Thân Thúy Hà: 'Không đủ bản lĩnh để chửi tay đôi'
'Tôi không ngu xuẩn để trả lời không mặc hàng chợ, vì 80% quần áo tôi mặc đều là hàng chợ", nữ diễn viên bức xúc về bài viết bị độc giả "ném đá".
>> Thân Thúy Hà quý phái đầm đen
>> Thân Thúy Hà: 'Chồng tôi không bao giờ lớn được'
"Xin đừng bịa đặt để biến tôi thành trò đùa"
- Cách đây 2 ngày, cái tên Thân Thúy Hà bỗng dưng nổi tiếng hơn trên một số diễn đàn và các trang báo với tuyên ngôn "không dám mặc hàng chợ". Vốn là một người nổi tiếng, chị nói gì về sự nổi tiếng được xem là bỗng dưng này?
- Sự nổi tiếng bỗng dưng đó xảy ra cách đây 2 ngày nhưng phải đến chiều hôm qua, khi đang trên đường đi làm về tôi mới được một người bạn thân gọi điện và nói trên báo mạng có một bài phỏng vấn và hỏi tôi xem chưa. Nghe thế, tôi tò mò lắm nên nhanh chóng về nhà mở máy tính xem ngay. Thật sự, khi vừa mới đọc cái tít, tôi đã tức giận vô cùng. Tôi không thể tin mình đi trả lời phỏng vấn như thế. Ngay từ câu đầu của bài phỏng vấn, tôi trả lời rằng mình đã trưởng thành, luôn biết nói chuyện gì nên nói, chuyện gì không khi trả lời phỏng vấn, hơn nữa tính tôi cũng không thích scandal, cớ gì tôi lại đi trả lời một cách ngu xuẩn như thế?
- Câu trả lời của chị nguyên văn là: "Tôi cảm thấy có nhiều khi mình không được thoải mái lắm, nhất là khi đi ra đường, hay khi đi chợ, đi mua sắm. Nhiều khi thấy một chiếc áo đẹp ngoài chợ muốn mua nhưng lại sợ bị mọi người nhòm ngó là cô người mẫu hay diễn viên này xài hàng chợ… nên tôi lại thôi, chỉ đứng từ xa thích thôi. Dù chẳng có ai đưa ra quy định người mẫu không được dùng hàng chợ. Song đó dường như một thoả thuận ngầm với những người trong giới". Chị không hề trả lời câu hỏi này ư?
- Đúng vậy, biết là người phóng viên đó có thêm thắt một ý gì đó vào để bài viết được hay và phong phú hơn nhưng họ không nghĩ rằng, những gì họ cho là hay, hấp dẫn, độc đáo đối với họ lại đem đến cho tôi phiền phức.
Thực tế như mọi người cũng thấy, tôi đã hứng chịu biết bao nhiêu lời lẽ tồi tệ. Tôi năm nay bao nhiêu tuổi mà đi phát biểu những câu chính bản thân mình đọc cũng đã khó chịu, tức giận, nói gì công chúng. Nếu như phóng viên chuyên nghiệp và có tâm, họ sẽ gửi lại cho nhân vật đọc bài và đồng ý trước khi đăng bài, nhưng đằng này…
- Theo chị, vì sao người viết lại tự dưng thêm phần trả lời về "hàng chợ" vào phần trả lời mà không phải các vấn đề khác có liên quan đến chị?
- Có thể tôi trả lời phỏng vấn không được sốc, hấp dẫn, gây sự chú ý cho độc giả nên mới thêm vào. Thực tế, khi trả lời câu hỏi, cái khổ của người nổi tiếng là gì, tôi có nói người nổi tiếng khi đi mua sắm sẽ gặp một cái khổ là khó trả giá, mặc cả về giá trị món hàng. Bởi thế, thông thường người nổi tiếng hoặc sẽ bị mua mắc hơn bình thường, hoặc sẽ được mua với giá rẻ hơn. Khi trả giá, chúng tôi thường bị soi và cho là người keo kiệt. Vì lẽ đó tôi thường hay đi siêu thị để mua đồ hơn để không phải trả giá... Tôi chỉ nói đơn giản vài ý thế thôi. Vậy mà khi lên báo, câu trả lời của tôi biến thành "không dám mặc hàng chợ vì sợ" là sao?
- Vậy cái khổ thật sự của người nổi tiếng là gì?
- Cái khổ của nghệ sĩ chúng tôi là khi gặp những sự cố sẽ bị "ném đá" và xúc phạm với những lời lẽ khó nghe. Chúng tôi là không thể lên tiếng giải thích cho từng độc giả hiểu, để họ hiểu và làm mọi người hài lòng về mình.
