Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thần tượng Kpop lao đao trước sự thay đổi của hệ thống nghe nhạc

Đầu năm nay, các trang nghe nhạc đồng loạt thay đổi thời điểm cập nhật thứ hạng. Việc này khiến giới thần tượng gặp khó khăn trong việc đạt chứng nhận all-kill.

Công chúng Hàn Quốc chủ yếu nghe nhạc từ những trang web như Melon, Genie, Soribada, Mnet, Bugs hay Monkey3. Bởi vậy, lượng người nghe trên những trang web nói trên phần nào thể hiện sự thành công của một ca khúc.

Thời gian trước, đa số thần tượng chọn ban đêm là thời điểm phát hành ca khúc mới, bởi khi đó lượng người nghe giảm khiến các cộng đồng fan dễ dàng giúp bài hát của thần tượng leo lên vị trí số 1. Đồng nghĩa, vị trí này không thực sự phản ánh thị hiếu công chúng.

Nhưng, hệ thống các trang nghe nhạc đã có sự thay đổi lớn vào 27/2 nhằm đối phó với tình trạng thống kê số liệu sai lệch phát sinh từ việc fan “cày” lượt nghe cho thần tượng.

Tức, thay vì cập nhật thứ hạng vào nửa đêm như thông thường, các trang web chuyển sang buổi trưa để thực hiện công việc này. Thay đổi này được đánh giá là hợp lý để cung cấp cái nhìn chính xác nhất về sự yêu thích của công chúng với một ca khúc.

Chạy theo các trang web nghe nhạc, hàng loạt công ty giải trí buộc phải thay đổi chiến thuật. Từ khung 0h, giới nghệ sĩ đồng loạt chuyển sang 12h hoặc 18h (giờ địa phương) để tung ca khúc mới. Dù vậy, việc đạt chứng nhận all-kill (đứng đầu tất cả bảng xếp hạng) vẫn trở nên vô cùng khó khăn với giới thần tượng.

Những quái vật nhạc số bất chấp sự thay đổi

Album mới của Epik High phát hành hồi tháng 10, mang tên We’ve Done Something Wonderful hoạt động rất tốt trên các bảng xếp hạng (BXH), bất chấp sự thay đổi trong chính sách kiểm soát thứ hạng các ca khúc.

Thành tích này khẳng định chỗ đứng của nhóm trong ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, đồng thời chứng minh rằng các tiêu chuẩn mới không thể làm khó nghệ sĩ nếu âm nhạc của họ thực sự chất lượng và đáp ứng nhu cầu công chúng. Và IU, G-Dragon, Yoon Jong Shin, Winner hay Bolbbalgan4... là những ví dụ điển hình.

Tất cả nghệ sĩ nói trên đã được công chúng công nhận về thành tích nhạc số. Trong năm 2017, họ tiếp tục phát huy hết khả năng của mình. Không có một công thức cụ thể để giới nghệ sĩ khiến công chúng tiếp tục quan tâm đến âm nhạc của họ. Thay vào đó, âm nhạc hoàn hảo là yếu tố quyết định.

Ở Hàn Quốc, sự phân biệt giữa nghệ sĩ và thần tượng rất rõ ràng. Thần tượng, những người thiên về phong cách trình diễn sẽ không được coi trọng bằng các nghệ sĩ tập trung vào giọng hát cũng như chất lượng âm nhạc. IU, G-Dragon, hay Winner đã và đang phá bỏ mác thần tượng để được công nhận như một nghệ sĩ thực thụ.

Năm qua, Winner thành công rực rỡ với bản hit Really Really. Ca khúc không chỉ đứng thứ hạng cao trên nhiều BXH mà còn xuất hiện liên tục ở nơi công cộng và tạo nên trào lưu cover. Có thể nói đây là ca khúc phổ biến nhất Hàn Quốc trong năm qua.

BXH Kpop thay doi cach thuc anh 1
G-Dragon và IU khẳng định đẳng cấp của mình trong mảng nhạc số.

Thần tượng ngày càng xa chứng nhận all-kill

Bao quát làng nhạc Hàn Quốc trước khi các trang nghe nhạc thay đổi quy luật, nhóm nhạc nữ thường xếp vị trí cao, bù đắp cho sự thiếu hụt về doanh số bán album của họ. Tuy nhiên, điều đó cũng dần thay đổi.

Chẳng hạn, Sistar từng đứng đầu BXH với loạt bản hit như Shake It, Touch My Body, tương tự SNSD với Gee, I Got a Boy… Tuy nhiên, khi trở lại vào năm 2017, cả 2 đều không đạt thành công như mong đợi. Thậm chí, ca khúc kỷ niệm 10 năm ra mắt của SNSD là Holiday còn nhanh chóng rớt hạng khi mới phát hành và số 6 là vị trí cao nhất nhóm có được trên Melon.

