết quả điều tra của người ta. Dĩ nhiên đánh giá chứng cứ phải theo chủ quan của con người, bằng kinh nghiệm, trình độ của mình. Trong ngành tư pháp không có gì tuyệt đối, có những cái thậm chí không được chuẩn xác. Có những lúc nhận thức của tôi không được chuẩn nhưng chứng cứ tôi không bịa ra được.
“Một mình tôi không phải là thánh”
- Theo ông, để dẫn đến việc ông Chấn bị kết án oan là do đâu?
- Tôi vốn là người lính, qua bao nhiêu chuyện, tôi không chết vì bom đạn mà chết vì thủ đoạn của bên công an. Họ làm án, làm sai lệch vụ án đến bây giờ mới phát hiện được. Một mình tôi không phải là thánh. Tôi xử theo luật, làm theo bổn phận thì chỉ có thế thôi.
- Trong phiên tòa, không chỉ một mình ông quyết định hết, còn có hai thẩm phán khác, cả ba thẩm phán trong HĐXX phải thông qua biểu quyết khi nghị án. Vậy ý kiến họ thế nào?
- Hai thẩm phán còn lại đều nhất trí. Xét xử theo tập thể, quyết định theo đa số. 10 năm qua, gia đình ông Chấn cũng đã gửi đơn lên VKSND Tối cao để kêu oan, nếu người ta khiếu nại oan sai, người xử án không thể can thiệp hay làm gì được, nếu không là làm sai lệch hồ sơ vụ án. Chỉ có cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh bằng tái thẩm hoặc giám đốc thẩm. Họ thụ lý đơn nhưng họ nói lý do này nọ mà họ bác. Đây là trường hợp bất khả kháng mà tôi không thể biết được. Tôi cũng là con người, không phải là thánh. Một người như tôi có thể không nhìn ra nhưng cả một tập thể thì trí tuệ phải nhân lên nhiều lần vậy mà cũng không nhìn ra.
- VKSND Tối cao khởi tố ông tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vậy theo ông, trách nhiệm của những người còn lại thì thế nào?
- Tòa có trách nhiệm xét xử độc lập. Tôi là chủ tọa có trách nhiệm triệu tập và xét xử. Tất cả thẩm phán còn lại, cả vị kiểm sát viên VKSND Tối cao đều khẳng định không oan. Nhưng chỉ mình tôi bị khởi tố!
- Thế còn việc ông Chấn trong phiên tòa kêu oan, nói rằng bị bức cung nhục hình thì sao?
- Trong phút cuối khi yêu cầu thật thà khai báo để hưởng khoan hồng, ông Chấn nói vậy. Theo tâm lý thường thấy của tội phạm là hay nói vậy để chối tội. VKS khẳng định rằng không có căn cứ. Trong buổi họp của Ủy ban Tư pháp vừa rồi có người nói 20 năm chưa phát hiện có trường hợp nào bức cung, mới xử lý được vài ba trường hợp dùng nhục hình. Vì vậy, trong hoàn cảnh đó tôi cũng không biết được gì khi họ cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Vài nét về ông Chiêm
Từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi đi gần 20 km ra phía ngoại thành đầy nắng bụi để đến xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm (Hà Nội), nơi ông Phạm Tuấn Chiêm cư ngụ. Đây là con đường ông Phạm Tuấn Chiêm đi làm trong suốt 15 năm làm thẩm phán tại Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông rắn rỏi, gương mặt có nét khắc khổ.
Ông Chiêm, 65 tuổi, quê Ninh Bình. Sau này ông ở nhiều nơi, đến năm 1995 thì về ở tại Gia Lâm, Hà Nội cho đến nay.
Ông Chiêm đi lính từ năm 1968 cho đến năm 1972. Ông vào ngành tòa án vào tháng 9/1976. Ông Chiêm bị một lần bom vùi và vô số lần bị thương nhưng bị nặng nhất là chấn thương cột sống và chấn thương tiểu não dẫn đến u não. Lúc đầu chỉ là tụ máu nhưng đến giờ thì càng nặng.