Ngày 16/11, trong một cuộc họp báo tại Seoul, CJ ENM chia sẻ thông tin chi tiết về đội hình nghệ sĩ biểu diễn của Mnet Asian Music Award (MAMA) năm 2021. Tuy nhiên, không dừng ở đó, tổng giám đốc CJ ENM, Kim Hyun Soo công bố ý định tổ chức chương trình tại Mỹ.
Theo The Korea Times, mục đích chính của việc tổ chức MAMA ở Mỹ chính là thu hút thêm khán giả cho những lĩnh vực văn hóa, giải trí khác của Hàn Quốc, chẳng hạn phim truyền hình, điện ảnh hay chương trình tạp kỹ.
Từ tham vọng thống trị thị trường âm nhạc châu Á
MAMA là chương trình trao giải cuối năm do CJ ENM tổ chức và được phát sóng thông qua kênh Mnet. Sự kiện được ra mắt vào năm 1999 với tên gọi Mnet Music Video Festival và được đổi tên nhiều lần. Từ năm 2009 đến nay, chương trình được biết đến với tên gọi Mnet Asian Music Award.
MAMA đã trở thành một lễ trao giải toàn cầu vào năm 2010 khi nó được tổ chức tại Macao, Singapore và Hong Kong. Đây là lễ trao giải cuối năm đầu tiên của Hàn Quốc được tổ chức đồng thời tại ba địa điểm trên khắp châu Á. Với việc lên kế hoạch tổ chức một buổi biểu diễn trên đất Mỹ, MAMA đang nỗ lực chứng minh sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của K-Culture (Văn hóa Hàn Quốc) trên toàn cầu.
MAMA được tổ chức thường niên và quy tụ những ca sĩ, nhóm nhạc, diễn viên nổi tiếng. Ảnh: Mnet. |
Từ giữa những năm 2000 đến đầu những năm 2010, các vở nhạc kịch và phim truyền hình Hàn Quốc trở nên phổ biến trên khắp châu Á. Thông qua sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Hàn Quốc, làn sóng Hàn Quốc đã lan rộng khắp châu Á với giới thần tượng là trung tâm. Khi sự phổ biến của văn hóa Hàn Quốc ngày càng lan rộng, MAMA lần đầu tiên ra ngoài lãnh thổ Hàn Quốc vào năm 2010. Ê-kíp sản xuất tổ chức chương trình tại Macao.
Giám đốc điều hành Mnet Park Kwang Won từng cho biết trước khi tổ chức chương trình tại Macao vào năm 2010: “Cần có sự giao thoa giữa văn hóa châu Á nói chung để phát triển làn sóng châu Á. Cũng giống tầm ảnh hưởng mà giải Grammy của Mỹ có đối với toàn bộ thị trường phương Tây, chúng tôi hy vọng MAMA phát triển để có thể ảnh hưởng đến thị trường âm nhạc châu Á”.
Tới mục tiêu mới là âm nhạc toàn cầu
Hiện tại, khi Kpop đã nổi tiếng tại châu Á, thậm chí các nước phương Tây, MAMA nhắm tới mục tiêu cao hơn, đó chính là quy mô toàn câu. Câu hỏi là tại sao MAMA tiến tới Mỹ trong khi Kpop đã ngày càng phổ biến và các nhóm nhạc thần tượng liên tục lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Thậm chí, Parasite và Minari giành giải Oscar, Squid Game trở thành chương trình Netflix được xem nhiều nhất trên dịch vụ phát trực tuyến.
Tuy nhiên, tờ The Korea Times lý giải Kpop không phải lĩnh vực duy nhất Hàn Quốc muốn phổ biến ra toàn cầu. Họ tham vọng sự nổi tiếng của cả các chương trình âm nhạc, tạp kỹ.
Và thực tế, văn hóa Hàn Quốc phải mất nhiều bước để sự phổ biến kể trên xảy ra. Do đó, lúc này họ cần lên kế hoạch liên tục để giữ vững sức nóng của Kpop trên thị trường. Năm 2009, BoA định cư tại LA để quảng bá đĩa đơn tiếng Anh Eat You Up. Album đưa cô trở thành ca sĩ Kpop đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng Billboard 200.
Nghệ sĩ solo Rain đạt được vị trí cao tại Mỹ và năm 2006, anh vào top 100 người có ảnh hưởng thế giới của tạp chí Time. Tuy nhiên, BoA đã quay trở lại Hàn Quốc và Nhật Bản để quảng bá do sự nghiệp ở Mỹ không có triển vọng, trong khi Rain mất dần sự nổi tiếng sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Nhiều nhóm nhạc sau đó nhắm tới thị trường Mỹ nhưng phải tới năm 2012, Kpop mới có đột phá lớn nhờ bản hit Gangnam Style của PSY. Bài hát này đã mở ra nền âm nhạc Hàn Quốc trước mắt những ai chưa biết về ngành công nghiệp giải trí béo bở này.
Diễn viên Squid Game Heo Sung Tae tham dự MAMA 2021 và có tiết mục kết hợp với nhóm nhạc ITZY. Ảnh: JYP Entertaiment, |
Hợp tác với CJ ENM, tờ Koreaboo đã nhân cơ hội để tạo ra concert Kcon vào năm 2012 tại LA. Sự kiện đã thu hút 20.000 người và tăng lên 42.000 người tham dự vào năm 2014. Kcon vẫn được duy trì trong những năm gần đây với lượng khán giả ngày càng tăng.
Các nhóm nhạc luôn có lượng fan đông đảo ở khắp nơi trên thế giới. Họ đón đợi thần tượng chia sẻ nhiều nội dung hơn, bao gồm video vũ đạo, cảnh hậu trường của MV, cuộc sống hàng ngày… Chính những người hâm mộ cuồng nhiệt tạo ra lượng truy cập kỹ thuật số khổng lồ.
Và loại tác động nói trên là những gì MAMA muốn tận dụng. Mnet đang sử dụng sự công nhận mà Kpop có được như một cơ hội để mở rộng chương trình MAMA nói riêng và các lĩnh vực văn hóa khác của Hàn Quốc nói chung.
Việc MAMA mở rộng sang Mỹ có thể là cơ hội để K-Culture trở thành một hiện tượng toàn cầu, thậm chí lớn hơn. Trong lễ trao giải, nhiều người có mặt là diễn viên. Những người này có thể thu hút sự chú ý của khán giả, từ đó thúc đẩy sự quan tâm đến các tác phẩm của họ.
Sau đó, sự chú ý này có thể dẫn đến lượng khán giả mới cho các chương trình và nhiều người đầu tư vào K-Drama (phim truyền hình Hàn Quốc) hơn.
Hơn nữa, nhiều thần tượng tham gia chương trình tạp kỹ để quảng bá sản phẩm của họ. Do đó, khi thu hút thêm người hâm mộ quan tâm Kpop, các chương trình âm nhạc hàng tuần và show tạp kỹ Hàn Quốc cũng được chú ý theo.
Nhìn chung, dự định chuyển sang Mỹ của MAMA tương tự kế hoạch mở rộng đầu tiên của chương trình sang các nước châu Á. Qua đó, đơn vị tổ chức muốn nhân sức nóng từ Kpop để kéo theo sự phổ biến ngày càng tăng cho văn hóa Hàn Quốc.