Ca khúc mới nhất của Twice, Likey, cũng không đạt thành tích cao như những bài hát trước của nhóm. Bài hát dẫn đầu hầu hết BXH nhưng chỉ vài giờ sau đó đã phải nhường lại vị trí cho sản phẩm Epik High. Và khác Cheer Up, Knock Knock, thậm chí ca khúc bị chê dở tệ Signal, Likey không thể đạt chứng nhận all-kill.

Đương nhiên, việc quá trung thành với một phong cách âm nhạc là lý do không thể bỏ qua để lý giải thất bại lần này của Twice. Thế nhưng không thể phủ nhận sự thay đổi trong quy tắc tính thứ hạng đã cản chở các nhóm nhạc thần tượng, kể cả trường hợp mạnh về nhạc số như Twice.

BXH Kpop thay doi cach thuc anh 2
Twice không thể đạt thành tích all-kill với Likey giống những ca khúc trước đó.

Một ví dụ khác cho thấy tầm ảnh hưởng của việc thay đổi hệ thống nghe nhạc chính là BTS. Ca khúc mới của nhóm là DNA chỉ có thể vươn lên vị trí số 1 trên Melon trong thời gian nửa đêm. Đến rạng sáng, Autumn Morning của IU quay trở lại và chiếm vị trí đầu tiên. Trưa 19/9, khi trang Ichart cập nhật thứ hạng thì IU mới giành chứng nhận all-kill chứ không phải BTS.

Nhìn chung, việc chuyển thời gian cập nhật thứ hạng sang giờ trưa khiến các thần tượng gặp khó khăn trong việc đạt thành tích all-kill. Tuy nhiên, Produce 101 và sự phổ biến của chương trình này đã bổ sung những cái tên mới trong mảng nhạc số.

Wanna One ra mắt với ca khúc Energetic đạt vị trí số 1 trên Melon. Sau đó, nhóm tiếp tục giành thứ hạng quán quân trên nhiều BXH, dù là một nhóm tân binh. Wanna One có thể xem như trường hợp hiếm hoi trong các nhóm nhạc thần tượng vẫn đứng đầu tất cả BXH bất chấp sự thay đổi cách tính điểm.

Hoài nghi về sự minh bạch

Dù đã thay đổi nhằm phản ánh chính xác nhất thành công của một ca khúc nhưng sự hoài nghi công chúng dành cho các BXH cũng không nhờ thế biến mất. Vào tháng 5 năm nay, cuộc tranh cãi dữ dội đã diễn ra trên các diễn đàn âm nhạc khi nhóm nhạc Laboum vượt qua IU và giành chiến thắng trong chương trình Music Bank, dù trước đó ca khúc của nhóm đạt thứ hạng rất thấp.

Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về vai trò của các BXH cũng như cách sử dụng thứ hạng trong các chương trình âm nhạc. Trong các lễ trao giải cuối năm, thành tích trên BXH cũng đóng một vai trò quan trọng. Số liệu nghe, tải chính là thước đo quan trọng nhất để ban tổ chức tìm ra người chiến thắng một số hạng mục, đặc biệt là về mảng nhạc số như Daesang Ca khúc của năm.

BXH Kpop thay doi cach thuc anh 3
Really Really của Winner được ví như "Ca khúc quốc dân" năm 2017, thế nhưng nó không chiến thắng giải MAMA.

Thế nhưng, Winner, nhóm nhạc có ca khúc quốc dân Really Really lại không thể chiến thắng giải thưởng Daesang Ca khúc của năm ở cả Mnet Asian Music Awards lẫn Melon Music Awards. Thậm chí, bài hát có lượt tải lớn nhất năm qua còn trắng tay trong lễ trao giải MAMA, thay vào đó, Ca khúc của năm được trao cho Signal, một sản phẩm gây nhiều tranh cãi của Twice.

Không chỉ Winner, nhiều nghệ sĩ khác trực thuộc YG như G-Dragon, BlackPink trong năm qua dù đạt nhiều thành công rực rỡ nhưng đều trắng tay tại MAMA 2017.

Tới đây, câu hỏi được đặt ra là liệu việc thay đổi cách tính điểm nhằm phản ánh đúng thị hiệu công chúng có còn ý nghĩa, khi mà những ca khúc đạt thứ hạng cao, khán giả yêu thích lại không có được giải thưởng mà nó xứng đáng được nhận.

MV Signal - Twice Các thành viên Twice sở hữu siêu năng lực trong MV mới.

Sân khấu hoành tráng tại MAMA của BTS làm lu mờ EXO, Super Junior

Không chỉ có tiết mục được đầu tư hoành tráng, BTS còn chiến thắng hạng mục quan trọng là Daesang Nghệ sĩ của năm.



Tú Trí

Bạn có thể quan tâm