- Nhưng nổi tiếng phải đi kèm tai tiếng. Chị nghĩ sao?
- Nếu nổi tiếng theo cách này, tôi xin từ chối. Tôi thà âm thầm sống bình dị, yên ổn để được nụ cười sảng khoái còn hơn là cười gượng gạo, đi giữa đám đông, mình bị nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm. Thật ra tôi luôn hạn chế tới mức tối đa và luôn thận trọng để scandal dính vào mình, vậy mà vẫn không tránh được.
"Nếu là đầu chợ, tôi đã chửi tay đôi"
- Hỏi thật, chị đã đọc những lời "ném đá" mà khán giả dành cho chị?
- Thành thật, khi mới xem tới bình luận thứ 4, tôi đã không thở nổi. Tôi không có hứng thú gì để đọc tiếp những bình luận khác. Đồng ý, mọi người có quyền tự do ngôn luận, nhưng không biết khi viết ra những lời như thế, họ có cảm thấy sảng khoái hơn không, nhưng thật sự những lời lẽ đó làm tổn thương tôi nhiều lắm. Nếu người bị "ném đá" là anh chị em của mình, không biết họ có nhiệt tình chỉ trích như thế không? Nghệ sĩ hay người bình thường cũng chỉ là con người, cần gì nói nặng với nhau để làm tổn thương nhau như thế?
- Thậm chí khi bị gọi là "người đẹp có cái đầu chợ", chị thấy sao?
- Nếu là anh, anh có sốc không? Tôi nhiều lần sốc lắm. Nếu tôi là người "đầu chợ" thì tôi đã nhảy vào bình luận, chửi tay đôi với độc giả. Nhưng tôi không đủ bản lĩnh để làm điều đó. Có "đầu chợ" hay không, tôi tin bản thân mình và những người đã tiếp xúc với mình sẽ hiểu. Sống trong giới nghệ thuật 17 năm nay, đời sống riêng tư của tôi ra sao, thế nào, tôi tin mọi người sẽ biết.
- Chị có trách độc giả sao quá khắt khe với mình?
- Tôi không trách ai nhưng tôi cảm thấy bị tổn thương và buồn về những gì họ đã nghĩ, đánh giá về mình qua bài viết. Tôi sẽ xem đây là một bài học đắt giá để sau này cẩn thận hơn khi làm việc với báo chí. Thật ra, đây là lần đầu tiên tôi gặp sự cố với báo chí. Tôi hy vọng đây sẽ là lần cuối cùng trong sự nghiệp mình gặp phải. Trước giờ tôi luôn là người cẩn thận trong khi ăn nói, làm gì tôi cũng ý thức trước sau vì mình là người của công chúng. Bởi thế anh thấy tôi ít khi xuất hiện tại chốn đông người, các bữa tiệc tùng, sự kiện là vậy. Tôi đủ tự tin đến nơi đó nhưng tôi không đủ tự tin để bị người khác tặng danh hiệu "nữ hoàng tiệc tùng".
- Bị bịa đặt về cách nhìn của mình là hàng chợ, nhưng chị nghĩ gì về hàng chợ?
- Tôi không phải là đại gia, "yêu nữ hàng hiệu" hay thừa tiền, lắm của để xài hàng hiệu từ chân đến đầu. Tôi biết đồng tiền làm ra khó khăn như thế nào nên tôi hiểu giá trị của đồng tiền. Với tôi, hàng hiệu hay hàng chợ đều không nói lên được điều gì ngoại sự chênh lệch về giá cả quá cao. Tôi biết mình xuất thân từ đâu, thuộc tầng lớp nào, cuộc sống trước đây khó khăn ra sao, tôi vẫn nhớ như in trong đầu, không bao giờ tôi quên quá khứ của mình. Đó là niềm tự hào của tôi và gia đình tôi. Những nghị lực, ý thức và bản lĩnh có được, tôi phải nhờ quá khứ nghèo khó.
Nói thật với khán giả, 80% đồ tôi mặc để xuất hiện qua các vai diễn trong phim truyền hình đều từ chợ. Chợ Bến Thành (TP.HCM) là nơi tôi thỉnh thoảng hay ghé vào mua đồ cho con trai và người thân nhiều nhất. Không ghé chợ hàng ngày nhưng tôi vẫn là khách quen của nhiều gian hàng trong đó. Khi mua quen mặt, họ sẽ bán đúng giá, tôi không cần mặc cả.
Còn toàn bộ những thứ quần áo tôi diện trên người hàng ngày, tôi quan niệm những gì tôi mua chỉ cần rẻ, đẹp và bền. Ra chợ mua đồ, tôi xem giá trước, không cần xem tên tuổi, thương hiệu hay xuất xứ. Nếu hàng hiệu đến từ nước ngoài có giá rẻ, đẹp như hàng Việt Nam, tại sao tôi không mua? Nhưng tiếc là điều đó khó xảy ra lắm. Từ trước đến nay, anh có bao giờ thấy tôi khoe trên báo rằng vừa mua được cái túi, đôi giày hàng hiệu không? Đó là những phù phiếm không nói lên được điều gì cả.
- Vậy có thể nói chị cũng là "tín đồ hàng chợ"?
- Tôi không là tín đồ cho bất kỳ hàng nào cả. Nếu thấy món hàng nào thích và vừa túi tiền, nhất là hàng sale, rẻ, bền, đẹp là tôi mua ngay. Đôi lúc, tôi vẫn tự thưởng cho mình những món hàng có giá trị cao nhưng đó là chuyện của thời độc thân, còn bây giờ, điều quan trọng vẫn là con trai tôi phải đủ ăn, đủ mặc.
- Chị không khinh, không chê hàng chợ, thế còn điều gì nữa ở hàng chợ khiến chị thoải mái đến mua và sử dụng?
- Vì hàng chợ giá cả vừa phải. Nếu như đóng một phim, ít nhất tôi phải mua từ 20 bộ quần áo trở lên để đi quay. Nếu đóng vai con nhà giàu, ăn mặc sành điệu, tôi phải bỏ tiền mua ít nhất 50 bộ quần áo. Ngoài ra còn phải tính đến giày dép, túi xách, trang sức… Nếu không mua ở chợ thì tiền đâu tôi mua cho được những thứ đó, tiền đâu tôi còn để nuôi con trai bây giờ?
"Thà cầm túi ni-long có tiền chứ không bán thân"
- Về quan điểm bị hiểu lầm của chị, có độc giả bình luận: "Thà mặc hàng chợ mà có cái tâm, cái đầu hiệu còn hơn mặc hàng hiệu mà cái tâm, cái đầu chợ". Chị nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi quan niệm, thà mình cầm cái túi ni-long mà trong đó có tiền để sinh sống thoải mái, lo cho con trai tốt còn hơn trên người quần áo lụa là nhưng phải bán thân. Tôi đồng ý những gì họ nói có một phần là đúng thôi vì thật ra không phải ai mặc hàng hiệu đều không có tâm và không có đầu óc. Đôi khi nhờ đầu óc thông minh mà họ làm ra tiền và có khả năng xài hàng hiệu thì vẫn tốt. Khi đó những thức đắt tiền họ mang trên người rất xứng đáng với công sức bỏ ra.
- Chị có nói hàng hiệu là phù phiếm, nhưng có người bảo hàng hiệu sẽ làm nên đẳng cấp con người. Chị nghĩ sao?
- Tài khoản ngân hàng, cách đối nhân xử thế mới là đẳng cấp và làm nên giá trị một con người.
- Hiện tại, công việc đóng phim có mang lại kinh tế no đủ cho mẹ con chị?
- Vì tôi đóng phim nhiều nên cát-xê được cũng khá lắm (Cười). Tôi biết tính toán để làm sao đời sống sinh hoạt của mẹ con đầy đủ. Tôi còn phải tích góp để con trai sau này có tiền ăn học thành tài nữa. May mắn là tôi biết cách tiết kiệm và không hoang phí vào những chuyện vô bổ.
- Chị gần đây có điều gì mới để chia sẻ về con trai?
- Bé Duy Anh đã biết phụ tôi lau tủ lạnh, lau nhà, biết phụ mẹ xách đồ khi đi siêu thị, biết mẹ buồn hay vui, biết hỏi thăm mẹ ăn cơm chưa, đi làm về có mệt không, biết nói "I love you" với mẹ và biết chúc mẹ ngủ ngon nữa. Bấy nhiêu đó đã làm cho tôi có thêm nghị lực làm việc và vượt qua tất cả phiền muộn rồi.
- Còn công việc sắp tới của chị thì sao?
- Tôi vẫn chỉ biết cố gắng đi đóng phim thật tốt thôi. Ngoài ra tôi còn có một kế hoạch mới đang chuẩn bị làm nữa, khi nào thích hợp, tôi sẽ chia sẻ với khán giả.
Theo Vietnamnet